Tòa thương mại London ngày 11/10/2011, Boris Berezovsky dùng ông chủ Chelsea tố cáo Vladimir Putin, khi Thủ tướng Nga công du Bắc Kinh. Hành động này nhằm 2 mục đích. Thứ nhất, hạ uy tín của ông Putin ở Trung Nam Hải. Thứ hai, gợi lại vụ điệp viên KGB Alexander Litvinenko, vụ án từng khiến quan hệ giữa số 10 Downing và Điện Kremlin mâu thuẫn và nguội lạnh...
Đâm lao và trúng đích
Alexander Litvinenko biết Boris Berezovsky năm 1994. Thời điểm ấy, bố già chưa có vai vế gì trong “Vòng tròn Kremlin” mà chỉ được biết đến như một gã tài phiệt, dựa nhiều vào giang hồ Chechnya để làm ăn. Cũng vì những mâu thuẫn trong công việc làm ăn nơi “giang hồ hiểm ác”, mà đầu năm 1994, chiếc xe Mercedes 600 của Berezovsky bỗng nhiên… “bùm” trên đường phố Moscow. Một vụ đánh bom, tay tài xế chết không kịp ngáp còn bố già may mắn thoát nạn.
Rất nhiều nhà tài phiệt bị mưu sát vào thời điểm đó mà Berezovsky là một vụ điển hình. Cục An ninh Liên bang Nga (FSB) vào cuộc và Alexander Litvinenko được giao nhiệm vụ lãnh đạo kế hoạch điều tra về những vụ mưu sát nhằm vào các nhà tài phiệt cũng như hoạt động mờ ám của chính các nhà tài phiệt ấy. Tuy nhiên, Litvinenko lại hợp tác với Berezovsky và trở thành nhân vật “bảo kê về mặt an ninh” cho bố già.
Ai đánh bom bố già?
Moscow thời gian ấy, ngoài băng Solntsevo, chẳng có thế lực nào dám “vuốt râu hùm”? Thế là ở ngay ngoài showroom ô tô Logovaz của bố già, nơi gần rạp hát Kazakhstan có ngay một cuộc đụng độ bằng súng giữa băng Solntsevo và một đội quân kéo tới từ Chechnya, khiến 4 tên Solntsevo cùng 6 tên Chechnya bỏ mạng. Điều đáng nói là, có người nhìn thấy bố già trong cuộc đụng độ ấy.
Hành động bao che của Litvinenko cho Berezovsky là bất hợp pháp. Điện Kremlin biết, nhưng người ta vẫn lờ đi, vì nếu điều tra hoặc bắt Berezovsky cũng đồng nghĩa với việc nguồn thu nhập của những sĩ quan cao cấp, ưu tú nhưng nhận lương thấp như Litvinenko sẽ bị cắt.
Năm 1996, khi bố già Berezovsky trở thành công thần số 1 trong chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Boris Yeltsin, Litvinenko mới gặp Roman Abramovich. "Gã mặt non choẹt này là ai?" - Litvinenko hỏi và bố già trả lời: "Người của tôi!"
Nhưng càng ngày, Litvinenko lại nhận thấy Roman Abramovich càng nguy hiểm. Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ The Time năm 2004, Litvinenko cho biết: “Tôi biết đội ngũ của Vladimir Putin từ năm 1991 ở St Petersburg và từng gặp ông Putin năm 1998. Nhưng đến năm 1999, tôi mới biết mình và Abramovich không đi chung đường”. Cũng theo Litvinenko, vào khoảng năm 1997-1998, các nhà tài phiệt đều chọn cho mình một nhân vật mà họ tin sẽ trở thành Tổng thống để phò tá và ủng hộ. Roman Abramovich đã chọn Putin và bí mật lập nên quỹ tranh cử cho ông Putin sau lưng bố già. Kết quả là Abramovich đã “phóng một mũi lao” trúng đích, còn những kẻ “không đi chung đường” với ông chủ Chelsea như Berezovsky hay Litvinenko phải nhận những kết cục không như mong đợi.
Ngựa vào đường hẹp làm sao quay đầu!
Nếu như bố già Boris Berezovsky là công thần của Boris Yeltsin ở nhiệm kỳ II, thì theo Litvinenko, Roman Abramovich cũng đóng vai trò tương tự ở Điện Kremlin khi ông Vladimir Putin chính thức trở thành Tổng thống. Và dĩ nhiên, nhờ mối quan hệ như cha con với ông Putin, công việc kinh doanh của ông chủ Chelsea ở Nga ngày càng phát đạt rồi trở thành tỉ phú thứ 6 ở Nga và 53 trên thế giới với số tài sản khổng lồ lên tới 11 tỉ bảng.
Nhưng mối quan hệ của Abramovich và Putin, theo Litvinenko là khác hẳn mối quan hệ giữa Berezovsky và Yeltsin. Vì, “Roman Abramovich không phải một nhà chính trị hay triết gia, anh ta chỉ là một nhà kinh doanh đơn thuần, luôn biết nhẫn nhịn và tuyệt đối tuân lệnh Putin”.
Chơi với vua như đùa với hổ. Cựu sĩ quan cao cấp của Cục An ninh Liên bang Nga (FSB) và Cơ quan Tình báo Nga (KGB) khẳng định: “Abramovich không thể thoát được vòng kiểm soát của Vladimir Putin và luôn có khả năng bị bỏ tù, bị giết, bị ép từ bỏ một lợi ích kinh tế nào đó dù muốn hay không. Nhiệm vụ kiểm soát Abramovich được Putin giao cho một đội ngũ vây quanh gọi là Lực lượng Đặc biệt Nga (Russia Special Service). Abramovich có nhiều công ty thương mại tại Nga, nếu ông chủ Chelsea ôm tiền chạy trốn ở bất cứ nơi đâu, Lực lượng Đặc biệt sẽ cử người đến tận nơi đó để thanh toán”.
Năm 2005, Abramovich bất ngờ bán toàn bộ cổ phần Sibneft - nguồn thu chính của Abramovich cho công ty dầu mỏ nhà nước Gazprom. Ở vụ này, Litvinenko khẳng định trên The Times: “Không có giải pháp nào khác cho Roman Abramovich, nếu chống đối, anh ta sẽ nhận được những bài học kiểu như nhà tỉ phú Mikhail Khodorkovsky hay Boris Berezovsky”.
Hiểu theo cách của Litvinenko, Abramovich đã theo Vladimir Putin thì phải theo đến cùng, nó cũng giống như con chiến mã lạc vào đường hẹp, chỉ có tiến, không thể quay đầu. Nhưng nếu nhìn một cách tích cực hơn, Roman Abramovich biết đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích của cá nhân mình, một điểm khác biệt của ông chủ Chelsea trong quan hệ với Kremlin so với bố già Boris Berezovsky vào những năm 1990.
Đoạn kết buồn của một điệp viên
Litvinenko “không đi chung đường” với Roman Abramovich, rồi bị bắt, rồi chạy sang Anh tị nạn năm 2000. Tại London, viên sĩ quan nổi tiếng một thời trong KGB và FSB tiếp tục chống phá chính quyền Liên bang Nga của Putin. Ông tung ra 2 cuốn sách gây chấn động Moscow có tên “Thổi tung nước Nga: khủng bố từ nội bộ” (Blowing up Russia: Terror from Within) và “Băng Lubyanka” (Gang from Lubyanka).
Sau sự kiện nữ ký giả nổi tiếng của tờ Novaya Gazeta, Anna Politkovskaya bị bắn chết tại Moscow ngày 7/10/2006, Litvinenko lên tiếng tố cáo Điện Kremlin nhúng tay vào vụ mưu sát này. Ông tuyên bố: “Không cần biết anh là ai, anh ở đâu, anh mở miệng chống Kremlin, người ta sẽ tìm tận nơi để bắt anh im miệng”. Chưa đầy 1 tháng sau, ngày 1/11/2006, Litvinenko bị dính độc phóng xạ polonium-210 tại một quán rượu ở London, sau khi “đàm đạo” với 2 cựu điệp viên KGB là Dmitry Kovtun và Andrei Lugovoi. Trước khi trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện ngày 23/11/2006, Litvinenko một mực khẳng định, cũng giống như vụ Politkovskaya, ông Putin đứng sau vụ đầu độc mình.
Nhưng Litvinenko chết quá sớm để biết được rằng, vào tháng 9 vừa qua, cựu trung tá cảnh sát ở Moscow, Pavlyuchenkov đã khai nhận anh ta là kẻ chỉ huy âm mưu giết Politkovskaya, theo “đơn đặt hàng” từ chính bố già Boris Berezovsky để làm “quà sinh nhật cho ông Putin”, món quà nhằm hạ thấp uy tín của Kremlin.
Vậy ai giết Litvinenko? Andrei Lugovoi phủ nhận mọi cáo buộc từ phía cảnh sát Anh cho rằng mình và Kremlin có liên quan đến cái chết của Litvinenko, đồng thời khẳng định, cũng giống như nữ ký giả tờ Novaya Gazeta, cái chết của cựu điệp viên KGB là “món quà cho Putin” từ bố già Berezovsky.
Còn Roman Abramovich? Nếu nói như Litvinenko, “con chiến mã lạc vào đường hẹp” Abramovich đến London và trở thành ông chủ vĩ đại của Chelsea không đơn thuần chỉ là tình yêu bóng đá…