1. Thịt nai
Ai tới miền đất đỏ, khi về chẳng thể quên mua chút nai khô làm quà. Thịt nai đã trở thành món đặc sản không thể thiếu của vùng rừng núi Tây Nguyên. Miền Tây Bắc giờ đã rất khó kiếm nai, nên người dân miền Bắc ngày nay chủ yếu chỉ còn có thể thưởng thức bò khô, trâu khô. Riêng mảnh đất đại ngàn Tây Nguyên vẫn còn thứ thịt núi rừng ngọt lịm, đê mê.
Tại các nhà hàng ở Đắk Lắk, món thịt nai tươi được đưa vào thực đơn với vô số món ngon miệng như nai nướng, nai xào, nai nhúng giấm… Khách từ phương xa có thể mua nai khô, tẩm ướp khá giống bò khô nhưng mềm ngọt hơn nhiều để làm quà tặng người thân.
2. Gà nướng sa lửa
Đời sống đồng bào Tây Nguyên gắn bó mật thiết với núi rừng nên văn hóa ẩm thực vùng đất đỏ, đặc biệt là người Đắk Lắk cũng sẽ mang đậm sắc thái đại ngàn. Vi đều dùng các nguyên liệu tươi ngon nhất nên đồng bào nơi đây thường sử dụng phương thức chế biến hết sức đơn giản mà làm nổi bật hương vị tuyệt hảo của món ăn, đó là nướng.
Trong các món nướng của người Tây Nguyên, không thể không nhắc tới món gà sa lửa.Gà được chọn là gà rừng, cho thịt dai ngon hoặc gà đàn dân bản cũng được nuôi theo phương pháp tự nhiên.Sở dĩ món này có tên là gà sa lửa là bởi vì cách chế biến rất độc đáo của nó. Gà nguyên con được kẹp vào giữa 2 thanh tre hoặc nứa rồi để cạnh bếp lửa cháy bùng trong khoảng 2 đến 3 giờ cho chín hẳn bằng hơi lửa chứ không nướng trực tiếp trên than hồng như các món gà nướng khác. Gà nướng mang hương nồng đượm đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên.
3. Cơm lam Tây Nguyên
Cơm lam thường được nhắc tới bên cạnh gà sa lửa như một cặp đôi thân thiết không thể tách rời. Cơm lam của người Tây Nguyên cũng được nấu từ gạo nếp nương nhưng không được nướng trực tiếp trên than hoặc lửa mà lùi dưới tro trấu tới khi ống lam chuyển màu cháy xém. Cơm lam dẻo ngậy, thơm thoang thoảng,chấm cùng muối mè, ăn với gà sa lửa là bữa ăn núi rừng ấm áp và đặc trưng, khiến bất kì ai dù thưởng thức một lần cũng không thể nào quên.
4. Chuối hột rừng Ba na
Cây chuối hột sinh trưởng tự nhiên trong rừng Tây Nguyên, và ở Tây Nguyên không phải vùng đất nào cũng có thể sinh trưởng được.
Đặc trưng mỗi cây chuối hột chỉ có một buồng chuối, cây được mọc từ hột không mọc từ chồi. Quả nhỏ ngang ngón tay, cơm ít, hạt nhiều. Chuối sau khi được thu hái chọn lọc tư những nơi sâu nhất của Ba Na đại ngàn được mang về rửa sạch, lột vỏ, sấy rút nước, phơi 3 nắng rồi sao vàng cháy xém, hạ thổ để nguội. Chuối hột Ba Na được cho là có công dụng thần kỳ với những người bị sỏi thận, tiểu đường, thấp khớp...
5. Lẩu lá
Có khoảng hơn 10 loại lá được dùng để chế biến lẩu lá rừng, phần lớn chúng đều được người dân bản địa phát hiện ra khi đi rừng. Ban đầu những lá này được sử dụng như một thứ rau rừng để phục vụ cho những bữa ăn trên nương, trên rẫy. Sau này khi tập quán sản xuất thay đổi thì nó được dùng như một đặc sản đó là lẩu lá rừng. Cùng với những loại lá này còn có mắm thịt, tôm nõn và thịt luộc.Lẩu lá rừng chính là kinh nghiệm từ ngàn đời của đồng bào dân tộc bản địa được đúc kết. Mỗi loại lá đều chứa đựng trong mình những chất dinh dưỡng đặc biệt, có tác dụng tốt đối với sức khoẻ.
6. Phở khô Gia Lai
Người Gia Lai xem món phở khô như một món ăn không thể thiếu trong thực đơn các món ăn của mình.Phở khô có sợi nhỏ như sợi hủ tiếu gõ nhưng săn và hơi dai.Tô bánh phở bao gồm phở chần chín, giá chần, hành phi và thịt băm.
Hương vị của phở khô Gia Lai khác hẳn với các loại phở khác, nước dùng của món ăn này cũng rất khác với món phở bắc truyền thống.Khi thưởng thức món ăn này, thực khách sẽ được phục vụ hai tô, một tô bánh phở và một tô nước súp. Người ăn sẽ cảm nhận được vị ngọt của thịt bò mềm, thịt heo, vị đậm đà của nước dùng hòa quyện cùng hương thơm của các loại rau sống vô cùng hấp dẫn.
7. Rượu cần
Rượu cần là đồ uống thường xuyên, phổ biến và bất biến của các cư dân bản địa Tây Nguyên. Uống rượu cần trở thành phong tục, có nguồn gốc khá lâu đời, thành nét văn hóa đặc trưng trong đời sống. Rượu cần là thứ đồ uống quý thường chỉ dùng trong các dịp lễ tế thần linh, những ngày hội làng và dành đãi khách.
Ở Tây Nguyên đâu đâu cũng uống rượu cần. Rượu cần thơm, ngon, mát, bổ, kích thích tiêu hoá, lợi tiểu. Chum nhỏ là một chum một cần, chồng rót vợ uống và ngược lại. Chum nhỡ là đôi bạn, đôi cần, theo số chẵn là bốn, sáu, tám. Chum to sẽ là mười, mười hai,mười bốn bạn bè anh em đến là “lảu khay cáy khả” (rượu mở, thịt gà).
Trong hàng chục, hàng trăm loại rượu, có lẽ đây là loại duy nhất không uống bằng ly, bằng chén mà uống bằng một dụng cụ đặc biệt được gọi là cần. Bởi thế, việc sử dụng thứ đặc sản này có thêm “công đoạn” hút, trước khi uống chúng vào người. Hơn nữa, đối với rượu cần, người ta không uống một mình với mục đích giải sầu mà chỉ uống tập thể vào những dịp lễ Tết, hội hè… khi tiếp đãi bạn bè, khách quý phương xa.
8. Cà phê Buôn Ma Thuột
Thành phố Buôn Ma Thuột từ lâu đã được coi là thủ phủ cà phê Tây Nguyên. Vùng đất đỏ cao nguyên đã cho ra đời thứ cà phê cao năng suất và chất lượng. Ở Đắk Lắk gần như huyện nào cũng có trồng cà phê, nhưng cà phê Buôn Ma Thuột vẫn luôn được đánh giá là có chất lượng cao nhất và có hương vị đặc trưng nhất, chính vì vậy thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột được thế giới biết đến và địa danh Buôn Ma Thuột được nhiều người ví như "thủ phủ cà phê".
Ở Đắk Lắk hiện tại, một số vấn đề liên quan đến cà phê đã trở bản sắc văn hóa như việc mời đi uống cà phê đã là một nét văn hóa đặc trưng của vùng này. Mời đi uống cà phê là một nét văn hóa rất đặc trưng của thành phố Buôn Ma Thuột.