Khả năng để một chiếc điện thoại thu hút tia sét là gần như chắc chắn không thể xảy ra khi người dùng ở trong nhà hoặc bên trong các phương tiện di chuyển khép kín (vì thiết kế của chúng vốn đã có khả năng chống sét). Nhưng cũng có thể xảy ra điều này, dù tỷ lệ rất nhỏ, khi nó hoạt động ở môi trường xung quanh trống trải, ví dụ như ngoài đường trống, giữa cánh đồng...
Trong tình huống giả định nêu trên (điện thoại được dùng ở môi trường trống trải), thì câu hỏi đặt ra là khi chuyển điện thoại sang chế độ máy bay, tất cả các kết nối không dây như mạng di động, wifi, bluetooth đều được ngắt, thì điện thoại sẽ hoàn toàn không thể bị sét đánh hay không? Cũng có giả định khác là, sau khi chuyển sang chế độ máy bay, rồi bật thêm chế độ wifi cùng lúc, thì thiết bị sẽ an toàn hơn...
Tuy nhiên, xét về khía cạnh khoa học, việc bật wifi trong khi bật chế độ máy bay không làm tăng hay giảm khả năng bị sét đánh của điện thoại. Bởi vì một vật thể bị sét đánh vẫn tuân theo quy luật là những vật thể có khả năng dẫn điện cao, và ở vị trí cao hoặc nổi bật hơn so với những vật thể xung quanh đó.
Dù vậy, để an toàn hơn trong mùa mưa bão, khi đi ngoài đường hay không gian trống trải mà có hiện tượng sấm sét gần đó, người dùng nên hạn chế sử dụng điện thoại, sạc pin dự phòng v.v... Điều này mới là chính yếu, chứ không phải do điện thoại có bật chế độ máy bay hay không.
Khi trời có sét, các thiết bị điện, điện tử trong nhà nên được lưu ý để tránh hỏng hóc - đề phòng trường hợp sét đánh vào đường dây điện dẫn điện vào nhà bạn, khiến điện áp tăng vọt đột ngột lên rất cao.
Tốt nhất là thực hiện việc không tiến hành sạc một thiết bị nào đó vào những thời điểm này, và ngắt điện (rút phích cắm, ngắt cầu dao, hoặc tắt công tắc...) thiết bị không dùng đến.