NAM GIỚI » Môn khác

Giá chỉ là chuyện đùa

Thứ hai, 04/07/2011 17:04

Giải thể thao dành cho người khuyết tật toàn quốc 2011 đang diễn ra ở TP.HCM. Không ít người dắt con, cháu mình đến để học hỏi những tấm gương nghị lực hay chỉ đơn giản là đến để cổ vũ cho lối sống lành mạnh, yêu thể thao.

Những vận động viên này đều là những tấm gương về nghị lực, vượt khó. Rất tiếc, phần thưởng dành cho họ lại cũng chỉ là “ghi nhận”.

Chuyện 1

Với những ý nghĩa rất đẹp, nào là hướng đến ngày Thương binh liệt sĩ, nào là hoạt động để chứng tỏ khẩu hiệu “tàn mà không phế” tồn tại ở đời thường chứ không chỉ trên tấm áp phích, rồi nào là để lập đội tuyển đi thi Para Games vào cuối năm nay nên vị quan chức ngành thể thao nào khi được hỏi cũng bày tỏ sự thông cảm, xúc động với những tấm gương vượt khó. Thế nhưng, tính nhân bản trong lời nói thường dễ hơn trong việc làm.

Đến trước ngày khai mạc vỏn vẹn ba hôm, công ty EEC, đơn vị nhận tổ chức, mới thở phào nhẹ nhỏm khi Navibank chịu làm nhà tài trợ chính. Sau đó mới có thêm những phần tài trợ của tổng công ty cổ phần Phong Phú ủng hộ 800 bộ khăn tắm cho vận động viên, nước suối Vĩnh Hảo ủng hộ 3.600 chai nước, bánh mì Như Lan ủng hộ phần bánh mì ăn sáng và 200.000 đồng cho mỗi vận động viên dự giải.

Nhiều người làm thể thao chuyên nghiệp đã phì cười khi nghe những phần tài trợ vừa kể. Nhưng nói như các vận động viên tham dự giải, đây là lần đầu tiên họ được tham dự giải đấu “hoành tráng” đến thế. Mang tiếng là giải đấu cấp toàn quốc nhưng các vận động viên có thành tích chỉ được nhận huy chương, tiền thưởng sẽ do địa phương trao tặng ở mức vài trăm ngàn đồng. Ăn uống khi tham dự giải đa phần phải dùng tiền nhà.

Tưởng rằng chuyện địa phương giàu, nghèo khác nhau nên mức trao thưởng dành cho vận động viên khuyết tật cũng phải giảm bớt. Dè đâu ông Vũ Thế Phiệt – tổng thư ký hiệp hội Thể thao người khuyết tật – cho hay: “Đến thời điểm này, chúng tôi đã lên tiếng nhiều lắm nhưng quy chế khen thưởng của Nhà nước ở giải đấu quốc tế cũng có công bằng đâu. Nếu vận động viên lành lặn được thưởng 100 đồng ở giải SEA Games, thì ở Para Games các vận động viên cũng đại diện cho Việt Nam nhưng chỉ được thưởng 50 đồng, chỉ 50% tiền thưởng mà thôi”.

Giá mà ông Phiệt chỉ nói đùa, rất tiếc...

Chuyện 2

Nhưng nào chỉ có vận động viên khuyết tật mới khó khăn. Vận động viên đoạt huy chương SEA Games còn bị bạc đãi đến cùng cực kia mà. Ở Hà Nội, vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Nụ từng đoạt huy chương bạc SEA Games chấn thương trong tập luyện, thi đấu “được” lãnh đạo phân công đi nhổ cỏ. Phản ứng là ngay lập tức bị bắt làm kiểm điểm, doạ cho nghỉ việc.

Chuyện này cũng là chuyện không đùa.

Chuyện 3

Nhưng, như Nụ vẫn còn là may bởi dù sao cũng được hít thở không khí sân tập chứ như vận động viên bóng chuyền Vũ Thị Huệ ở Quảng Ninh còn thảm hơn. Góp phần giúp bóng chuyền Quảng Ninh vô địch Quốc gia, đã từng vào đội tuyển, chị Huệ bị chấn thương năm 2010 khi làm công tác huấn luyện. Sau 25 năm cống hiến cho thể thao, bất chấp chị đang là trọng tài bóng chuyền Quốc Gia và đang trong quá trình chữa trị chấn thương, lãnh đạo trung tâm huấn luyện thể thao Quảng Ninh phân công chị Huệ nhiệm vụ mới: “Dọn vệ sinh, quét rác, đun nước”. Chi chịu không nỗi buồn tủi khi các học trò nhìn thấy và hỏi: “Ủa sao cô làm việc này?”, trong khi ông Nguyễn Đình Thuỷ – giám đốc trung tâm trả lời ráo hoảnh: “Trước chị Huệ, Quảng Ninh đã có trường hợp Nguyễn Thu Hương cũng là huấn luyện viên nhưng sau đó về làm tạp vụ. Chị Huệ không phải huấn luyện viên đầu tiên được phân công làm tạp vụ. Quét rác, dọn vệ sinh là chuyện bình thường”. Chị Huệ đành xin nghỉ.

Lại là chuyện không đùa.

Chuyện n...

Còn nhiều lắm những trường hợp vận động viên “bị phụ” sau khi vắt kiệt sức thời tuổi trẻ cho thể thao, chuyện bất công, chuyện lãnh đạo vô tâm... Nếu kể hết chắc không thể ở mục “chuyện đêm nay” mà có khi phải là “1001 đêm” mới xuể. Chợt nhớ, ông Mai Liêm Trực khi còn là chủ tịch VFF, đã nói, “Bóng đá, thể thao phản ánh bộ mặt của xã hội” mà buồn.

SGTT
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới