Từ những hiện tượng
Trong nửa đầu năm 2014, Vpop đã có sự khởi sắc với một loạt hit được nhiều người yêu thích, trong đó đa số là sáng tác của các nghệ sĩ 9x. Tuy nhiên, nhiều bài dính phải nghi án nhái tác phẩm của nghệ sĩ khác. Một trong những cái tên bị đưa ra tranh luận là Phạm Hồng Phước. Hầu hết các ca khúc của anh đều được cho là lấy ý tưởng từ các tác phẩm khác, bao gồm cả âm nhạc lẫn văn học. Đáng chú ý hơn cả là ca khúc Khi chúng ta già. Bài hát đã bị nữ thi sĩ Việt Hà lên tiếng tố cáo đạo lại từ bài thơ cùng tên của cô. Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng Phạm Hồng Phước đã nói lời xin lỗi và gỡ ca khúc này khỏi các trang nghe nhạc trực tuyến. Anh cũng đã tạm ngừng ca hát một thời gian để lấy lại thăng bằng.
Mới đây, anh chàng rapper Mr.T làm dấy lên làn sóng tranh luận khi ca khúc Butterfly của anh bị cộng đồng mạng tố có nhiều điểm giống bài Flowers của thành viên JunHyun nhóm nhạc BEAST nổi tiếng xứ Hàn. Mr.T đã thừa nhận anh có “vay mượn” nhưng đã hòa âm lại để ca khúc mới mẻ và có chất riêng. Một trong số những ca sĩ trẻ được yêu thích hiện nay là Sơn Tùng M-TP cũng từng nhiều lần dính nghi án vay mượn ý tưởng. Các bản hit của anh như Cơn mưa ngang qua, Nắng ấm xa dần hay Em của ngày hôm qua... đều có bóng dáng các ca khúc khác. Chọn biện pháp im lặng, Sơn Tùng vẫn bị cho vào “black list” những nghệ sĩ trẻ vướng nghi án đạo nhạc.
Trước đó, lứa nghệ sĩ 8x đã có tên tuổi như Khắc Việt, Bảo Thy, Ưng Hoàng Phúc, Thủy Tiên… cũng mắc phải những sai lầm tương tự.
Không chỉ ở Việt Nam, tại các nền âm nhạc lớn như Kpop hay Âu Mỹ, đạo nhạc cũng là một trong số những sai lầm mà nhiều người trẻ mắc phải. Chỉ tính riêng trong năm 2013, một loạt các tên tuổi trẻ của Kpop như Crayon Pop (Bar Bar Bar), SHINee (Dream Girl), B.A.P (Bad Man), Apink (NoNoNo),... đều đã làm dấy lên cách cuộc tranh luận về độ “sạch” trong các bản hit của họ. Các chàng trai One Direction bị cáo buộc là đạo nhạc trong các ca khúc Midnight Memories (giống bài Pour Some Sugar On Me (1987), Best Song Ever (giống với bài Baba O’Riley -The Who). Hit Somebody to Love của Justin Bieber và rapper Usher bị hai nhạc sĩ Devin Copeland và Mareio Overton đâm đơn kiện lên tòa án ở Norfolk vì giống với một ca khúc phát hành năm 2008 của họ. Việc đạo hay không đạo, ảnh hưởng hay không ảnh hưởng vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Cả ở Việt Nam lẫn trên thế giới, vấn đề này đều chưa thực sự được giải quyết triệt để nhưng có một điểm chung là nghệ sĩ càng trẻ, nguy cơ dính nghi án đạo nhạc càng cao. Truy tìm nguyên nhân Hầu hết các nghệ sĩ mới bước vào nghề đều chưa có cái nhìn đúng đắn về vấn đề bản quyền. Trong một cuộc trao đổi với phóng viên, chàng ca sĩ trẻ M-TP thật thà chia sẻ bản thân anh bước ra từ giới underground nên chỉ hoạt động âm nhạc với những gì mình mong muốn và yêu thích. M-TP cũng cho rằng mình có học hỏi và kế thừa từ âm nhạc quốc tế, đặc biệt là Kpop và coi chuyện sử dụng lại beat nhạc trong ca khúc của mình là hết sức bình thường. Có lẽ, chính cách nhìn nhận còn hời hợt, thiếu nghiêm túc này mà nhiều nghệ sĩ trẻ đã cho ra đời những sản phẩm thiếu bản sắc và có giai điệu na ná nhau. Ngoài ra, đa số nghệ sĩ trẻ đều chưa định hình rõ nét phong cách. Trong bối cảnh internet phát triển, toàn cầu hóa về mọi mặt, họ lại càng dễ dàng bị ảnh hưởng (đôi khi là vô thức) phong cách của người khác.
Tuy nhiên, một số khán giả đôi khi cũng có cái nhìn quá khắt khe và đưa ra những đánh giá chưa thỏa đáng. Ngay cả việc tìm ra một định nghĩa thế nào là "đạo nhạc", giống bao nhiêu phần trăm thì gọi là "đạo nhạc" cũng chưa hề có. Về vấn đề này, nhạc sĩ Lưu Thiên Hương cho biết: "Nhiều khán giả giống như là bác sĩ, nhìn thấy đâu cũng thấy có vi trùng. Dĩ nhiên, đó là quyền lợi của người nghe nhạc. Họ có quyền so sánh và đưa ra những nhận xét riêng. Nếu là tôi, tôi nghĩ mình cũng sẽ làm như vậy bởi ở Việt Nam, hiện tượng đạo nhạc ngày càng nhiều và công chúng cần phải biết tự chọn lọc cho mình những tác phẩm có giá trị thực sự". Lưu Thiên Hươngc chia sẻ, trên một vòng hòa thanh, nhạc sĩ có thể hát và sáng tạo rất nhiều giai điệu nhưng về màu sắc thì vẫn mang đậm chất của hòa thanh đó. Vì vậy, sự trùng lặp nhỏ ở phạm vi một vài nốt là không thể tránh được. "Trên vòng hòa thanh bài hát của nghệ sĩ này có thể sáng tạo thành bài hát mới của một nghệ sĩ khác. Khán giả có thể thấy điều đó ở bài Toxic của Britney và Faint của Linkinpark" - tác giả Người hát tình ca phân tích. Có ý thức ngay từ đầu hay chờ người trẻ lớn? Trước thực trạng đạo nhạc của các nghệ sĩ trẻ, có không ít khán giả đứng ra bênh vực khi cho rằng “người trẻ thì có quyền mắc sai lầm” và “hãy cho họ thời gian để trưởng thành”. Tuy nhiên, vẫn có những tác giả trẻ làm nghề một cách nghiêm túc và có nhiều sản phẩm tốt, in đậm dấu ấn cá nhân. Lê Hà Nguyên, Huyền Sambi, Khắc Hưng… thuộc thế hệ 9X nhưng nhờ cách “làm nhạc có ý thức” đã cho ra nhiều sản phẩm ấn tượng, thậm chí ghi danh ở nhiều sân chơi âm nhạc lớn.
Không thể phủ nhận Hồng Phước, Mr T, M-TP, hay Tiên Cookie,... bằng những sáng tác mới mẻ gần gũi với hơi thở của đời sống hiện đại đã thổi vào nhạc Việt một luồng gió tươi mới. Hầu hết đều đã tham gia hoạt động chuyên nghiệp chứ không phải là “dân tay ngang”, chỉ coi âm nhạc là một cuộc dạo chơi. Không ít người trong số đó được đào tạo về âm nhạc một cách bài bản tại nhà trường nên chính họ hiểu hơn ai hết đâu là “học hỏi”, đâu là “đạo nhái”. Vấn đề chính không nằm ở tuổi tác mà phụ thuộc vào chính ý thức của mỗi người. Có lẽ, thay vì chờ đợi người trẻ “lớn lên” thì việc "làm nhạc có ý thức" ngay từ đầu vẫn là phương án tối ưu và có giá trị dài lâu hơn cả. Mới đây, nhạc sĩ Trần Tiến trong một cuộc trò chuyện nhận định bộ mặt nhạc trẻ Việt Nam đang "chán chường, tuyệt vọng" vì tình trạng đạo, nhái quá nhiều. Anh cũng cho rằng cuộc chiến chống lại "nạn trộm cắp" trong âm nhạc chắc chắn sẽ mất nhiều hơn được vì tài năng nhạc trẻ còn quá ít ỏi và yếu ớt.