CÔNG NGHỆ » Xài gì

Nghiện mạng xã hội quá mức, chúng ta có thể “cai” bằng cách nào?

Thứ sáu, 18/03/2022 22:30

Mạng xã hội đang dần chiếm phần lớn thời gian trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, đến mức chúng ta coi đó là điều hiển nhiên.

Bạn đang đi xe bus từ điểm A đến B, bạn sẽ làm gì trong khoảng thời gian đó? Hầu hết các câu trả lời sẽ là lướt Twitter, Facebook, Instagram. Dường như bất cứ lúc nào có thời gian rảnh rỗi, chúng ta thường sử dụng các ứng dụng mạng xã hội như một hoạt động giải trí, riết thời gian.

Điều này không có nghĩa là mạng xã hội là hoàn toàn xấu. Mạng xã hội là nơi chúng ta kết nối với bạn bè, người thân cũng như nắm bắt thông tin…

Vấn đề không nằm ở bản thân các ứng dụng, mà là lượng thời gian chúng ta dành cho chúng. “Bơi” ra thế giới thực để khám phá, gặp gỡ bạn bè và làm việc gì đó sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều so với việc nhìn chằm chằm vào thiết bị di động cả ngày.

Nhưng, việc hạn chế sử dụng mạng xã hội cũng giống như kêu người nghiện cai thuốc, đó không phải chuyện dễ dàng một sớm một chiều là có thể làm được.

Dưới đây là một số mẹo bạn có thể thực hiện để giảm dần thời gian dùng mạng xã hội trong ngày của mình.

1. Hãy kỷ luật với chính bản thân, quy định thời gian dành cho mạng xã hội

Xác định điểm xuất phát là bước đầu tiên để thực hiện bất kỳ sự thay đổi nào.

Hãy theo dõi số liệu thống kê trên điện thoại của bạn về thời gian mà bạn dành cho mạng xã hội.

Ví dụ: nếu một ngày bạn đã dành hai giờ cho các hoạt động trên điện thoại của mình, thì phần lớn thời gian đó được dành để xem Instagram trong giờ nghỉ trưa hay lướt Facebook? Thay vào đó, bạn có thể làm gì với hai tiếng đồng hồ này, điều có thể khiến bạn hạnh phúc hơn hoặc hài lòng hơn?

Xác định ứng dụng nào bạn sử dụng nhiều nhất, khi nào và tại sao bạn sử dụng chúng, cũng như cách bạn có thể phá bỏ thói quen này.

Nếu bạn là người định hướng mục tiêu, bạn có thể đặt mục tiêu thời gian trên màn hình hoặc mạng xã hội tùy thuộc vào lượng thời gian mà bạn biết mình đang dành hiện tại.

Ví dụ: cắt giảm hai tiếng xuống còn tiếng rưỡi vào tuần tới sẽ là bước khởi đầu dễ quản lý hơn so với mục tiêu dành thời gian sử dụng thiết bị 30 phút. Việc thực hiện từng chút một là chìa khóa để xây dựng thói quen tốt và nhận biết được vị trí của bạn là điều cần thiết để thực hiện chúng.

2. Tắt tiếng hoặc bỏ theo dõi

Ngoại trừ những tài khoản cung cấp cho bạn nguồn cảm hứng, động lực và sự thích thú mỗi khi bạn xem nguồn cấp dữ liệu hoặc câu chuyện của họ, hãy cài đặt nút “tắt tiếng” trên Instagram hay bỏ theo dõi người, trang trên Facebook.

Đây là một ý tưởng tuyệt vời bởi nó không chỉ giúp bạn tự tin hơn, mà với ít hồ sơ và nguồn cấp dữ liệu hơn để lướt qua, bạn sẽ tự động dành ít thời gian hơn trên mạng xã hội.

3. Không vào mạng xã hội đầu tiên vào buổi sáng

Nhiều người trong chúng ta thường có thói quen thức dậy và lướt Facebook ngay lập tức như thể đó là tờ báo buổi sáng, trong khi những người khác nán lại trên giường lâu hơn mức cần thiết để xem TikTok.

Việc xem mạng xã hội đầu tiên vào buổi sáng sẽ chỉ khiến cuộc sống của bạn mở đầu bằng việc tập trung vào xem người khác làm gì thay vì chính bản thân bạn. Thêm nữa, điều này hoàn toàn lãng phí thời gian.

Do đó, tốt hơn hết, bạn nên lựa chọn một thời điểm cụ thể khác chẳng hạn như 8h sáng hoặc 1 tiếng sau khi bạn thức dậy chẳng hạn. Hãy ra khỏi giường, vệ sinh cá nhân và ăn sáng trước khi nhìn vào điện thoại.

4. Tắt thông báo

Bạn có thực sự cần được thông báo mỗi khi một tài khoản nào đó thích ảnh của bạn hoặc một idol mới nổi cập nhật tài khoản Instagram của họ không? Câu trả lời chỉ đơn giản là không.

Thông báo và cảnh báo được thiết kế để thu hút sự chú ý của bạn khỏi những điều gì bạn đang làm và khuyến khích bạn cầm điện thoại lên.

Hãy cho điện thoại của bạn nghỉ ngơi và tắt thông báo trên mạng xã hội để bạn có thể lựa chọn khi nào bạn muốn kiểm tra mạng xã hội, thay vì để mạng xã hội điều khiển bạn.

5. Không để điện thoại trên bàn ăn

Sau một ngày làm việc, cả nhà ngồi quây quần cùng nhau ăn bữa cơm. Nếu mỗi người cắm mặt vào một chiếc điện thoại thì sẽ không còn gì là không khí thân mật của gia đình nữa.

Tránh xa mạng xã hội trong những bữa ăn và thay vào đó là những cuộc trò chuyện trực tiếp để chúng ta có thể hiểu nhau hơn và gắn kết tình cảm hơn.

Thanh Ngọc (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới