ĂN NGON » Địa chỉ ăn ngon

Khám phá sự kết hợp Đông - Tây của ẩm thực Nhật Bản

Thứ tư, 06/08/2014 10:42

Ẩm thực Nhật Bản hiện nay là một sự pha trộn hài hòa giữa Đông và Tây, vừa quen thuộc nhưng lại vẫn rất thú vị đối với những người đam mê ẩm thực.

Vốn nổi tiếng như một quốc gia theo chủ trương “thoát Á” thân Tây, từ lâu, văn hóa Nhật Bản đã mang những ảnh hưởng sâu sắc từ các nước Âu Mĩ. Tuy nhiên, không hề bị đồng hóa, ẩm thực xứ Phù Tang đã có những biến hóa của riêng mình nhằm thổi vào các công thức du nhập từ phương Tây cái hồn Á Châu truyền thống.

Khái niệm Yoshoku

Ẩm thực Nhật Bản có thể chia ra làm hai nhánh rất rõ ràng: Một là washoku bao gồm các công thức truyền thống như sushi, mì ramen hay udon, và hai là yoshoku – bộ phận những món ăn được phát triển dựa trên các công thức phương Tây. Sự ra đời của phân nhánh yosoku được xác định là vào thời Minh Trị, khi chính sách bế quan tỏa cảng được dỡ bỏ, Nhật hoàng khuyến khích dân chúng tiếp xúc với văn hóa Tây phương. Ẩm thực Âu Mĩ với nguyên liệu chính là đạm thay vì bột là yếu tố được triều đình Minh Trị đặc biệt quan tâm và đề cao, và họ cho rằng chính thói quen ăn uống này đã tạo nên lớp người Âu Mĩ cao to về thể chất, ưu việt về trí óc.

Chính sự tấn công ồ ạt của các món ăn phương Tây vào nền ẩm thực lâu đời của Nhật Bản đã tạo ra yoshoku – sự giao thoa giữa cái tân thời hiện đại bên kia đại dương với nét truyền thống không bao giờ phai nhạt của món ăn Nhật: Ngày nay ở xứ Phù Tang, người ta bắt gặp đủ kiểu yoshoku, nào các loại bánh mì, pasta đến những kiểu bánh bông lan. Dù vậy, nét Nhật vẫn luôn ẩn chứa trong các công thức yosoku, mà dễ nhận thấy nhất là từ tên gọi: Dù là biến tấu, hay thậm chí đôi khi lấy hẳn công thức gốc của người Âu Mĩ, những món yosoku luôn được “Nhật hóa” tên gọi bằng tiếng bản địa. Ví dụ, “curry” sẽ được viết thành chữ tượng hình , đọc là kare.

Rất phổ biến trong các bữa ăn hàng ngày ở Nhật, món cơm sốt bò bằm hay cơm Hayashi hội tụ nhiều yếu tố mang tính đại diện cho một món yoshoku. Món này được phục vụ với cơm trắng và sốt rượu vang nấu cùng cà chua, thịt bò, hành tây và nấm. Đôi khi người ta có rưới chút kem tươi béo ngậy lên trên cùng khi đĩa cơm còn nóng.

Hayashi được biết đến như sáng chế của một kĩ sư người Pháp tại khu mỏ Ikuno thuộc tỉnh Hyogo. Vì được biến tấu từ tay một người Pháp, sẽ không khó bắt gặp trong cơm Hayashi đặc trưng rõ nét của ẩm thực Châu Âu qua phần nước sốt mang kết cấu demi-glace (sốt được làm từ xương bò hầm rồi cô đặc lại, sau mới kết hợp cùng rượu vang để trôn cùng món ăn). Tuy nhiên không vì thế mà cơm Hayashi mất đi những đặc trưng ẩm thực Nhật Bản: Thay vì dùng với bít tết, sốt được trộn cùng cơm để ăn như cà ri kiểu Á, va bản thân thịt bò dùng trong cơm Hayashi cũng lấy từ chính các loại bò đặc sản ở tỉnh Hyugo, trong đó có bò Kobe trứ danh.

Cơm Hayashi được bày trí theo phong cách kawaii

Trứng cuộn Omurice đáng yêu

Với công thức ngoài Tây trong Nhật, món cơm cuộn trứng Omurice cũng là một trong những món được nhắc đến đầu tiên khi kể về nhóm đồ Tây ở Nhật. Học tập tráng trứng omelette của phương Tây, người Nhật đã sáng tạo ra món cơm cuộn thơm ngon đầy dinh dưỡng: cơm Nhật với rau củ và thịt (thường là thịt gà kiểu teriyaki) được cuộn trong lớp trứng tráng với một ít sốt cà chua chua ngọt ngọt trên cùng.

Omurice tuy ra đời trên nền tảng món Tây nhưng cho đến nay, nó đã thực sự trở thành công thức gắn liền với ẩm thực Nhật Bản thông qua sự xuất hiện phổ biến của mình trong làn sóng văn hóa kawaii và đời sống manga. Giới trẻ Nhật, đặc biệt là các thiếu nữ trẻ, rất thích việc vẽ hình hoặc để lại các lời nhắn ngọt ngào dễ thương bằng sốt cà chua lên bề mặt trứng cuộn. Hình ảnh những đĩa Omurice được tạo hình hoặc viết chữ ngộ nghĩnh được thấy rất nhiều trong manga, anime (truyện tranh, hoạt hình của Nhật) cũng như đã trở thành một biểu hiện cho văn hóa kawaii đặc trưng ở Nhật.

Hambuger và phiên bản Nhật “Hambagu”

Món bánh kẹp đại diện cho nước Mĩ đã sớm du nhập và phổ biến tại Nhật đến mức bùng nổ vào những năm 60. Các công thức hambuger được in trên mọi tạp chí, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh như Burger King hay McDonalds làm “điên đảo” trẻ em và học sinh trung học. Kết hợp với cách chế biến thịt viên có từ thời Meji, phiên bản Nhật của Hambuger ra đời với cái tên Hambagu. Phần nhân thịt của Hambagu cũng tương tự như phiên bản gốc bao gồm thịt bò băm, trứng, hành tây và vụn bánh mì, nhưng chính việc thay thế sốt và tinh bột ăn kèm từ bánh mì sang cơm đã đem lại phong vị Nhật Bản đậm đà cho Hambagu.

Điểm khác biệt quan trọng giữa Hambagu với Hambuger là ở phiên bản Nhật, viên thịt được dùng chung với cơm, súp miso, salad và các loại đồ chua như củ cải trắng muối. Thay vì vỏn vẹn một chiếc bánh mì bọc trong giấy gói thực phẩm, Hambagu là cả một phần ăn thịnh soạn và chỉnh tề đúng chất truyền thống Nhật. Hambagu cũng không sử dụng các loại sốt đặc trưng cho của công nghiệp phương Tây như mù tạt vàng hay cà chua, mà thay vào đó là các loại sốt truyền thống như sốt tonkatsu (loại sốt nâu phổ biến nhất trong các công thức thịt rán Nhật nói chung và hambagu nói riêng) hoặc sốt cà ri…

Các món bọc bột rán

Ngoài món sushi vốn nổi tiếng với sự đa dạng về chủng loại lẫn hình thức, trong ẩm thực Nhật còn xuất hiện nhiều công thức tẩm bột rán giòn rụm mà không ngấy mỡ: Người ta dùng từ furai để chỉ rau củ và hải sản lăn bột rán và katsuretsu cho thịt rán. Đặc điểm chung của tất cả các công thức này là lớp bột được lăn qua vụn bánh mì đem lại thành phẩm giòn tan hấp dẫn – học tập từ cách chế biến thịt rán ở phương Tây.

Các loại furai nổi tiếng bao gồm furai bạch tuộc (Kaki furai) và furai tôm (Ebi furai), trong khi đó “ngôi sao” của katsuretsu là món bánh khoai tây Korokke. Với cái tên là sự đọc chệch đi của phiên bản gốc croquette ở nước Pháp, Korokke đã giữ nguyên công thức nền của croquette với phần nhân gồm khoai tây nghiền trộn thịt bò băm, lăn qua vụn bánh mì và bột rồi đem rán vàng. Tuy vậy, cách thưởng thức Korokke lại thể hiện sâu sắc những đặc trưng ăn uống của ngươi Nhật: Korokke có thể ăn riêng với salad như món Pháp, nhưng cũng được dùng làm thành một loại bánh (pan) kiểu Nhật, hoặc thả vào mì soba,...

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nước Nhật ngày nay thực sự là một tổ hợp văn hóa Đông-Tây, kim cổ vừa phong phú mà vừa “nhập nhằng và đa nghĩa” – giống như lời nhận xét của nhà văn lừng lẫy Oe Kenzaburo về chính đất nước, dân tộc mình. Tuy nhiên, bất chấp thực trạng pha trộn nhập nhằng đó, bản sắc xứ hoa anh đào vẫn có cách tồn tại của riêng mình thông qua những món yoshoku – một nền ẩm thực phương Tây đã được Nhật hóa một cách đầy thuyết phục.

Tri Thức Trẻ