NAM GIỚI » Chuyện thâm cung bí sử

Kỳ án rửa tiền bí ẩn: Roman Abramovich một tay gây dựng cơ đồ (P4)

Thứ ba, 01/11/2011 09:41

Năm 2000, tại Moscow, Roman Abramovich tự mình phủ nhận 'công lao' của bố già Boris Berezovsky, vì 'đế chế này do ta gây dựng'.

Cũng giống như Napoleon Bonaparte giật lấy Vương miện từ tay Đức Giáo hoàng Pius VII trong lễ tấn phong Hoàng đế tại Nhà thờ Đức bà Paris ngày 2/12/1804 cùng câu nói: không ai trao Vương miện cho ta, giang sơn này do Bonaparte giành được... thì năm 2000, tại Moscow, Roman Abramovich tự đặt mình ở địa vị của Bonaparte, phủ nhận “công lao” của bố già Boris Berezovsky, vì “đế chế này do ta gây dựng”.

Roman, anh là kẻ phản bội!

“Abramovich là thiên tài, tôi tin anh ta, từng coi anh ta như con. Nhưng Abramovich đã phản bội tôi” - bố già Boris Berezovsky đã nói như thế trên tòa thương mại trị giá 3,2 tỉ bảng tại London trong ngày xử thứ 5 (8/10/2011) vừa qua.

Abramovich rời tòa ngày 9/10 bằng chiếc Mercedes bạc

Đúng là trong số hàng trăm nhà tài phiệt đáng ngờ nổi lên ở Nga vào những năm 1990, sau khi Nhà nước Xô-Viết sụp đổ, doanh nhân trẻ Abramovich được Berezovsky tin tưởng nhất, muốn đưa vào “guồng máy” của mình nhất. Vì theo lời khai của bố già trên tòa: “Khi gặp Abramovich lần đầu tiên năm 1994 tại Carribe, tôi đã bị anh ta gây ấn tượng. Đó là một doanh nhân trẻ, có tầm nhìn rộng, có tham vọng và dám làm”. Chính “Bố già ở Điện Kremlin” đã đưa Roman Abramovich đến với dầu mỏ, nguồn thu chính giúp Roman Abramovich gây dựng nên “đế chế Chelski” ngày nay bằng cách bán cho cổ phần công ty dầu mỏ Sibneft năm 1995. Cũng chính bố già trong vai trò Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia là người đầu tiên đưa Abramovich vào Điện Kremlin, gặp Tổng thống Boris Yeltsin để “lắp biển số chính trị” cho công việc kinh doanh của ông chủ Chelsea ở Nga. Vì: “Vào những năm 1990, Abramovich chưa đủ thông minh để kinh doanh bằng ảnh hưởng chính trị”.

Và cho đến năm 2000, khi bị “đàn em” Roman Abramovich “ép” phải bán toàn bộ cổ phần Sibneft vào thời điểm Boris Berezovsky gặp nạn thời Vladimir Putin, bố già này nói gì? Trong cuốn sách “Godfather of the Kremlin” (Bố già ở Điện Kremlin), cố nhà báo Paul Klebnikov tiết lộ: bố già thường im lặng cả ngày hoặc cả ngày lảm nhàm điều gì đó trong miệng mà đàn em không thể hiểu nổi, giống như những babka Nga (bà già lắm mồm). Nhưng Roman Abramovich thì nói lớn: xin lỗi ngài Boris, đế chế này do tôi xây dựng.

Luận tội phản nghịch, xét thưởng công thần

Dù muốn hay không, Abramovich cũng chẳng thể chối cãi, rằng “cái biển số chính trị” của ông vào những năm 1990, khi Abramovich vẫn là một nhà tài phiệt “thừa tiền nhưng thiếu lực” là do bàn tay Berezovsky lắp đặt. Tuy nhiên, bố già Berezovsky cũng không thể sống thiếu Roman Abramovich.

Vì để có được cái “biển số chính trị” ấy cho công việc làm ăn, theo luật sư Jonathan Sumption trên tòa London, thân chủ ông, ngài Roman Abramovich cùng các doanh nhân dưới quyền đã phải cung cấp cho bố già tổng cộng 2,3 tỉ bảng trong thập niên 1990. Trơ trẽn hơn cả là vào năm 1995, bố già đã lệnh cho Abramovich phải “bơm” gấp khoản tiền 8 triệu USD (5,1 triệu bảng) để “bôi trơn chính trị”, nhưng ông chủ Chelsea chỉ cung cấp 5 triệu USD (3,2 triệu bảng) và số tiền này được các trợ lý của Abramovich trao tận tay Berezovsky ở trụ sở LogoVaz, một công ty của bố già.

Berezovsky có ý tốt gì khi bán cổ phần Sibneft cho Abramovich vào năm 1995? Đây là thời điểm Berezovsky “khát tiền” nhất, vì bố già cần huy động một khoản lớn cho “canh bạc chính trị”, cụ thể là lập quỹ ủng hộ cho chiến dịch tái tranh cử Tổng thống của ông Boris Yeltsin vào năm 1996 cũng như chống lại “các thế lực thù địch cũ, âm mưu lật đổ Nhà nước Liên bang Nga non trẻ”. Và nhờ số tiền 160 triệu USD của Berezovsky, chiến dịch tái tranh cử của ông Yeltsin thắng lớn. Từ thời điểm ấy, Boris Berezovsky không chỉ thân với Tatyana Dyachenko, cô cháu gái cưng của Tổng thống, mà trở thành người bạn vĩ đại nhất của Tổng thống tái đắc cử Boris Yeltsin. Thế là ở Điện Kremlin, trong một ngày “luận tội phản nghịch, xét thưởng công thần”, ông Boris Phó (Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia) nói với ông Boris Tổng (Tổng thống tái đắc cử) đại khái rằng: Thưa Tổng thống, anh Roman Abramovich không phải người tầm thường đâu…

Thế thì ai cần ai trên con đường quan lộ của bố già Berezovsky và con đường kinh doanh của Abramovich? Ông chủ Chelsea đã chơi đúng luật chơi của cái thời kỳ mà nhà báo David Satter gọi là “Darkness at dawn” (Bóng tối lúc bình minh) ở Nga: Chính khách - bố già - doanh nhân.

Một tay gây dựng cơ đồ

Trong ngày xử thứ 4 tại tòa London (7/10/2011) vừa qua, bố già Berezovsky vỗ ngực: “Tôi là người đầu tiên nhận ra rằng, công việc kinh doanh chỉ ổn định và thuận lợi, nếu có sự ổn định về chính trị”.

Người đẹp Yelena Gorbunova luôn bên cạnh bố già Berezovsky trên tòa London

Bố già Berezovsky có phải là người đầu tiên phát hiện ra “chân lý vĩ đại” ấy hay không thì chẳng ai biết, nhưng Abramovich đã học rất tốt bài học ấy của bố già bằng những khoản tiền tỉ cho việc “bôi trơn chính trị”, để bắt đầu xây những viên gạch đầu tiên cho “đế chế Chelski” dưới sự “bảo trợ” của “Bố già ở Điện Kremlin” và phát triển huy hoàng ở Nga dưới thời ông Vladimir Putin.

Năm 2000, Abramovich được bầu làm Toàn quyền Chukotka. Đến năm 2005, khi hết nhiệm kỳ, ông chủ Chelsea tuyên bố không tham gia tái tranh cử vì tốn kém (hay vì đã bán Sibneft nên không cần Chukotka làm nơi lách thuế?). Lập tức Điện Kremlin ra sắc lệnh xóa bỏ bầu cử khu vực này và bổ nhiệm luôn Abramovich. Ở cái khu tự trị “chó ăn đá, gà ăn sỏi” đầy những “quan tham” ấy, ông chủ Chelsea đã đầu tư hàng trăm triệu USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, Cái “Huy chương Danh dự” vì sự phát triển nền kinh tế ở khu tự trị Chukotka mà Toàn quyền Roman Abramovich nhận được ở Kremlin cũng đồng nghĩa với một tấm “biển số chính trị” mới cho công việc kinh doanh của ông chủ Chelsea ở Chukotka cũng như nước Nga.

Thế nên bố già Berezovsky mới khẳng định ông chủ Chelase là “thiên tài”. Thế là khi “bình minh” nước Nga sáng hẳn, không còn “bóng tối”, bố già có 2 mối thù phải trả. Một là ông Vladimir Putin, với chính sách “Quốc hữu hóa tài sản nhà nước”, giúp nên kinh tế Nga vượt qua khủng hoảng nhưng lại khiến bố già phải chạy khỏi nước Nga như một kẻ “chính trị đầu sỏ” chết 2 lần không hết tội, sống cuộc đời tị nạn. Hai là “đệ tử”, “con trai” Roman Abramovich phản bội, khiến bố già mất tiền tỉ trong vụ Sibneft.

Kế hoạch trả thù ông Putin, tức là lật đổ Nhà nước Liên bang Nga do ông Putin lãnh đạo được bố già công khai không lâu sau thời điểm chạy sang Anh tị nạn năm 2001. Nhưng kế hoạch ấy vẫn còn đang nằm trên bàn giấy. Còn kế hoạch trả thù “đứa con phản bội” Abramovich thì đã được bố già khai chiến ở tòa án thương mại London.

Ai sẽ chiến thắng? Câu trả lời sẽ có sau hơn 2 tháng nữa, nhưng có điều, chẳng ai đơn độc trong cuộc chiến trị giá hơn 3 tỉ bảng này, dù bố già Berezovsky đã thất thế…

Thể thao 24h