Nhịp sống gấp gáp, hối hả của thời đại công nghiệp có thể khiến bạn trở nên luôn bận rộn, dần thành khô khan. Nhiều những công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng rất dễ trở thành áp lực. Hãy cùng trò chuyện với NS Vân Dung để tìm hiểu xem chị giữ tiếng cười từ sân khấu đến gia đình thế nào.
Là một phụ nữ hiện đại, chị thấy việc giữ lửa trong gia đình bây giờ có khó khăn không?
Ngày xưa nấu bếp rơm bếp củi thì “giữ lửa” còn khó - bây giờ nấu bếp ga bật cái lên ngay, “giữ lửa” dễ hơn nhiều chứ (Cười tươi).
Trên sân khấu và khi nấu ăn chị sợ nhất điều gì?
Khi đứng trên sân khấu sợ nhất những cái nhăn mặt của khán giả. Khi nấu ăn, sợ nhất là những cái nhăn mặt của người nếm món ăn. Một bữa ăn mà do mình nấu thì chỉ cần mọi người không nhăn mặt vì chua quá, cay quá, mặn quá… là đã thành công với mình rồi.
Vậy mỗi khi vào bếp ông xã chị có bao giờ phải nhăn mặt vì món ăn chị nấu không?
Mình chưa nhìn thấy mặt ông xã nhăn bao giờ, mà chỉ thấy mếu thôi (cười).
Vậy là đã có lần chị vào bếp mà "thất bại nặng nề"?
Có chứ, nhưng không phải nấu cho chồng mà là lần nấu bột cho con. Cu Nhím vừa ăn bột vừa khóc vừa nhè. Mình cũng không hiểu tại sao, cho một thìa bột vào mồm mới thấy “trời ơi khủng khiếp quá”.
Tại vì lúc nào cũng sợ con thiếu chất nên cho thịt, cá, tôm, các loại rau nấu lẫn lộn, tưởng thế là ngon và đầy đủ chất ai ngờ khiếp đến thế. Nhưng chỉ một lần thôi nhé. Bây giờ nấu bột lên tay lắm rồi chỉ mong có thêm một em bé nữa để ngoáy bột nhiệt tình.
"Chân lý" về nấu nướng của chị?
Đơn giản là: Đừng có cái gì cũng“quá”. Nếu chẳng may có quá thì phải chữa cháy bằng việc.... cười trừ thôi.
Khi nấu ăn chị có nếm không? Có chứ, nhưng hạn chế vì mình nếm thì hay bị ngót lắm (Cười).
Công việc bận rộn như vậy thì chị sắp xếp nấu nướng vào lúc nào hay có tuyệt chiêu gì?
Dù bận thế nào cũng phải sắp xếp về nhà ăn cơm với gia đình một bữa, cuối tuần thì tự mình nấu ăn, ra nhà hàng dù sang trọng mấy thì cũng không bằng một bữa mời mọi người về nhà 'nhăn mặt' nếm món ăn của mình mà bình phẩm. Sợ nhưng mà cũng thấy 'sướng' vì có tác phẩm cho mọi người bình.
Và theo chị thì điều gì cần thiết để giữ cho một gian bếp gia đình luôn ấm cúng và tràn ngập tiếng cười?
Theo mình không biết nấu cứ lăn vào bếp, hôm nay không ngon ngày mai sẽ ngon. Nếu mọi người không ăn được món mình nấu, mọi người sẽ nấu thay mình còn mình đứng bên cạnh bếp 'hát hò' để cổ vũ phong trào nấu bếp cho vui (cười tươi).
Cảm ơn chị Vân Dung về những chia sẻ rất thú vị. Và thật đơn giản để vào bếp luôn luôn là một niềm vui. Còn các chị em thì sao? Hãy mạnh dạn vào bếp dù có nấu tệ thì cũng có ngày thành công, phải không!