Chính điều này đã tạo nên hương vị độc đáo cho món bánh đặc sản miền Đông Bắc này.
Nguyên liệu nào để làm nên bánh áp chao không quá cầu kì, nhưng tất thảy đều có vai trò quan trọng như nhau. Đầu tiên phải kể tới gạo, gạo làm áp chao gồm cả gạo nếp và gạo tẻ trong đó gạo nếp chiếm tỉ lệ 3/4. Gạo ngon phải là loại gạo được trồng trên chính mảnh đất Cao Bằng, thường gạo nếp là loại gạo của vùng quê Trùng Khánh, gạo tẻ phải là loại gạo Đoàn Kết để đảm bảo loại gạo chất lượng nhất. Gạo nếp, gạo tẻ được trộn cùng với nhau, đỗ tương được ngâm riêng nhưng cả gạo và đỗ đều cần ngâm trước từ 6-8 tiếng cho gạo nở mềm. Đỗ tương chọn đỗ tương Quảng Uyên hạt vừa phải, lòng vàng thì vỏ bánh mới đảm bảo độ mềm dẻo và thơm ngon.
Gạo ngâm xong đem xay, ép thành tinh bột mịn khô rồi hòa với nước đỗ tương để ra hỗn hợp bột sánh đặc cuối cùng tạo thành vỏ bánh. Khoai môn cũng là một nguyên liệu cần thiết cho bánh áp chao. Khoai bào sợi nhỏ, trộn với hỗn hợp bột làm bánh nhưng chỉ sau khi bột đã được nhào kĩ, trộn các gia vị cần thiết. Sau đó, bột được ủ thêm khoảng từ 3-4 tiếng trước khi đem rán để đảm bảo độ nở hoàn hảo nhất.
Bánh áp chao là thứ quà bánh nổi tiếng của Cao Bằng, nguồn gốc của cái tên được phiên âm theo tiếng Hán Việt có nghĩa là vịt chao. Đây cũng là bí quyết tạo nên sự đặc biệt cho món ăn. Phần nhân bên trong bánh làm bằng thịt vịt lọc bỏ xương tẩm ướp kĩ càng gần giống vịt quay rồi cắt miếng nhỏ, nhồi vào nhân bánh.
Bột và nhân thịt vịt được đặt khéo léo trong một chiếc muôi có hình dạng đặc biệt như bông hoa cúc rồi thả từ từ vào chảo dầu sôi, chao qua lại tới khi bánh chín vàng rộm hai mặt, tỏa hương thơm quyến rũ, vớt ra để ráo mỡ là có thể sẵn sàng thưởng thức.
Bánh áp chao chấm cùng nước chấm chua ngọt quen thuộc cũng giống với nhiều loại bánh mặn. Khi ăn bánh, vị giòn thơm của vỏ bánh quyện cùng vị đậm đà của thịt vịt, của mắm chua ngọt, phảng phất hương thơm theo làn hơi hôi hổi len tỏa trong không gian man mác hơi lạnh thơm ngon, hấp dẫn khó thứ gì sáng được. Món bánh chao dầu nóng hỏi nên thường được ưa chuộng vào mùa lạnh, vì vậy có thể gọi "mùa bánh áp chao" là mùa kéo dài từ cuối thu tới độ xuân.
Ai chưa tới Cao Bằng thì thôi, đã tới rồi là không thể bỏ qua món bánh áp chao giản dị mà nặng tình. Chẳng ai biết bánh có từ khi nào, chỉ biết đây là thức quà quê thơm ngon quen thuộc. Không một từ nào diễn tả hết sự ngon lành của bánh áp chao, cũng không từ ngữ nào lột tả trọn vẹn ý tứ khi ngồi trong quán xá thưởng thức thứ bánh ấy cùng bạn bè và người thân. Du khách ghé quán dẫu chỉ ăn chơi nhưng chỉ một lần là nhớ mãi, để rồi khi rời xa mảnh đất này, lại nhung nhớ khôn nguôi hương vị lạ lùng của bánh áp chao Cao Bằng.