NHẠC » Tin tức

Vietnam’s Got Talent: Chưa xứng tài năng

Thứ năm, 08/03/2012 08:39

49 tiết mục vào vòng bán kết cuộc thi Tìm kiếm tài năng - Vietnam’s got talent được đánh giá là xuất sắc nhưng để công nhận là tài năng thì chưa thể

Võ Trọng Phúc - thí sinh đầu tiên vào chung kết Vietnam’s got talent.  Ảnh do Ban Tổ chức cung cấp

Chương trình Tìm kiếm tài năng mang tên Vietnam’s got talent, do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Công ty BHD tổ chức, đang bước vào chặng gay cấn khi các thí sinh phải tranh tài để được lọt vào vòng chung kết. 49 phần thi của các cá nhân và tập thể thí sinh sẽ biểu diễn trong vòng 7 tuần, mỗi tuần 7 tiết mục để chọn ra 14 tiết mục cho vòng thi chung kết.

Đừng quá kỳ vọng

Sau khi một số tiết mục dự thi vòng loại được phát sóng, khán giả ít nhiều có được cảm giác bất ngờ. Đêm tranh tài đầu tiên của vòng bán kết (diễn ra vào ngày 4-3, được truyền hình trực tiếp trên VTV3) của 7 thí sinh, phần nào cho thấy những gì xuất hiện ở Vietnam’s got talent lần này còn ở dạng tiềm năng.

Khán giả cũng nhận diện được vài gương mặt tiềm năng trong số đó, hứa hẹn cho ngôi vị quán quân trong mùa giải đầu tiên của Vietnam’s got talent: Cô bé xương thủy tinh Phương Anh; “Michael Jackson” Nguyễn Đặng Đăng Khoa; thầy giáo Võ Trọng Phúc; nhóm hát acapella Ivoice đến từ Trường Lê Hồng Phong; nhóm hát Dòng thời gian (được mệnh danh “Il Divo của Việt Nam” được chọn vào vòng thi chung kết) với lợi thế được đào tạo bài bản về chuyên môn; cô bé Vũ Đình Tri Giao với khả năng hát bài hát tiếng Anh phát âm chuẩn… Dẫu vậy, đây chỉ là những ấn tượng ở vòng loại và khán giả theo dõi cuộc tranh tài này chưa thấy được những gì mới mẻ hơn ở họ khi trình diễn trong vòng bán kết. Đêm thi bán kết đầu tiên, những thí sinh được đánh giá là hạt nhân của cuộc thi đã không cho thấy sự tiến triển nào. Trên các diễn đàn, nhiều người tỏ ra thất vọng vì thí sinh chuộng hát tiếng Anh, ngại hát tiếng Việt; cảm giác chung của nhiều khán giả về các tiết mục biểu diễn là sự lặp lại, thậm chí hụt hơi khiến người xem nghi ngờ về khả năng sáng tạo để đi đến tận cùng cuộc thi. 

Kết quả là những màn biểu diễn của họ phần lớn không nổi trội so với những gì đã làm được trước đó. Điển hình là Võ Trọng Phúc (thí sinh đầu tiên được chọn vào vòng chung kết). Đứng trên sân khấu biểu diễn trước khán giả là việc làm đã quen thuộc của Võ Trọng Phúc khi hằng đêm, anh vẫn diễn ở các quán bar. Vì vậy, không lạ khi Phúc có khả năng hát chuẩn tiếng Anh (anh là giáo viên tiếng Anh). Thế nhưng, Phúc chưa thể tạo nên cá tính, dấu ấn riêng khi hát những ca khúc tiếng Anh quen thuộc, dù anh có giọng khá phù hợp với nhạc đồng quê. Và You’re beautiful của danh ca James Blunt mà Phúc hát trong đêm bán kết là ví dụ. 

Chàng trai khiếm thị Thanh Bình từ bỏ sở trường chơi nhạc cụ để chọn một tiết mục hát nhưng phần biểu diễn này không đạt được hiệu ứng như anh mong muốn. Nhạc sĩ Huy Tuấn đã nhận xét: “Khi ở vòng loại, anh rất ngưỡng mộ vì thấy Bình chơi được nhiều nhạc cụ. Anh vẫn muốn Bình là đồng nghiệp của anh ở phương diện nhạc công hơn là phần hát vừa rồi, vì Quảng Ninh có nhiều giọng hát hay hơn Bình rất nhiều”. My Anh (con gái nhạc sĩ Thanh Phương) cũng không tạo được ấn tượng mới, thậm chí xuống phong độ hơn ở vòng loại khi chọn ca khúc đình đám Rolling In The Deep của Adele để trình diễn. My Anh đã không thể tải nổi bài hát đòi hỏi kỹ thuật xử lý tinh tế, khả năng biểu cảm cao, có chiều sâu... Sở dĩ như thế bởi các thí sinh không phải là những nghệ sĩ chuyên nghiệp. Vì vậy, sự đòi hỏi phải sáng tạo dường như là quá sức đối với họ.

Tài năng còn đâu!

Suy cho cùng, dù  khuyến khích mọi người thể hiện tài năng ở bất cứ loại hình nào  nhưng ai cũng ngầm hiểu chỉ có những tài năng ở lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn mới dễ dàng chinh phục số đông khán giả, nhất là lĩnh vực ca nhạc. Các phiên bản “got talent” ở nhiều nước hay chính phiên bản gốc ở nước Anh, những người chiến thắng thường là những cá nhân, tập thể hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

Ở mùa giải đầu tiên của Vietnam’s got talent, người chiến thắng nhiều khả năng sẽ không nằm ngoài lĩnh vực nghệ thuật, nhất là khi các ứng viên “nặng ký” đã bắt đầu lộ diện. Là chương trình phiên bản, Vietnam’s got talent không khác về hình thức tổ chức, thậm chí cả khát vọng của ban tổ chức tìm ra một giọng ca tài năng như Susan Boyle. Tuy vậy, “lực bất tòng tâm”, nhà tổ chức Vietnam’s got talent cũng chưa thể tìm kiếm được hơn những gì mình đang có.

Tài năng vốn hiếm hoi, trong khi ở Việt Nam đang có quá nhiều cuộc tranh tài để mọi người lựa chọn sân chơi phù hợp: Từ Đồ rê mí cho thiếu nhi, Tiếng ca học đường cho học sinh, Tiếng hát mãi xanh cho người lớn tuổi, Vietnam’s Idol, Ngôi sao Tiếng hát truyền hình, Sao Mai, Sao Mai - Điểm hẹn... Phải chăng đó là lý do cuộc thi Vietnam’s got talent chưa thể tìm kiếm được những tài năng như từng thấy trong cuộc thi cùng phiên bản ở những quốc gia khác?

Mài ngọc

Để thực sự đánh thức được tiềm năng của các thí sinh, giống như nhiều cuộc tranh tài khác, ban tổ chức của Vietnam’s got talent cũng đầu tư cho thí sinh bằng hành trình “mài ngọc”. Bắt đầu từ vòng bán kết, các thí sinh được các chuyên gia nghệ thuật tư vấn và hỗ trợ hoàn thành phần trình diễn của mình cũng như chứng minh với khán giả sự tiến bộ của họ qua từng vòng thi. Trong mùa đầu tiên, nhạc sĩ Đức Trí và biên đạo John Huy Trần đảm nhận vị trí quan trọng này.

“Có thể một số bạn đến với cuộc thi này chủ yếu vì niềm đam mê nhưng khi bước ra sân khấu, họ phải trình diễn một cách chuyên nghiệp, vì thế sự tư vấn từ những người hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp sẽ giúp họ có những cách nghĩ mới hơn. Mà tính chuyên nghiệp không phải do chúng tôi áp đặt cho họ vì như thế sẽ không phải là của họ nữa, chúng tôi chỉ giúp họ nhận biết đâu là điểm mạnh, điểm yếu của mình để khai thác những thế mạnh vốn có” - nhạc sĩ Đức Trí chia sẻ.

 

Người Lao Động