V-Pop chuyên nghiệp chưa tới tầm
Trong vài năm trở lại đây, việc nở rộ các công ty đào tạo ca sĩ đã mở ra nhiều cơ hội cho các bạn trẻ đam mê ca hát. Ngoài những lớp riêng lẻ được tổ chức đào tạo bởi các ca sĩ theo hình thức "xin học" hay "nhờ vả", thì một bộ phận các ca sĩ, nghệ sĩ, giảng viên thanh nhạc cũng tham gia vai trò hướng dẫn với tư cách giảng viên trong các công ty hoặc tự mở công ty để chiêu mộ các tài năng trẻ.
Dễ dàng được chú ý nhất chính là việc ca sĩ, nhà sản xuất được công chúng đã biết đến đứng sau các công ty đào tạo. Danh tiếng của họ sẽ rút ngắn khoảng cách về truyền thông nếu như họ là một gương mặt hoàn toàn mới đang có ý định chinh chiến trên các sân khấu V-Pop. Tuy nhiên, không phải công ty đào tạo nào cũng là một địa chỉ thực sự uy tín trong vấn đề hoạch định, phát triển hình ảnh của các học viên.
Thử giọng và vòng đầu tiên các công ty đào tạo ở Việt Nam áp dụng cho việc tìm kiếm các gương mặt mới. Vòng thử giọng này có thể được áp dụng từ phương thức chiêu sinh, hoặc tổ chức một cuộc thi với quy mô nhỏ. Phần thưởng từ các cuộc thi này sẽ là một suất học bổng "toàn phần" đào tạo tại các công ty và được lăng xê thành ca sĩ chuyên nghiệp nếu thực sự đủ tiềm năng. Các học viên khác, ở các vị trí thấp hơn sẽ tiếp tục rèn luyện trong các chương trình giảng dạy của các công ty.
Tuy nhiên, sau những vòng thử giọng này, hiện tượng "sinh non" diễn ra khi chỉ cần một thỏa thuận hợp lí giữa học viên và nhà quản lí thì thay vì quá trình đào tạo vốn diễn ra khá ngắn ngủi, sẽ là một cuộc lăng xê trên mặt báo cho một album hoặc single được thực hiện vội vàng. Đa phần những ca sĩ trẻ được lăng xê theo dạng này đều rơi vào quên lãng nhanh chóng vì quá trình đào tạo ngắn không đủ để dày dạn kinh nghiệm sân khấu. Nhiều ca sĩ mới chỉ nổi ở bề ngoài và gặp nhiều hạn chế ở thực lực.
Một số công ty thay vì mạo hiểm tìm kiếm gương mặt hoàn toàn mới, thì lại gắn kết với những chương trình tìm kiếm tài năng để chiêu mộ những tài năng trẻ. Việc phát sóng rộng rãi của những chương trình thực tế dạng này sẽ giúp các công ty rút ngắn một chặng dài đưa nghệ sĩ mới quen thuộc với khán giả. Tuy nhiên, ngay cả khi đã có một trợ lực truyền thông và "gọt dũa" bởi các giám khảo, chuyên gia trong các chương trình này, tương lai của các học viên trẻ này cũng là một dấu hỏi lớn.
Hai nhóm nhạc nam "dưới chướng" hai nghệ sĩ nữ đình đám của làng giải trí sau khi ra mắt trên dưới 1-2 năm qua vẫn đang loay hoay định vị hình ảnh khi vẫn chưa thuyết phục được công chúng bằng khả năng của chính mình, dù truyền thông đã đẩy bật họ lên từ những người chưa có danh tiếng thành những người ít nhiều có tên trên mặt báo.
Một nam ca sĩ trẻ từng là "gà" và được lăng xê thành công bởi một công ty đào tạo trẻ cũng đã chững lại sau khi những đấu đá qua lại trong nội bộ công ty khiến cho sự nghiệp của chàng ca sĩ này đều mất định hướng và những bước tiến kế tiếp cho nghiệp hát còn chưa rõ ràng lại tiếp tục dính vào scandal bầu bí ngoài hôn nhân.
Ngay cả những quán quân của các cuộc thi tài năng lớn hiện nay ở Việt Nam, sau khi gia nhập các công ty âm nhạc có tiếng tăm cũng chưa hẳn đã "lợi" về đường nghiệp khi hào quang của chương trình đi xuống, cũng là lúc họ phải khẳng định tài năng bằng chính thực lực ở các sân khấu ca nhạc trẻ. Ở mặt giọng hát, khả năng, các ca sĩ trẻ ngoài đôi mươi này có sẵn, nhưng để "nâng cấp" hình ảnh lên một tầm mới thì chưa có nhiều người khẳng định được một cách rõ nét.
Chuyện khác ở K-Pop
SM Entertainment là một trong những công ty quản lý hàng đầu tại K-Pop. Đây cũng là công ty quản lí mà nhiều ngôi sao muốn được đầu quân để nhận được những hỗ trợ về phát triển bản thân và sự nghiệp. Đối với các gương mặt trẻ, chỉ việc vượt qua vòng thử giọng của SM Entertainment cũng là cả một vinh dự và cơ hội lớn, vì sau đó rất có thể họ sẽ trở thành một trong những nghệ sĩ nổi tiếng như BoA hay tham gia những nhóm nhạc đình đám như TVXQ, Super Junior, Girls’ Generation.
Tuy nhiên, ánh hào quang của sự nổi tiếng mà những nghệ sĩ tên tuổi của SME đang có hiện nay chỉ là phần nổi, kết quả của một quá trình rất nhiều khó khăn, bắt đầu ngay từ thời điểm những thí sinh tiềm năng vượt qua vòng thử giọng. Bởi lẽ, giữa các học viên được lựa chọn cũng sẽ diễn ra một cuộc cạnh tranh gay gắt để chứng minh tài năng của mình và sẽ có ngày được ra mắt với công chúng. Quá trình huấn luyện trước khi ra mắt nhóm diễn ra với rất nhiều thành viên các nhóm nhạc. Đơn cử như EXO-K, trưởng nhóm phải trải qua 6 năm đào tạo, trong khi Baekhyun chỉ cần 1 năm để hòa nhập và chứng minh khả năng.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Sports Chosun, EXO-K đã chia sẻ rằng, bất cứ khi nào người hâm mộ đặt câu hỏi: "Họ là những học viên của SM sao, khi nào họ sẽ ra mắt?" thì điều đó lại khiến các thành viên cảm thấy bị tổn thương. Bởi lẽ, cùng tập luyện và được đào tạo trong một công ty nhưng việc nhìn thấy những người bạn hoặc học viên gia nhập công ty muộn hơn nhưng được ra mắt trước là việc không dễ dàng.
Thành viên Suho của EXO-K đã thoải mái chia sẻ: "Tôi rất muốn khuyến khích các học viên tự thách thức chính bản thân mình. Những ai biết đặt mục tiêu sẽ được công ty ra mắt đều sẽ làm như vậy. Điểm này khác hoàn toàn với V-Pop khi các ca sĩ "bung ra" tứ tung một cách thiếu kiểm soát về chiến lược sản phẩm và hình ảnh nên chỉ sau khi ra mắt chưa lâu, nhiều các tên đều bị không để lại dấu vết".
Kết
Khách quan nhìn vào 2 thị trường âm nhạc, có thể thấy giữa K-Pop và V-Pop đang có những nhận thức về vai trò đào tạo rất khác biệt dù cùng một một đích cho ra mắt những "sản phẩm" con người thuyết phục công chúng.
Trong khi V-Pop đang chưa có một quy trình đào tạo bài bản, có hệ thống và đa dạng những phương thức rèn luyện học viên, phải dựa vào công nghệ lăng xê, truyền thông, công nghệ phòng thu thì K-Pop lại lọc đầu vào một cách khắc nghiệt, giáo giục nhận thức học viên theo chiều hướng phát triển và khẳng định bản thân nên khi các ca sĩ, nhóm nhạc trẻ mới ra mắt, dễ gây được cảm mến và đón nhận từ khán giả bởi tài năng và cả sự chuyên nghiệp.
Những căn bản tốt từ phương thức rèn luyện đã giúp nhiều nghệ sĩ K-Pop nhận được sự yêu thích từ các fan ở trong và ngoài nước. Chính điều này, cũng trở thành động lực truyền thông giúp các nghệ sĩ này được biết đến ngày càng nhiều hơn, mở rộng ảnh hưởng cá nhân mạnh mẽ ở nhiều quốc gia khác nhau. Dù chưa thể đạt đến sự chuyên nghiệp như tại K-Pop, thì các công ty đào tạo ở Việt Nam rất nên nhìn lại việc đào tạo của mình, cũng như tính đến yếu tố dài hạn cho một nghệ sĩ thay vì còn quá nghiệp dư trong việc đào tạo cũng như nhìn nghệ sĩ như một món ăn xổi, rồi mất định hướng dài hạn về nghề nghiệp.
- Tag
- V-Pop
- K-Pop
- âm nhạc
- ca sĩ
- phong cách