Về miền sống nước, chắc chắn không thể bỏ qua món cá lóc nướng chui, ếch nướng đất sét hay chim sẻ nướng sả ớt. Đó là những kiểu nướng hết sức dân dã, là cách nướng khẩn hoang bởi lịch sử chế biến gắn liền với quá trình khai hoang mở cõi.
Vùng đất Nam Bộ sông nước mênh mang, kênh ngòi chằng chịt là nơi trú ngụ của hằng hà sa các loại tôm cá. Nhờ thiên nhiên ưu đãi nên vùng đất này có rất nhiều chủng loại động thực vật trên rừng, dưới biển, trong sông ngòi, kênh rạch, hầu hết loài nào cũng có thể đem ra nướng được . Ở nhiều nơi trên mảnh đất Nam Bộ vẫn còn giữ được vẻ đẹp của thời khai hoang mở cõi. Điều này được phản ánh đa dạng trong đời sống văn hóa cư dân miền Tây. Dấu ấn thiên nhiên được thẻ hiện rõ nét từ ăn, mặc, ở, đi lại và đặc biệt rõ nét trong văn hóa ẩm thực, các món nướng của người miền Tây càng thể hiện rõ nét đặc điểm này. Trong đó đặc sắc và nổi tiếng hơn cả phải kể đến đa dạng các kiểu nướng cá lóc miền Tây.
Đầu tiên là cá lóc nướng chui. Món cá nướng trui là món ăn phổ biến đến nỗi từ lâu đã đi vào ca dao tục ngữ “Bắt con cá lóc nướng trui/ Làm mâm rượu trắng đãi người bạn xa”. Cá lóc nướng trui có mùi thơm rất đặc trưng không giống với bất kì loại cá nào khác, mùi thơm tỏa ra từ lớp vảy, thớ thịt và cả mùi hơi khét của da nướng. Vùng Tràm Chim có rất nhiều hoa sen, người ta hái bẹ sen và lá sen non còn nguyên cuống, chưa bung nở ra để dùng thay bánh tráng cuốn cá lóc nướng. Cá lóc rửa sạch, xiên một thanh tre tươi từ miệng cá đên đuôi rồi cắm các thanh tre xuống đất và phủ rơm khô lên. Người nướng cá có nghề phải lượm sao cho rơm vừa đủ để đốt khi rơm vừa tàn, cá cũng vừa chín. Rơm còn thừa nhiều cá sẽ bị khét hoặc chín quá, mất ngọt; rơm thiếu cá lại không chắc, không dậy mùi thơm.
Thay vì nướng trui , người dân nơi đây còn có món cá lóc đắp bùn. Cá rửa sạch, để nguyên con, dùng bùn dẻo đắp kín sau đó chất lên rơm rạ đốt. Khi đất khô nứt ra là cá chín, mùi thơm ngọt phảng phất chút ít bùn, chấm cùng muối tiêu ngon tuyệt hảo. Nếu cá lóc nướng rơm có mùi thơm hương rạ lúa thì cá lóc nướng bùn lại giữ nguyên được vị ngọt của cá cùng mùi thơm đặc trưng.
Một món ăn độc đáo nữa phải kể tới là cá lóc nướng lá sen. Cá nướng phải chọn con cá còn tươi sống, rửa sạch, cho vào thau rồi rải đều lớp muối lên trên. Con cá lóc càng vùng vẫy mạnh càng dễ dàng rũ sạch chất nhờn. Xiên cá lóc từ miệng đến đuôi bằng tre vót nhọn rồi dùng lá săn bọc kín lại hai ba lớp. Lá sen phải là lá già, còn tươi, có màu xanh thẫm. Cứ thế, đặt con cá lên bếp than cháy đỏ mà nướng, vừa nướng vừa xoay trở mình cá. Lá sen nướng có mùi thơm thanh thoát, nồng đượm, khi lá cháy hết cũng là lúc cá chín đều. Cá chín nhờ sức nóng của lá sen còn tươi nên da cá không khét như nướng trui, trái lại còn làm da cá vàng ươm, sống lưng cá nứt ra. Dùng tay và đũa tách làm đôi, rút bỏ xương, rưới mỡ hành cùng đậu phộng, cuốn với bánh tráng mỏng cùng đậu phộng cùng các loại rau ghém và bún, chấm mắm nêm tạo ra hương vị rất độc đáo. Da cá vừa béo vừa giòn, thoảng hương sen; thịt cá rất ngọt hòa trong vị nước chấm đặc trưng quả thật không bút nào tả hết sức hấp dẫn.
Ăn cá lóc nướng miền Tây trong chiếc chòi lá, cạnh vài ba ông bác miền Tây áo ba ba khăn rằn, xung quanh là tiếng vịt kêu chiều giữa mênh mông ruộng rừng mới thấy vị nướng dân dã ấy thật đặc biệt. Con cá lóc béo ngậy nướng trui trong rơm tỏa mùi thơm ngát, còn vương chút hương lúa trong mùi khét. Vạch bỏ lớp da cháy, cuốn cùng rau sống hoặc những cây rau vặt quanh nhà, thêm lát khế chua, chuối chất; chấm với mắm nêm bỗng thấy như món ăn ấy là thứ sơn hào hải vị khiến ta không thể quên.