CÔNG NGHỆ » Xài gì

Ánh sáng xanh trên điện thoại không những gây hại cho mắt mà còn “tàn phá” làn da của bạn vì những lý do này

Thứ sáu, 11/02/2022 12:10

Như chúng ta đã biết, ánh sáng xanh có thể gây tổn thương mắt và khiến bạn khó ngủ hơn. Nhưng đối với làn da thì sao?

Khi thời gian sử dụng điện thoại, máy tính không ngừng tăng lên, ngoài các vấn đề về mắt, nhiều chuyên gia còn lo ngại về tác động của ánh sáng xanh đối với da và liệu chúng có gây tổn hại đến vùng da mặt, khu vực tiếp xúc gần nhất với ánh sáng xanh khi chúng ta xem các thiết bị này hay không?

Ánh sáng xanh là gì?

Tiến sĩ Michele Farber của Tập đoàn Da liễu Schweiger tại NYC cho biết ánh sáng xanh là ánh sáng có năng lượng cao (HEV) nhất trong quang phổ khả kiến. Nó nằm trong khoảng từ 380 đến 500nm.

Năng lượng cao của ánh sáng xanh cho phép ánh sáng xanh có khả năng thâm nhập sâu hơn vào lớp hạ bì (lớp phía dưới của da sau biểu bì và trung bì) so với các loại ánh sáng có năng lượng thấp hơn, theo Tiến sĩ Farber. Ánh sáng xanh phát ra từ màn hình máy tính, điện thoại còn được gọi là ánh sáng HEV.

Ánh sáng xanh có hại cho da không?

Hiện nay, nghiên cứu về ánh sáng xanh và khả năng tổn thương da khi tiếp xúc với loại ánh sáng này là một lĩnh vực nghiên cứu tương đối mới.

Các nghiên cứu mới đây cho thấy ánh sáng xanh có thể tạo ra các loại oxy phản ứng. Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, loại oxy phản ứng là một phân tử không ổn định có chứa oxy và phản ứng với các phân tử khác.

Tiến sĩ Farber giải thích rằng những phân tử không ổn định này làm hỏng các tế bào da, dẫn đến lão hóa nhanh hơn do sự phân hủy collagen và elastin (hai loại protein có vai trò vô cùng quan trọng đối với làn da).

Cũng có những nghiên cứu cho thấy rằng ánh sáng xanh có thể gây ra những thay đổi sắc tố kéo dài, Tiến sĩ Farber nói thêm.

Một bác sĩ da liễu khác - Tiến sĩ Marie Hayag làm việc tại một viện thẩm mỹ và y tế tại New York đã chia sẻ với trang công nghệ CNET những tác hại của ánh sáng xanh với làn da:

- Gây ra hiện tượng stress oxy hóa (tình trạng các gốc tự do và chất chống oxy hóa trong cơ thể bị mất cân bằng), viêm da và làm “đốt cháy” collagen trên da.

- Làm gián đoạn hoạt động của các tế bào hắc tố của da, dẫn đến sắc tố da không đồng đều hoặc quá mức.

- Dù không trực tiếp nhưng ánh sáng xanh cũng góp phần gây ra hiện tượng lão hóa da (điều tương tự cũng xảy ra khi bạn ở ngoài trời nắng).

- Làm suy yếu lớp da ngoài cùng (lớp biểu bì) của bạn và làm chậm quá trình phục hồi da do các tác nhân gây căng thẳng hàng ngày cho da.

Tiến sĩ Farber và Tiến sĩ Hayag đều nói rằng việc tạo ra các loại phản ứng oxy trên da đặc biệt đáng lo ngại, bởi vì chúng là nguyên nhân chính gây ra lão hóa da. Quá trình oxy hóa này làm hỏng DNA và gây ra sự phân hủy collagen và elastin, dẫn đến da không thể căng mọng, nhiều nếp nhăn và lão hoá nhanh.

Một yếu tố khác cần xem xét là ánh sáng xanh có thể cản trở nhịp sinh học của chúng ta và gây rối loạn giấc ngủ. Việc thiếu ngủ có thể gây ra những thay đổi xấu trên da, như xỉn màu, sưng tấy, mẩn đỏ và vùng da dưới mắt bị những quầng thâm đáng sợ.

Điều bất ngờ là liệu pháp ánh sáng xanh ở mức độ thấp đã được sử dụng để điều trị mụn trứng cá và đẩy nhanh quá trình chữa lành vết thương. Tuy nhiên, thứ gì nhiều quá cũng không tốt, trong đó có loại ánh sáng xanh này.

Cách bảo vệ làn da của bạn khỏi ánh sáng xanh

Muốn bảo vệ làn da của bạn khỏi ánh sáng xanh, điều đầu tiên vô cùng rõ ràng là chúng ta cần giảm thời gian tiếp xúc với màn hình điện thoại, máy tính hơn. Tuy nhiên, với những người có công việc gắn bó máy tính, giải pháp này sẽ rất khó thực hiện.

Ngoài biện pháp trên, một số mẹo khác bao gồm:

- Đeo các loại kính chống ánh sáng xanh ít nhất để bảo vệ đôi mắt của bạn và vùng da nhạy cảm xung quanh mắt của bạn.

- Luôn bật chế độ ban đêm trên tất cả các thiết bị của bạn để giảm lượng ánh sáng xanh, chuyển sang ánh sáng vàng hoặc cam dịu hơn. Bạn cũng có thể mua một tấm bảo vệ màn hình chống ánh sáng xanh cho máy tính của mình.

- Bôi kem chống nắng hàng ngày. Kem chống nắng là chất bảo vệ tốt nhất giúp chống lại quá trình lão hóa da và tổn thương da, bởi vì mặt trời là nguồn ánh sáng và bức xạ quan trọng nhất.

Mặc dù chưa có bằng chứng nào cho thấy các thành phần chống nắng hóa học trong kem chống nắng có thể ngăn chặn ánh sáng HEV, nhưng các chất titanium dioxide và oxit kẽm có trong kem chống nắng thì có thể. Kem chống nắng có màu có thể cung cấp thêm một yếu tố bảo vệ vì chúng thường chứa oxit sắt làm tăng quang phổ của ánh sáng bị chặn.

Chăm sóc da để chống ánh sáng xanh

Một số sản phẩm chăm sóc da mới tuyên bố bảo vệ da khỏi tác hại của ánh sáng xanh, chẳng hạn như Foster's Lab, một startup chăm sóc da đã tạo ra “Anti-Tech Serum” với lời khẳng định rằng sản phẩm này có thể ngăn ngừa tổn thương da do ánh sáng xanh gây ra.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo các sản phẩm chăm sóc da khác cũng có công dụng chống ánh sáng xanh bao gồm các loại huyết thanh chống lão hóa của Chantecaille hay Flavo-C Ultraglican, serum chống ánh sáng xanh Melatonik của Isdin,…

Theo tiến sĩ Hayag, bất kỳ sản phẩm nào có chất chống oxy hóa đều có thể giúp bảo vệ làn da của bạn khỏi tác hại của ánh sáng xanh.

“Tốt nhất, bạn nên sử dụng các sản phẩm chống oxy hóa hai lần một ngày thay vì chỉ vào buổi sáng. Vì nguồn cung cấp chất chống oxy hóa đã bị cạn kiệt vào ban ngày do thời gian chúng ta sử dụng điện thoại, máy tính của mình lâu hơn, chúng ta cần bổ sung chúng vào ban đêm”, cô Hayag nói.

Theo Tiến sĩ Hayag nói, các sản phẩm có oxit sắt cũng có thể hữu ích vì chúng ngăn chặn cả tia UVA và tia HEV xanh.

Đương nhiên, một sản phẩm nữa không thể thiếu chính là kem chống nắng. Thoa chúng hàng ngày có thể giúp bạn ngăn chặn tia cực tím gây tổn thương da và cũng có thể góp phần giảm tác động của ánh sáng xanh HEV đối với da.

Cuối cùng, các sản phẩm chăm sóc da nhất định có thể giúp bạn bảo vệ làn da của mình khỏi tác hại của ánh sáng xanh nhưng điều quan trọng là chúng ta cần cố gắng giảm thiểu thời gian sử dụng các thiết bị di động đi một chút. Lướt điện thoại ít hơn không những tốt cho mắt, tinh thần, vóc dáng mà còn là cả với làn da của bạn.

Thanh Ngọc (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới