Với tốc độ phát hành sản phẩm mới dồn dập như của thị trường smartphone thì tình trạng này càng khó tránh. Cả 3 smartphone dưới đây đều là thí dụ điển hình của một ý tưởng "sáng láng" bị biến thành một thành phẩm "nhạt nhẽo" như thế nào.
1. Amazon Fire Phone
Thừa thắng xông lên sau thành công của họ máy tính bảng Kindle Fire, Amazon đã mạnh miệng tuyên bố sẽ tung ra một smartphone do mình tự phát triển mang thương hiệu Kindle. Và đúng là hãng làm như vậy thật. Amazon Kindle Fire được phát hành qua mạng AT&T từ ngày 25/7 vừa qua với giá 199.99 USD kèm theo hợp đồng dịch vụ 2 năm. Về cấu hình, con dế này thuộc loại ổn và cũng sở hữu một số tính năng "độc", không đụng hàng với các đối thủ khác trên thị trường như hiệu ứng thị giá 3D ở một số ứng dụng và game, một năm sử dụng dịch vụ Amazon Prime miễn phí, hỗ trợ khách hàng Mayday. Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ để thuyết phục người mua rằng Fire Phone đáng mua, thay vì chi tiền cho Galaxy S5 hay LG G3, nhất là khi giá bán của chúng chỉ tương đương nhau.
Trên thực tế, Fire Phone ế ẩm tới mức Amazon phải thừa nhận hãng đang tồn kho số điện thoại trị giá tới 170 triệu USD. Không còn cách nào khác, Amazon phải đại hạ giá con dế của mình để giải phóng kho hàng cho sớm. Cuối tháng 10 vừa qua, giá bán cho bản quốc tế của Fire Phone cũng tụt về mức 199.99 USD, trong khi bản không khóa được khuyến mại chỉ còn 99 cent trong đợt Thứ sáu đen.
2. OnePlus One
Sự xuất hiện của OnePlus One trong danh sách này có thể khiến nhiều người hoang mang không hiểu tại sao. Không ai phủ nhận rằng đây là một con dế rất tốt. Sự kết hợp hài hòa giữa thiết kế, cấu hình và tính năng khiến cho OnePlus One trở thành đối thủ đáng gờm với bất cứ smartphone cao cấp nào khác trong năm 2014. Thậm chí nhiều trang công nghệ còn không ngần ngại đánh giá OnePlus One là một trong những smartphone xuất sắc nhất năm.
Vậy vì lý do gì mà con dế này lại gây thất vọng? Chính là OnePlus, công ty mẹ của con dế này. Với những lời quảng cáo rầm rộ như "smartphone hoàn hảo" hay "sát thủ flagship 2014", OnePlus đã đưa kỳ vọng của người dùng lên đỉnh cao chót vót trước ngày sản phẩm ra mắt. Cơn sốt truyền thông còn được đẩy lên tiếp nữa khi mức giá 299 USD của OnePlus One được tiết lộ. Nhưng rồi sự thật đắng ngắt bắt đầu lộ diện: Bạn sẽ không thể mua OnePlus One một cách đơn giản và thông thường như với những sản phẩm khác. Bạn buộc phải có một "thư mời" do hãng, hoặc do một khách hàng khác đang dùng con dế này gửi đến. Cơ chế này rõ ràng là cực khó.
Sau này, OnePlus One cũng bắt đầu được phân phối qua các kênh bán lẻ nhưng giá bán lại cao hơn mức 299 USD quảng cáo. Mãi đến tháng 9 vừa qua, OnePlus mới từ bỏ cơ chế "thư mời" và chấp nhận đặt mua sản phẩm qua website nhưng đã quá muộn.
3. Nokia X series
Bạn có nhớ những cái tên Nokia X, X+, XL và X2 - họ smartphone Android siêu rẻ của Nokia hay không? Sẽ chẳng ai trách được bạn nêu câu trả lời là "Không", bởi rõ ràng họ máy này chẳng gây được tác động nào đáng kể đến thị trường cả. Trên thực tế, Microsoft đã đóng băng dự án này từ hồi hè mà không úp mở chút nào về khả năng Nokia X sẽ tiếp tục được phát triển, mở rộng trong tương lai.
Công bằng mà nói, Nokia X series rẻ và được chế tác khá tốt, nhưng chạy chậm, phần mềm và ứng dụng hạn chế. Chúng cũng không thể truy cập quầy ứng dụng Google Play dù cài hệ điều hành Android, điều này có nghĩa là người dùng nếu muốn cài đặt một ứng dụng Android thì sẽ phải tải về từ một quầy ứng dụng của bên thứ ba. Cuối cùng, thị trường không hề thiếu những mẫu smartphone Android "ngon, bổ, rẻ" với giá chỉ nhỉnh hơn Nokia X không đáng kể nên Nokia X hoàn toàn không có cơ hội để được chú ý.