CÔNG NGHỆ » Sản phẩm hot

5 ứng dụng bàn phím đáng thử cho người dùng Android

Thứ ba, 29/10/2013 17:38

Google Keyboard, Swype, SwiftKey... mỗi ứng dụng mỗi vẻ sẽ mang cho bạn những trải nghiệm khác nhau đồng thời cải thiện tốc độ kí tự trên Android.

Chính sách của Google đối với các nhà phát triển Android khá cởi mở nên đã tạo điều kiện cho rất nhiều ứng dụng bàn phím thay thế được ra đời. Từ những bàn phím QWERTY truyền thống với các tính năng ngày càng được trau chuốt tỉ mỉ đến những bàn phím phá cách và độc đáo không ngờ, người dùng có thể thoải mái lựa chọn. Có lẽ đây chính là một trong những đặc điểm lớn nhất tạo ra sự quyến rũ của Android. Nếu bạn vẫn đang loay hoay và chưa biết chọn cho mình một ứng dụng bàn phím tối ưu nhất, danh sách dưới có thể sẽ là một gợi ý hay.

1. Google keyboard

Google Keyboard là bàn phím chính thức của Android, tuy nhiên, thường thì mỗi nhà sản xuất lại thiết kế một bàn phím riêng cho những chiếc điện thoại của mình nên có lẽ nếu bạn là một người dùng Android nhưng lại chưa bao giờ sử dụng Google Keyboard thì cũng là một điều bình thường. Nếu muốn trải nghiệm nó, người dùng hoàn toàn có thể tải về và cài đặt từ Google Play.

Google Keyboard có rất nhiều tính năng trong đó phải kể đến như nhập bằng cách vuốt, dự đoán từ (bao gồm dự đoán từ tiếp theo ở dạng đầy đủ dựa vào từ xuất hiện trước đó), nhận diện giọng nói có thể hoạt động ngoại tuyến ở một số phiên bản Android mới.

2. SwftKey

Mặc dù SwiftKey có giá tới 4,85 USD tuy nhiên đổi lại bạn sẽ nhận được một ứng dụng bàn phím khá tuyệt vời. Cụ thể, SwiftKey có khả năng tự động sửa và dự đoán từ với độ chính xác đáng ngạc nhiên. Ứng dụng này cũng hỗ trợ tích hợp tính năng nhập bằng cách vuốt thông qua SwiftKey Flow.

Có giá khá “chát” thế nhưng ngoài ngôn ngữ mặc định là Tiếng Anh thì SwiftKey còn hỗ trợ Tiếng Việt rất tốt cùng với đó là gần 60 ngôn ngữ khác khiến ứng dụng này trở thành một trong những bàn phím linh hoạt nhất hiện có trên thị trường.

3. Swype

Nhắc đến tính năng trượt các ngón tay để nhập kí tự, Swype có thể được coi là ứng dụng tiên phong và hiện nay vẫn được đánh giá là có độ chính xác nhỉnh hơn các đối thủ khác. Nếu bạn là người thích sử dụng tính năng vuốt để nhập, chắc chắc Swype phải là một lựa chọn được đặt lên hàng đầu.

Swype hiện nay có thể tải về và cài trực tiếp từ Google Play mà không phải trải qua các bước đăng kí rắc rối như khi ứng dụng này còn đang chạy ở giai đoạn beta. Người dùng có thể dùng thử Swype một tháng sau đó nếu thích có thể mua nó với giá 0,99 USD.

4. Minuum

Minuum là một bàn phím được phát triển theo hình thức góp vốn cộng đồng (crowdfunding) và hiện nay nó vẫn đang chạy thử nghiệm và chỉ hỗ trợ tiếng Anh. Sở dĩ Minuum xuất hiện trong danh sách này là bởi ý tưởng phát triển ra ứng dụng này khá thú vị. Theo đó, đây là một ví dụ điển hình của sự sáng tạo và thử nghiệm không ngừng.

Minuum sử dụng một bàn phím khá lạ mắt và nhỏ, do đó, nó có thể tiết kiệm được khá nhiều diện tích màn hình. Cụ thể, thay vì hiển thị bàn phím đầy đủ, Minuum chỉ hiển thị một dòng chữ cái. Mỗi chữ rất nhỏ và dường như khó ấn chính xác, tuy nhiên, điều này không thành vấn đề bởi thuật toán sửa lỗi thông minh của Minuum sẽ diễn giải hoàn hảo những gì bạn định gõ hơn là nhận diện chính xác những gì bạn gõ.

Mặc dù mới đang ở giai đoạn beta nhưng Minuum đã được bán với giá lên đến 3,82 USD. Dẫu vậy thì đây vẫn là một ý tưởng khá mới lạ và tiên phong, Minuum cũng là một minh chứng cho sự linh hoạt và độ mở của hệ điều hành Android.

5. MessagEase

MessagEase cũng là một ứng dụng bàn phím khá mới mẻ và đặc biệt nó được cung cấp hoàn toàn miễn phí. Như bạn có thể thấy, ứng dụng này sẽ liệt kê 9 chữ cái thường xuyên được dùng nhất khi gõ một từ trong 9 ô trống lớn của bảng chọn, do đó, khi gõ các từ thông dụng được tạo nên từ 9 ký tự này, bạn chỉ việc nhấn như bình thường. Để gõ một từ lạ và yêu cầu nhiều kí tự hơn, hãy nhấn chọn, ấn giữ và vuốt sang các hướng thích hợp.

Có thể khi bắt đầu sử dụng MessagEase bạn sẽ thấy nó khá rắc rối và khó sử dụng, tuy nhiên, sau khi quen có thể tốc độ gõ sẽ được cải thiện đáng kể, nhất là khi nhập kí tự một tay bởi độ lớn các ô bàn phím của MessagEase lớn hơn rất nhiều so với bàn phím QWERTY truyền thống.

Bàn phím có thể nói là một trong những ứng dụng được sử dụng thường xuyên và có tầm quan trọng nhất đối với người dùng smartphone. Nhờ tính mở của nền tảng, người dùng Android có thể thỏa sức lựa chọn bàn phím phù hợp với thói quen sử dụng của riêng mình. Hy vọng với những gợi ý trên đây, bạn có thể chọn cho mình một ứng dụng bàn phím mang lại hiệu suất gõ tốt nhất, góp phần nâng cao trải nghiệm khi sử dụng thiết bị. Chúc các bạn thành công!

Theo Tri Thức Trẻ
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới