CÔNG NGHỆ » Xài gì

Vỗ tay tắt đèn tưởng chỉ thấy trong phim, tại sao lại làm được như vậy? Lời giải thích đơn giản đến ngỡ ngàng

Thứ ba, 10/10/2023 09:28

Trong các bộ phim về giới tài phiệt, nhà giàu, bạn thường thấy họ có hành động vỗ tay tắt được hết đèn trong nhà. Hóa ra, đây là một thiết bị đã có ngoài đời thực từ rất lâu.

Vỗ tay tắt đèn là một sản phẩm công nghệ có từ những năm 1980. Đây cũng là khởi nguồn cho ý tưởng về nhà thông minh được cho là có từ đầu thế kỷ 20. Khi các nhà tương lai học bắt đầu hình dung ra ngôi nhà có thiết bị tinh vi, được trang bị nhiều tính năng tự động, phục vụ theo ý muốn của chủ nhân.

Một ngôi nhà thông minh không chỉ đơn giản là sở hữu các hệ thống tự động hóa mà còn bao gồm các thiết bị gia dụng có các tính năng vượt trội, phục vụ nhu cầu của con người theo cách thuận tiện nhất.

Vỗ tay tắt được đèn là phát minh có từ đầu thế kỷ 20.

Đặc điểm của một trong những hệ thống nhà thông minh là cho phép người dùng điều khiển ánh sáng hoặc các hệ thống trong nhà chỉ bằng tiếng vỗ tay.

Ý tưởng bật và tắt đèn trong nhà bằng cách vỗ tay đã ăn sâu vào văn hóa đại chúng. Những phân cảnh vỗ tay tắt đèn hay bật nhạc trong các bộ phim nổi tiếng đã trở thành hình ảnh quen thuộc với nhiều người.

Sự kỳ diệu của một hệ thống như vậy vào những năm cuối thế kỷ 20 mang đến lầm tưởng rằng chúng chỉ là trò lừa phỉnh trên màn ảnh. Nhưng thực tế The Clapper là thiết bị có thật và cơ chế của nó đơn giản hơn nhiều so với tưởng tượng.

Clapper nhận lệnh dựa trên số lượng tiếng vỗ tay phát ra. Ví dụ, bật đèn khi vỗ tay hai lần, bật tivi khi vỗ ba lần v.v... Thiết bị này hoạt động với đèn trong nhà, tivi, radio, dàn âm thanh nổi và về cơ bản là bất kỳ thiết bị nào có thể kết nối với ổ cắm.

Được bán ở Mỹ vào năm 1985 với mức giá 20 USD, thiết bị có micro để thu tiếng vỗ tay ra lệnh từ người dùng. Âm thanh được chuyển thành tín hiệu điện, sau đó gửi đến bộ lọc.

Bộ lọc hoạt động ở dải tần từ 2.200 Hz đến 2.800 Hz, đây là dải tần thường thấy của tiếng vỗ tay. Mỗi khi bộ lọc phát hiện tiếng vỗ tay, nó sẽ gửi tín hiệu đến một trong các công tắc điện, nơi thiết bị đích được cắm vào.

Ngày nay, sự ra đời của trợ lý giọng nói thông minh và hệ thống điều khiển không dây mang lại sự tiện dụng hơn nhiều, nhưng Clapper vẫn là biểu tượng khó phai nhòa.

Vào thập niên 2010, các công ty Big Tech như Amazon, Google và Apple bắt đầu tung ra hàng loạt mẫu loa thông minh thế hệ tiếp theo nhằm chiếm lĩnh thị trường.

Vào năm 2014, Amazon ra mắt Echo, tích hợp trợ lý bằng giọng nói Alexa và tạo được tiếng vang ngay lập tức. Apple phát hành HomeKit cùng năm, một ứng dụng tất cả trong một có thể kiểm soát các chức năng khác nhau trong nhà bằng iPhone hoặc iPad.

Google tiếp nối vào năm 2016 với loa thông minh Google Home (hiện được gọi là Google Nest) với trợ lý giọng nói tích hợp sẵn, đối đầu trực tiếp với Amazon.

Loa thông minh đóng vai trò là trung tâm của nhà thông minh, cho phép người dùng điều khiển nhiều thiết bị bằng các lệnh thoại đơn giản.

Chúng có thể tương tác với nhiều thiết bị chẳng hạn như hệ thống chiếu sáng, máy điều nhiệt và hệ thống an ninh, tạo ra giao diện thống nhất và thân thiện với người dùng cho trình tự động hóa ngôi nhà.

Bức tranh toàn cảnh nhà thông minh hiện đại có nhiều vấn đề, bao gồm quyền riêng tư, bảo mật và khả năng tương tác.

Một thế giới các thiết bị IoT (Internet vạn vật) được kết nối đã trở thành hiện thực, nhưng không hoạt động liền mạch như người ta mong đợi, cũng không hẳn mang lại sự tiện lợi hoàn toàn.

Nhưng thị trường vẫn đang phát triển và hàng loạt thiết bị thông minh đang ra đời từng ngày. Theo Statista, ước tính có khoảng 130 triệu ngôi nhà trên toàn thế giới sử dụng thiết bị thông minh, trong khi thị trường dự kiến sẽ trị giá gần 223 tỷ USD vào năm 2027.

Tường San (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới