NAM GIỚI » Môn khác

Điền kinh thế giới: Những chuyện thú vị quanh cự ly 150 mét

Thứ tư, 18/05/2011 14:00

VĐV chạy nước rút người Mỹ Tyson Gay - người đàn ông chạy nhanh nhất thế giới trong năm 2010 - đã đạt thành tích khá ấn tượng 14 giây 51 ở cự ly… 150 mét tại giải chạy quốc tế ở Manchester, Anh.

Điều mà một số người thắc mắc là tại sao lại màn thi đấu không phải là 100 mét – hay 200 mét - mà lại là cự ly 150 mét? Cự ly này có ý nghĩa như thế nào? Xung quanh việc xuất hiện cự ly chạy kỳ lạ này có khối chuyện thú vị và khôi hài…

Ra đời từ cuộc thách thức giữa Bailey và Johnson

Thông thường, dư luận thường… dán nhãn “người đàn ông chạy nhanh nhất hành tinh” cho nhà vô địch cự ly 100 mét. Nhưng liệu nhà vô địch ở cự ly 100 mét có thật sự “chạy nhanh nhất”? Khi Usain Bolt thống trị cả 2 cự ly 100 mét và 200 mét trong thời gian gần đây, anh đã “dập tắt” mọi tranh cãi.

Nhưng trước đó, một cuộc đối đầu trên mặt báo, trên đài truyền hình đã dẫn đến việc hình thành cự ly… “trái khoáy” 150 mét này - đó là cuộc đối đầu giữa VĐV chạy nước rút Donovan Bailey (Canada, HCV Olympic Atlanta 1996 cự ly 100 mét) và VĐV chạy cự ly trung bình Michael Johnson (Mỹ, HCV Olympic Atlanta cự ly 200 mét và 400 mét) tại SVĐ SkyDome (Toronto).

Donovan Bailey giành chiến thắng ở cuộc đua “Người đàn ông chạy nhanh nhất thế giới” hồi năm 1997.

Theo bình luận viên thể thao Bob Costas của kênh truyền hình NBC, và theo một số đồng nghiệp báo giấy của ông (James Christie), chính Johnson mới là “người đàn ông chạy nhanh nhất hành tinh” chứ không phải Bailey.

Costas đưa ra dẫn chứng cho quan điểm của mình: chia đôi thành tích của Johnson ở cự ly 200 mét (19 giây 32) để đưa ra kết quả Johnson “chỉ” chạy 100 mét hết 9 giây 66 - trong khi màn trình diễn của Bailey ở cự ly 100 mét tại Atlanta chỉ là 9 giây 84. Tuy nhiên, cách chia này hoàn toàn bất hợp lý.

Vì theo nguyên tắc, một VĐV chạy 100 mét còn cần một ít thời gian (khoảng 0,10 giây) để chuyển từ trạng thái tĩnh sang trạng thái động - nên có tốc độ trung bình thấp hơn, trong khi một VĐV chạy cự ly 200 mét có thời gian cần thiết để chuyển từ trạng thái động chậm sang trạng thái động nhanh - nên có tốc độ trung bình cao hơn. Đó là lý do tốc độ trung bình ở cự ly 200 mét luôn cao hơn cự ly 100 mét kể từ 1968.

Nhưng như vậy cũng đủ để Johnson “diệu võ giương oai trên mặt báo rằng mình mới là “người đàn ông chạy nhanh nhất hành tinh”. Cay mắt, Bailey đã xúc tiến một cuộc tranh tài, và cự ly được chọn đương nhiên không phải là 100 mét sở trường của Bailey hay 200 mét sở trường của Johnson, đó là cự ly “cộng lại chia đôi” thành 150 mét.

Cuộc chạy đua được dán nhãn: “Người đàn ông chạy nhanh nhất thế giới” đã kết thúc không quá kịch tính như dự đoán, khi Johnson bị chấn thương, sau 110 mét đầu tiên, Bailey trên đường lao đến đích vẫn có dư thời gian để quay lại và vẫy Johnson “cố lên”.

Kết cục, Bailey về nhất với thành tích 14 giây 99, ẵm giải thưởng 1,5 triệu USD, Johnson chỉ giành được 500 ngàn USD. Người ta không ai nói chiến thắng của Bailey là vẻ vang, nhưng với Johnson, việc sa đà vào cuộc chạy “vô bổ” này khiến anh trả giá đắt - chấn thương khiến Johnson vắng mặt ở giải điền kinh vô địch nước Mỹ, không giành được vé dự chung kết giải VĐTG của IAAF 1997.

Cũng may, IAAF châm chước cấp cho anh vé ưu đãi đặc biệt để tham dự giải đấu nơi anh giành ngôi vô địch 400 mét.

Dấu ấn của Bolt

Trong những năm gần đây, cự ly 150 mét thường được tổ chức ở những giải chạy mang tính biểu diễn trên đất Anh (đặc biệt là ở Manchester).

Tại giải năm 2009, Usain Bolt đã khẳng định ưu thế tốc độ của mình trên đường chạy 150 mét khi đạt thành tích 14 giây 35. Thành tích trên được xem như là KLTG ở cự ly này. Đặc biệt, Bolt đã đạt thành tích 9 giây 70 ở 100 mét cuối cùng (từ 50 mét đến 150 mét) của đường chạy. Chiến thắng mới đây của Gay xem ra chỉ là “chuyện nhỏ”, vì khoảng cách 0,16 giây nói ra thì nhanh nhưng thật ra rất lớn, không hề dễ san lấp.

SGGP Online
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới