Tiết lập đông, len lỏi khắp các ngõ ngách đất Hà Thành là hương khói nghi ngút, của nào bún nào phở; là tiếng xì xèo của dầu sôi của nào bánh nào xôi. Đúng là chỉ có vào mùa nào, những món ăn trông có vẻ ngấy ngậy như vậy mới được yêu thích đặc biệt. Bánh gối cũng là một trong số đó. Chỉ vừa tắt nắng, từng tốp người nhiều ít lại rủ nhau ghé vào quán nhỏ, mua dăm ba chiếc bánh gối vừa ăn, vừa mang về. Lâu dần thành nếp, người ta gọi luôn mùa đông là mùa bánh gối Hà Nội.
Ít có hàng bánh nào chỉ bán riêng bánh gối, bởi chẳng mấy ai mà chỉ ăn được riêng thức này. Bánh gối thường được bán kèm các loại bánh mặn ngọt cùng nhiều món đồ đặc trưng mùa đông khác như quẩy nóng, bánh rán, chân gà nướng…hoặc bán kèm cùng bún chả, bún nem.Nhưng không phải vậy mà bánh gối không có thương hiệu riêng. Nhờ bánh gối, nhiều con phố nhỏ đã trở nên nổi danh như bánh gối phố Hòe Nhai, phố Lý Quốc Sư, đường Lương Văn Can.
Làm bánh gối khá kì công bởi cả vỏ và nhân bánh là sự tổng hòa của nhiều nguyên liệu. Trước hết là lớp bột mì bao ngoài làm vỏ bánh.Vỏ bánh vừa phải mềm dẻo để bao trọn nhân bánh, vừa phải đủ mỏng để khi rán lên có vị giòn ngậy đặc trưng. Với các hàng quán nổi tiếng, tất cả công đoạn từ nhào, phết, cán bột đều có bí quyết riêng nhằm níu chân thực khách. Nhân bánh cũng cầu kì, nhưng khá quen thuộc bởi nguyên liệu và cách pha trộn khá giống với món nem, hay bánh rán mặn, khác chút có chăng ở việc cho thêm miếng trứng gà luộc hay quả trứng cút con con. Mộc nhĩ, nấm hương đem ngâm nước nóng cho nở rồi thái nhỏ. Miến ngâm mềm cắt nhỏ, ngắn. Su hào, cà rốt hoặc củ đậu thái hạt lựu nhỏ. Sau đó đem các nguyên liệu trên trộn lẫn với thịt lợn xay và ướp với gia vị, hạt tiêu rồi để khoảng 10 phút cho ngấm. Trứng gà đem luộc chín rồi cắt con chì. Hình dạng chiếc bánh cũng nửa công phu nửa đơn giản, chỉ giống như việc gập đôi tờ giấy, nhưng lại cầu kì trong việc xếp nếp vỏ bánh hình răng cưa sao cho bao kín nhân bánh. Và có lẽ cũng bởi hình dạng đặc trưng đó, mà bánh có tên là bánh gối.
Cũng giống như nhiều món ngon truyền thống khác của Hà Nội như phở cuốn, nem cuốn, nem tai… thứ bánh này cũng cần ăn kèm với nước chấm được pha cầu kỳ. Nước chấm phải có một chút mặn, ngọt, một chút chua điểm xuyết vài miếng đu đủ, cà rốt làm dưa ghém. Tất cả hương vị tổng hòa tạo nên hương vị bánh rất đặc trưng, đủ để níu giữ nỗi mong mỏi của thực khách mỗi độ đông về.
Nếu bạn đang sống tại Hà Nội, được may mắn hưởng thụ tiết hanh hao se sắt độc quyền của phía Bắc, đừng ngại ngần nếm thử hương vị chiếc “bánh mùa đông” ấy, để thêm yêu, thêm nhớ, thêm gắn bó với mảnh đất địa linh này.