Khoai mì được xem là nguồn carbohydrate xếp hàng thứ 3 trên thế giới chỉ đứng sau gạo và bắp, nhất là ở những nước vùng nhiệt đới. Củ khoai mì giàu tinh bột, protein, khoáng chất, vitamin A, viamin nhóm B và vitamin C.
Giàu protein, lại rẻ tiền nên khoai mì là cứu tinh của dân nghèo. Tuy nhiên, ăn khoai mì hoặc lá khoai mì rất dễ bị ngộ độc do cả củ và lá khoai mì đều có chứa một hợp chất là cyanogenic glucosides. Hợp chất này nếu có hàm lượng nhiều sẽ gây ngộ độc cyanide cấp tính có thể dẫn đến tử vong cho người và gia súc. Hàm lượng của hợp chất độc này tùy thuộc vào giống cây và tùy vào điều kiện chăm bón. Có rất nhiều loại khoai mì căn cứ vào hàm lượng cyanide. Khoai mì ngọt thì hàm lượng cyanide chứa bên trong là 40-130 ppm (phần triệu); khoai mì không đắng chứa hàm lượng cyanide khoảng 40-180 ppm; khoai mì đắng chứa khoảng 80-412 ppm và khoai mì cực đắng chứa 280-490 ppm.
Với hàm lượng cyanide ít hơn 50 ppm thì khoai mì được xem là vô hại. Tuy nhiên, nếu cứ ăn khoai mì trong suốt một thời gian dài thì cuối cùng cũng bị ngộ độc cyanide. Ăn khoai mì đắng không được xử lý đúng cũng sẽ bị ngộ độc cyanide.
Sự ngộ độc khi ăn củ và lá khoai mì đã được nói đến từ lâu, người ta cũng đã nghĩ ra nhiều phương pháp để loại bỏ và hạn chế độc tính của nó. Đối với khoai mì ngọt, lượng cyanide chủ yếu tập trung ở vỏ, vì vậy chỉ cần lột vỏ, ngâm nước, luộc thì cũng có thể đưa lượng cyanide xuống mức vô hại. Đối với những loại khoai đắng thì cần phải bào hoặc băm nhuyễn và ngâm trong nước thật lâu. Củ khoai mì không được ăn sống mà phải nấu thật chín. Cũng vậy, chỉ nên ăn lá khoai mì non và luộc thật chín.
Tình trạng ngộ độc củ và lá khoai mì có thể sẽ tác động lên gan, thận và một số vùng ở não. Chính vì độc tính như vậy nên một số quốc gia đã hạn chế việc sử dụng khoai mì làm thực phẩm cho người mà chỉ làm thức ăn cho gia súc.