Chủ nhân của chiếc máy bay trực thăng là anh Nguyễn Văn Thắng (44 tuổi) ở tổ 7, phố Gia Quất, quận Long Biên, TP Hà Nội.
“Chế máy bay chỉ để thỏa mãn đam mê”
Mỗi buổi sáng mùa đông, anh Thắng lại dậy từ 6h sáng tất bật với công việc “độ” xe của mình. Căn nhà anh Thắng ở bên một con ngõ nhỏ, khoảng sân trước rộng chừng 20m chính là xưởng cơ khí anh Thắng làm việc hằng ngày.
Thấy chúng tôi nói đến tìm hiểu về chiếc máy bay, anh Thắng chỉ ngay vào khung xe đang làm dở dang nói: “Tôi đang độ dở dang con xe “Ca am” (tên gọi của xe do anh Thắng đặt”, trông nó đơn giản thế này thôi, nhưng vài hôm nữa sau khi tôi hoàn thiện chiếc xe ra đường chạy ầm ầm, pô gằn nghe hay lắm”.
Anh Thắng kể, năm 2013, trong một lần đọc báo thấy một người ở trong Sài Gòn chế được máy bay anh cũng tự nghĩ trong đầu “Họ làm được mình cũng có thể làm được. Tại sao mình không thử làm một chiếc”. Thế là ý tưởng hình thành, ngay sau đó anh Thắng đã phác họa chiếc máy bay trực thăng ra giấy và liệt kê những vật dụng cần mua.
Anh Thắng đã đi tìm mua loại thép có độ đàn hồi cao, chịu lực tốt về làm khung cho chiếc máy bay. Cánh quạt quay của máy bay, anh tìm mua loại thép dẻo làm “xương sống cho cánh rồi bọc lớp inox vào hàn lại. Đặc biệt, anh tìm mua động cơ 38KW từ ô tô cũ (vòng tua 4.500 - 5.000 vòng/phút) “độ” xuống còn 700 vòng trên phút.
“Để độ được động cơ trên, tôi đã thay thế hộp số cũ bằng hộp số mới do mình tự hàn, tiện. Tiếp đó tôi "độ" bộ phận truyền động từ hướng dọc thành hướng ngang, mua thêm những vòng bi, bánh răng xe máy ngoài chợ về làm bộ phận truyền lực từ rotor cánh quạt chính dẫn đến cánh quạt đuôi nhằm triệt tiêu mô men xoắn do quạt chính gây ra”, anh Thắng nói.
Theo anh Thắng, điểm khác biệt lớn nhất ở chiếc trực thăng chính là bộ phận “đĩa chao”. Đây bộ phận giúp máy bay giữ cân bằng khi bay trên không.
“Bộ phận này tôi đã phải thử nghiệm hơn 10 lần mới thành công. Những lần đầu khi đưa vào máy thí nghiệm, máy chạy không mượt, khi bay mất thăng bằng. Nhưng sau nhiều lần tôi chỉnh Rotuyn (bộ phận giữ cân bằng) máy đã chạy mượt, dễ dàng làm chủ máy bay”, anh Thắng kể.
Mất 3 tháng miệt mài, cộng với số tiền 200 triệu đồng chi phí cho việc mua nguyên liệu anh Thắng đã hoàn thiện chiếc máy bay trực thăng cỡ nhỏ. Để điều khiển máy bay, anh Thắng nói rằng, khi máy đạt tới vận tốc 700 vòng trên một phút thì tay trái giữ ga, tay phải kéo cần điều khiển cất cánh để máy bay bay lên. Khi máy bay bay lên khỏi mặt đất tiếp tục kéo ga tăng tốc mạnh hơn để tăng lực nâng cho máy bay. Còn khi máy bay hạ cánh cũng phải giữ nguyên ga ở tốc độ 700 vòng trên phút sau đó máy bay tiếp đất an toàn mới hạ hết ga.
“Kể từ khi hình thành ý tưởng đến khi hoàn thiện chiếc máy bay tôi vẫn luôn nghĩ mình làm ra chiếc máy bay chỉ để thỏa mãn niềm đam mê. Khi thử nghiệm, máy bay cất cánh lên không gian được 50 cm so với mặt đất, tôi đã vui mừng thốt lên thành công rồi”, anh Thắng tâm sự.
“Học hết lớp 9 chế được máy bay”
Học hết lớp 9, anh Thắng nghỉ học ở nhà xin đi làm thợ rèn. Qua một thời gian có kinh nghiệm anh Thắng ra mở cửa hiệu sửa xe riêng và chọn nghề sửa xe làm nghề chính. Kể từ đó đến nay anh Thắng đã có 20 năm kinh nghiệm trong nghề sửa chữa.
Thú chơi “độ xe” của anh Thắng cũng đến khá tình cờ, cách đây hơn 10 năm có một người thương binh đến nhờ anh độ chiếc xe máy thành chiếc xe 3 bánh. Sau khi hoàn thiện sản phẩm cho khách, anh Thắng thấy thích thú và bắt đầu đam mê thú chơi “độ xe”.
Anh Thắng cho hay, khi nói ý tưởng “chế” chiếc máy bay trực thăng với vợ anh cứ nghĩ vợ anh sẽ phản đối nhưng không ngờ vợ anh lại ủng hộ rất nhiệt tình. Quá trình anh chế tạo chiếc máy bay, vợ anh cũng động viên, giúp sức nhiều việc vặt.
“Tuy nhiên, cũng có một số người dân thấy tôi không học qua đại học, họ chê tôi “khùng” khi đi chế tạo máy bay. Nhưng tôi chẳng quan tâm điều đó, lúc đó tôi chỉ nghĩ làm để thử sức mình đến đâu”, anh Thắng nhớ lại.
Máy bay của Thắng dù chỉ chở được 1 phi công, nhưng theo anh Thắng thì đó là một thành công lớn. Bởi làm được một chiếc máy bay đã khó, nay để nó cất cánh được lại càng khó hơn.
“Hiện tại tôi cũng chưa có kế hoạch gì cụ thể. Nhưng trong tương lai tôi mong muốn, chiếc máy bay của tôi sẽ được cải tiến thành công, ứng dụng vào đời sống. Máy bay của tôi sẽ chao liệng trên bầu trời, đến những vùng lũ lụt cứu trợ, hay tham gia chữa cháy ở những tòa nhà cao tầng”, anh Thắng cười tươi khi nói về chiếc máy bay.
Sáng ngày 12/13, chúng tôi có mặt khu xưởng anh Thắng , khi thấy anh Thắng mang chiếc máy bay ra đường để ghi hình, nhiều người dân đã hiếu kỳ đừng lại xem.
Nhanh thoăn thoắt, chỉ sau 10 phút lắp ráp cánh quạt, anh Thắng đã cho máy bay khởi động. Chiếc cánh quạt đang đứng lặng bỗng dần chuyển động. Tiếp đó, vòng quay của cánh cũng quạt nhanh và mạnh hơn. Sức gió thổi mạnh khiến cát bụi bay mờ mịt, cây ở xung quanh cũng ngả nghiêng theo chiều gió. Chiếc máy bay dường như muốn cất cánh lao vút lên không gian, nhưng rồi anh Thắng lại hạ ga dần tắt máy vì sợ ảnh hưởng tới người dân.
Đứng xem chiếc máy bay với vẻ mặt trầm trồ, anh Nguyễn Văn Trung ở tổ 4, Phố Gia Quất, quận Long Biên nói: “Không ngờ một anh thợ cơ khí mới học hết lớp 9 mà lại có sáng chế hay đến vậy. Nhìn thấy chiếc máy bay ai cũng thấy thích thú”.