Tự tử vì scandal tình ái
Thời điểm cuối năm 2010, làng túc cầu bóng đá xứ sương mù rúng động vì vụ một cầu thủ tự tử ngay tại nhà riêng với lý do bị “cắm sừng”. Người đàn ông xấu số này là thủ môn Dale Roberts khi đó đang thi đấu cho một đội bóng nghiệp dư ở nước Anh. Chuyện đau lòng xảy ra khi Dale Roberts phát hiện ra vị hôn thê của mình, Lindsay đã phản bội để chạy theo người đàn ông khác. Đáng chú ý kẻ thứ 3 phá vỡ hạnh phúc của chàng thủ môn tội nghiệp này là em trai của trung vệ nổi tiếng John Terry, Paul Terry. Cô vợ chưa cưới Lindsay đã “ăn nằm” chung chạ và quan hệ với người tình Paul Terry ngay tại nhà riêng mà Dale Roberts đã mua để chuẩn bị cho lễ cưới. Không chịu nổi cú sốc, Dale Roberts bị bệnh trầm cảm nặng và kết quả cuối cùng là tìm đến cái chết để giải thoát bản thân.
Thế giới bóng đá những năm 90 thế kỷ trước cũng ghi nhận một trường hợp tự tử khác cũng liên quan đến scandal tình ái. Cầu thủ da màu nổi tiếng người Anh Justin Fashanu đã treo cổ tự vẫn tại nhà riêng vào năm 1998. Cảnh sát sau đó đã tìm ra nguyên nhân của vụ tự tử là do Fashanu đã bị tố cáo là thủ phạm của một vụ cưỡng bức đồng tính với một bé trai mới 17 tuổi. Fashanu trước đó đã công khai mình là một người “gay”, một điều khó chấp nhận với xã hội lúc bấy giờ. Sự dè bỉu, cô lập của dư luận, cộng với những áp lực từ vụ án cưỡng bức nói trên đã khiến Fashanu không thể chịu đựng được và tìm đến cái chết.
Tự tử vì dính đến bán độ
Hồi tháng 06 năm 2011, làng bóng đá Hàn Quốc nói riêng và bóng đá châu Á nói chung rúng động vì cái chết của cầu thủ Jung Jong Kwan. Cầu thủ 29 tuổi này bị phát hiện đã chết trong một khách sạn ở ngoại ô thành phố Seoul. Bên cạnh thi thể là một bức thư tuyệt mệnh có nội dung liên quan đến một vụ dàn xếp tỷ số mà Jung Jong Kwan có tham gia. Lí do cầu thủ này tự tử là để bảo vệ những người bạn thân của mình, những người cũng có liên quan đến một đường dây cá độ quy mô lớn, và cũng là để thoát khỏi sự truy sát của những thế lực xã hội đen. Từ vụ tự tử của Jung Jong Kwan mà bóng đá Hàn Quốc đã mở ra một cuộc điều tra với quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử để làm trong sạch nền bóng đá nước này.
Ở Việt Nam, năm 2006 cũng có một vụ tự tử làm chấn động làng bóng đá. Đó là trường hợp của thủ thành nổi tiếng của CAHN cũ, Đỗ Thành Tôn. Thủ môn Thành Tôn là em rể của Mạnh “bệu” và là em ruột của Toàn “còi”, hai trùm cá độ có tiếng ở Hà Nội. Cựu thủ môn 30 tuổi này đã đột ngột thắt cổ tự vẫn tại nhà riêng vào ngày 11/01/2006, khiến dư luận đồn đại nhiều vấn đề bí ẩn đằng sau cái chết của anh. Có nguồn tin ở Hà Nội cho rằng Đỗ Thành Tôn khi đó đang nợ 6,3 tỉ đồng do ngập sâu vào cờ bạc. Do đó, sau cuộc cãi cọ với vợ vào đêm 11/01, thủ thành này đã tự vẫn. Thậm chí có nguồn tin lại đồn ầm ĩ rằng việc Đỗ Thành Tôn tự tử vì những dính dáng vào bán độ, dàn xếp tỉ số của thủ môn này trong quá khứ.
Tự tử vì bệnh tật, trầm cảm
Năm 2009, thủ thành nổi tiếng của Đức và CLB Hannover là Robert Enke đã lao mình vào đoàn tàu đang chạy, tự kết liễu đời mình để lại sự bàng hoàng cho NHM bóng đá Đức. Nguyên nhân cái chết của Enke được xác định là do anh bị mắc chứng bệnh trầm cảm quá nặng và gần như không thể chữa khỏi. Trước đó, thủ thành này đã phải chịu một cú sốc lớn về mặt tinh thần, khi cô con gái nhỏ mới 2 tuổi của anh đã qua đời sau một ca phẫu thuật chữa dị tật bẩm sinh. Chính cái chết của cô con gái Lara là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh trầm cảm của Enke để rồi thủ thành này phải tìm đến cái chết để tự giải thoát chính mình.
Năm 1979, cựu tiền đạo lừng danh của bóng đá Hungary, Sandor Kocsis đã tự kết thúc cuộc đời bằng việc nhảy từ tầng 4 của một bệnh viện ở Barcelona. Thời điểm đó, Kocsis đang vật lộn để chiến đấu với căn bệnh ung thư dạ dày quái ác. Biết rõ căn bệnh này không thể chữa khỏi và trước sau cũng phải chết, Kocsis đã quyết định ra đi sớm ở tuổi 49, để lại niềm tiếc thương của NHM về hình ảnh một cựu trung phong cắm hoàn hảo của bóng đá Hungary và châu Âu.
Bóng đá thế giới cũng ghi nhận một trường hợp tự tử khác vì căn bệnh trầm cảm là trường hợp của cựu tuyển thủ Scotland Hugh Gallacher vào năm 1957. Cầu thủ này đã chọn cái chết giống với thủ thành Enke của Đức là lao mình vào đoàn tàu đang chạy để kết thúc số phận. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến căn bệnh trầm cảm của Gallacher là ông đã bị buộc tội tấn công chính con trai mình là Mathew khi đó mới 14 tuổi.
Những cái chết không rõ nguyên nhân
Ngoài những vụ tự tử đã điều tra rõ ngọn ngành, vẫn còn có rất nhiều trường hợp khác các nhà chức trách bất lực trong việc tìm ra nguyên nhân. Năm 1939, huyền thoại bóng đá Matthias Sindelar người Áo đã dùng khí độc để tự tử trong căn hộ của chính mình ở Vienna ở tuổi 35. Năm 1994, Agostino Di Bartolomei, cựu danh thủ của AS Roma kết liễu bản thân tự dùng súng bắn vào trái tim mình. Năm 2001, Paul Vaessen, một cựu tiền đạo của Arsenal đã tự tử bằng cách sử dụng… heroin quá liều. Hay gần đây năm 2008, cựu tuyển thủ Ba Lan Adam Ledwon đã kết thúc cuộc đời mình tại nhà riêng bằng cách thắt cổ. Tất cả những trường hợp trên đều chưa thể tìm ra nguyên nhân chính xác.
Mới đây nhất là trường hợp của cựu tuyển thủ xứ Wales rất nổi tiếng Gary Speed cũng đã treo cổ tự vẫn dù đang rất thành công trong sự nghiệp HLV sau khi đã giải nghệ, và có một gia đình êm ấm hạnh phúc. Khám nghiệm hiện trường vụ tự vẫn, cảnh sát đã không thể tìm ra bất kỳ nghi vấn nào và tất cả đều cho rằng Gary Speed đã tự tìm đến cái chết. Mặc dù vậy, lí do vì sao Speed lại ra đi đột ngột như vậy thì vẫn chưa tìm ra lời giải. Nhiều tin đồn cho rằng, Gary Speed đã phải đối mặt với những biến cố lớn trong cuộc sống cá nhân nhưng hiện người thân trong gia đình Speed chưa tiết lộ bất cứ điều gì.
Rõ ràng thế giới bóng đá đã đang và sẽ luôn tồn tại những mặt trái, những góc khuất mà không ai có thể lường trước. Vinh quang, tiền bạc và danh lợi luôn đi kèm với những áp lực, sự nghiệt ngã, và cả sự bạc bẽo mà số phận mang lại. Những cái chết của cầu thủ vì tự tử hay vì bất kỳ lí do nào khác luôn để lại những niềm tiếc thương và nỗi buồn vô hại cho những người ở lại. Nhưng thật đáng buồn khi điều đó vẫn đang song hành cùng thế giới bóng đá như một sự thật hiển nhiên mà chúng ta khó có thể cưỡng lại.