Sự cố đứt cáp quang biển từ đêm 15/6 kéo dài trong những ngày qua đã khiến đường truyền internet Việt Nam ra quốc tế bị chập chờn, ảnh hưởng lớn nhất là cách dịch vụ nước ngoài như Gmail, YouTube, Facebook,...
Nếu như Facebook chỉ đóng vai trò như một trang mạng xã hội phụ vụ cho nhu cầu giải trí, thì Gmail lại là một dịch vụ cực kỳ quan trọng phục vụ công việc của nhiều người. Tuy nhiên, rất nhiều người dùng cho biết, việc "load" vào Gmail rất khó khăn, thậm chí trình duyệt cứ quay vòng đều rất lâu mà nội dung chưa hiển thị.
Để xử lý tình huống này, bạn có thể chuyển sang chế độ HTML cơ bản. Theo đó, bạn hãy chọn Load basic HTML ở phía dưới góc phải giao diện khi Gmail đang bị đứng ở nước "Loading". Thao tác này giúp truy cập Gmail ở giao diện cũ, không đẹp, thiếu tính năng nhưng bù lại tốc độ nhanh hơn.
Ngoài ra, nếu gặp khó khăn khi truy cập Gmail từ máy tính, bạn hãy dùng ứng dụng Gmail trên di động. Với những sự tối giản cần thiết, Gmail trên di động sẽ tải thư về cho bạn đọc nhanh chóng hơn.
Trước đó, vào 23 giờ 41 phút ngày 15/9 đã xảy ra sự cố khiến tuyến cáp quang biển quốc tế AAG bị lỗi trên đoạn cáp S1, cách trạm cập bờ Hong Kong 64km. Sự cố khiến lưu lượng của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam đang khai thác trên tuyến này đều bị ảnh hưởng.
Trong thời gian tuyến cáp chưa được sửa chữa xong, việc liên lạc, trao đổi thông tin đi nước ngoài của khách hàng theo hướng Việt Nam ra quốc tế, như dịch vụ web, e-mail, thoại, video… có thể bị ảnh hưởng, do lưu lượng chuyển sang các hướng dự phòng và có khả năng gây nghẽn. Tuy nhiên, các giao dịch, trao đổi thông tin trong nước không bị ảnh hưởng.
Trước khi đường truyền internet trở lại hoạt động bình thường, người dùng nên sử dụng internet quốc tế cho các dịch vụ quan trọng của mình, các dịch vụ khác nên chuyển sang các hướng trong nước để tối ưu hoá dung lượng truyền tải.
Theo thông tin từ đơn vị điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế AAG thì sự cố dự kiến được khắc phục xong vào ngày 4/10. Như vậy người dùng internet Việt Nam phải chấp nhận truy cập mạng chập chờn trong ít nhất hơn 2 tuần nữa.