Tứ anh hùng hội ngộ
Như đã đề cập, những năm 1990, Michael Chernoy, Boris Berezovsky, Roman Abramovich và Oleg Deripaska là 4 chiến hữu lớn nhất, thân thiết nhất trong các phi vụ làm ăn ở xứ Bạch dương. Nhưng khi thời kỳ “Darkness at dawn” (Bóng tối lúc bình minh) ở Nga kết thúc bằng sự kiện ông Vladimir Putin trở thành Tổng thống Nga năm 2000 thì bộ tứ kia chia làm 2 phe. Ông chủ Chelsea, Abramovich và ông “Vua nhôm” Deripaska tiếp tục thân điện Kremlin và trở thành những người hùng của nền kinh tế Nga, thì ngược lại, bố già Berezovsky và nhà tài phiệt Chernoy chỉ còn 2 chốn dung thân là London và Tel Aviv. Cũng từ ấy, các phe bắt đầu trả thù nhau.
Mâu thuẫn giữa “Vua nhôm” Oleg Deripaska và Michael Chernoy cũng tương tự như ân oán giữa bố già và ông chủ Chelsea. Chernoy cho rằng, ông ta có 20% cổ phần trong công ty nhôm Rusal, số cổ phần này được ủy quyền cho “chiến hữu” Oleg Deripaska đứng tên. Nhưng đến năm 2001, khi Chernoy gặp nạn như Berezovsky, Deripaska đã cho Chernoy số tiền 250 triệu USD và… chấm hết, trong khi giá trị 20% cổ phần ấy có mức giá 4 tỉ USD (2 tỉ bảng).
Không thể kiện tại Nga, ngày 24/10/2006, Michael Chernoy khởi kiện Oleg Deripaska lên tòa án thương mại London. Tòa London chấp nhận đơn kiện của Chernoy và dự kiến, vụ kiện này sẽ bắt đầu xử vào tháng 4/2012 tới, một cuộc chiến pháp lý tương tự như cuộc chiến của Berezovsky và Abramovich, chỉ khác ở điểm: nguyên đơn Chernoy sẽ xuất hiện trên tòa qua màn hình được truyền trực tiếp từ Tel Aviv.
Bởi nếu nhập cảnh vào London, Chernoy sẽ bị bắt và bị dẫn độ sang Tây Ban Nha, ở đó không có tòa thương mại nào, mà một phiên tòa hình sự sẽ được tiến hành để xét xử nhà tài phiệt người Israel này vì tổ chức và tham gia hoạt động mafia, rửa tiền ở Alicante và Levante…
Berezovsky bắt tay Chernoy. Còn Abramovich và Deripaska? Bộ đôi này càng trở nên thân thiết với nhau sau tháng 10/2003, khi ông chủ Chelsea đồng ý bán toàn bộ 25% cổ phần Rusal với giá 2 tỉ USD cho Deripaska, qua đó vị cháu rể của cựu Tổng thống Nga, Boris Yeltsin thực hiện hóa được tham vọng “nhất thống Rusal” và trở thành “Vua nhôm” khét tiếng.
Chernoy xuất hiện tại tòa qua màn hình vào cuối tháng này? Có Chernoy sao thiếu Deripaska! Phe Abramovich khẳng định, “Vua nhôm” cũng đang trên đường từ Moscow tới London và có mặt ở tòa án một cách đường hoàng để xác tín: Berezovsky là “đầu sỏ chính trị”, mafia, giết người, phản bội tổ quốc và dĩ nhiên không có đồng xu nào trong Sibneft hay Rusal mà lớn tiếng kiện người khác “đe dọa và ép giá”. Thì cũng như việc, vào tháng 4 sang năm, cũng chính tại cái tòa thương mại ấy, ông chủ Chelsea lại đóng vai trò nhân chứng cho ông “Vua nhôm” mà chỉ vào mặt Chernoy (qua ti vi) để khẳng định: Đấy, Michael Chernoy! Tên này là mafia, rửa tiền và không có vai trò gì ở Rusal…
London quá nhỏ bé cho cuộc hạnh ngộ của 4 ông bạn lớn.
Cách mạng cải lương
Boris Berezovsky lấy tiền ở đâu để chơi một canh bạc tất tay với ông chủ Chelsea lắm tiền nhiều của? Theo báo chí Anh, sau “Thỏa thuận Tel Aviv”, Chernoy đã bơm cho bố già 50 triệu USD “tiền vốn”. Lòng hảo tâm của Chernoy không xuất phát từ món lợi 5% từ số tiền thắng kiện (nếu thắng) của Berezovsky, vì cũng giống bố già, Chernoy cũng có những ân oán giang hồ với Abramovich và Deripaska.
Nhưng ai mới là kẻ thù lớn nhất của bộ đôi Berezovsky - Chernoy. Người ta cho rằng, nhân vật đó là ông Vladimir Putin. Phải, ông Putin với chính sách “quốc hữu hóa”, siết chặt quản lý tài nguyên đất nước khi bước vào Điện Kremlin năm 2000 đã giúp kinh tế Nga thoát khỏi khủng khoảng, hỗn loạn, làm cho dân Nga thoát nghèo khổ, cho xã hội bớt bất công. Nhưng ông Putin lại “đắc tội” với những nhà tài phiệt luôn tung hô vạn tuế chính sách “tư hữu hóa” từ thời Boris Yeltsin, khiến họ không còn đất dung thân ở cái đất nước rộng lớn nhất thế giới.
“Cuộc cách mạng Nga bằng bạo lực” mà Boris Berezovsky tuyên bố năm 2007 bất thành. Nên phiên tòa kiện Roman Abramovich vào thời điểm này, thời điểm mà Thủ tướng Putin đang khởi động chiến dịch tái tranh cử Tổng thống Nga có thể xem là một “Cuộc cách mạng cải lương”, một âm mưu khủng khiếp của bố già. Vì trên tòa, Berezovsky không ngừng công kích Roman Abramovich là gangster, mà nhân vật “đỡ đầu” cho ông chủ Chelsea “trà đạp lên luật pháp, nhân đạo và tình bạn” để “san bằng tất cả” là ông Vladimir Putin…
Vĩ thanh
Ai chống lại ai trong cuộc chiến ân oán đan xen, chồng chất đầy những thủ đoạn bẩn thỉu này? Không võ đoán, không bình luận, không kết luận, mà hãy nhìn từ thực tế: những nhân vật đang bị cảnh sát Nga, Tây Ban Nha, Interpol và FBI truy nã vì hoạt động tội phạm như Berezovsky và Chernoy đang kiện Abramovich và Deripaska, những nhân vật được Điện Kremlin thừa nhận là có công với nền kinh tế Nga, biết đặt lợi ích cá nhân mình xuống dưới lợi ích nền kinh tế của cả một đất nước, điều chưa từng có ở những nhà tài phiệt Nga những năm 1990.
Cuộc chiến pháp lý của Berezovsky và Abramovich vẫn đang diễn ra dữ dội. “Phản bội”, “đểu cáng”, “vô nhân tính”, “bịp bợm”, “ăn cướp”, “rửa tiền”, “gangster”… Ngày nào cũng thế, nhàm chán, họ phê phán nhau, buộc tội nhau. Trên ghế chủ tọa, ngày nào cũng vậy, nữ thẩm phán Elizabeth Gloster cũng phải nghe và phải gõ búa yêu cầu: “Phiên tòa này không giải quyết những vấn đề xã hội”.
Nhưng đến bao giờ bà Gloster cùng bồi thẩm đoàn mới có thể đưa ra phán quyết cuối cùng? Khoảng hơn 1 tháng nữa. Còn dân Nga? Hẳn mỗi người đều có phán quyết của riêng mình.
Roman Abramovich là gangster như cáo buộc của bố già? Dân viễn Đông chắc không nghĩ ông cựu tỉnh trưởng Chukotka, Abramovich là kẻ xấu, khi đã chịu đầu tư gần 1 tỉ USD vào cái khu tự trị nghèo rớt mùng tơi, luôn thiếu tiền nhưng thừa quan tham ấy. Một anh “Nga ngố” nhất cũng lờ mờ hiểu được rằng, vì sao nước Nga đánh bại được Anh trong cuộc đua đăng cai VCK World Cup 2018, nên có lẽ, nếu Abramovich là gangster, thì những kẻ yêu bóng đá ở Nga liệu có nguyện cầu nước Nga còn nhiều gangster…
Gangster như ông chủ Chelsea.