Tổng cục Thể dục Thể thao đã chẻ cái chiến lược ấy ra làm hơn 30 chiến lược con, vừa mới giao cho các phòng ban, các liên đoàn thể thao tiếp tục xây dựng đề án. Tức là làm thế nào để triển khai, đầu tư cho 10 môn thể thao trọng điểm cho cả mục tiêu trước mắt và lâu dài tính tới thời điểm này vẫn đang là một ẩn số.
Trong khi đó, Olympic London 2012 đang đến gần và mục tiêu đoàn thể thao Việt Nam có 30 vận động viên (VĐV) tham dự đấu trường lớn nhất thế giới này là một thách thức thực sự. Mới chỉ có những VĐV được cho là sẽ chắc chắn giành vé đi London như Vũ Thị Hương và Trương Thanh Hằng của điền kinh, và mỗi môn bắn súng, taekwondo, judo, vật nữ, cử tạ, thể dục dụng cụ, quyền Anh nữ cũng chỉ cố gắng có 1 và cùng lắm là 2 đại diện.
Nếu tính một cách hào phóng với các suất đặc cách Ủy ban Olympic thế giới trao cho các nền thể thao “nghèo vượt khó” trong đó có Việt Nam thì giỏi lắm thể thao Việt Nam cũng chỉ có được khoảng 15 suất tranh tài ở Thủ đô của Vương quốc Anh mùa Hè sang năm.
Liệu có sớm quá không khi cho rằng Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2020 sẽ thất bại ngay ở mục tiêu đầu tiên và có một tầm quan trọng không nhỏ trong cả một lộ trình phát triển?
Vũ Thị Hương (phải), niềm hy vọng của điền kinh Việt Nam. Ảnh: VSI
Năm 2008, thể thao Việt Nam tham dự Olympic Bắc Kinh với cả thảy 21 VĐV, nhưng trong đó có tới 8 VĐV wushu, môn đấu chỉ mang tính biểu diễn theo kiểu một sự kiện góp vui cho đại hội và người Trung Quốc đem món đặc sản của mình ra trưng bày cho thế giới xem, nên các nước khác có môn wushu cũng gửi VĐV tới. Như vậy, 4 năm trước, chỉ 13 VĐV cả đặc cách, cả tự nỗ lực giành vé chính thức tham dự đại hội. Nếu sang năm con số tham dự là 15 - 17 VĐV thì nó có thể là một bước tiến khi gạt sang một bên câu hỏi rằng liệu chúng ta có huy chương hay không, nhưng so với chiến lược đang loay hoay tìm cách triển khai, rõ ràng là một thất bại. Dường như thể thao Việt Nam có một truyền thống viết đề án rồi sau đấy chứng kiến một đời sống bi kịch của những đề án ấy. Hẳn là nhiều người đã từng nghe, từng đọc về cái gọi đề án Phát triển nâng cao tầm vóc người Việt. Nhưng nó giờ là 1 trong số 4 đề án mà sau khi được Chính phủ xem xét, có yêu cầu ngành thể thao bổ sung, chỉnh sửa, lại vẫn đang nằm lại ở Tổng cục Thể dục Thể thao và Viện Khoa học thể thao Việt Nam. Chiều cao của thanh thiếu niên Việt Nam đã cải thiện đáng kể trong những năm qua, một kết luận có thể ước lượng được thông qua hình ảnh các học sinh trên đường tới trường bây giờ cao to lừng lững. Chỉ tiếc là sự tăng trưởng chiều cao này không hề là kết quả của ngành thể thao. Và thể trạng của các VĐV thể thao lại như giậm chân tại chỗ chứ không ăn theo sự phát triển chung của xã hội. Trở lại với chiến lược Phát triển thể thao Việt Nam 2011 - 2020, đó là một nền tảng cần thiết, nhất là hướng đi của nó được thay đổi từ mục đích là cạnh tranh ở ao làng Đông Nam Á chuyển lên các đấu trường tầm cỡ châu lục và thế giới. Chỉ tiếc là để phát triển cả nền thể thao thì chỉ làm tốt mỗi việc viết đề án thôi là không đủ.