Mới nhất tại TP.HCM, Phạm Văn Mách (cử tạ) và Vũ Thị Hương (điền kinh) là những người đầu tiên đã nhận được trong tay bản hợp đồng mua nhà theo một chương trình ưu đãi hỗ trợ. Sự kiện ấy,phần nào khiến nhiều VĐV cảm thấy ấm lòng và yên tâm hơn khi cống hiến cho sự nghiệp thể thao vốn lâu nay bị coi là "bạc bẽo".
Mơ về "ngôi nhà cùng những đứa trẻ"…
Vũ Thị Hương cùng Phạm Văn Mách không phải là những cái tên xa lạ gì trong làng thể thao. Nếu như trên đường chạy điền kinh, Hương được mệnh danh là "nữ hoàng" với những cú nước rút thần tốc từng mang về nhiều HCV SEA Games, HCB Asiad thì trên sàn biểu diễn thể hình, Mách cũng tạo ấn tượng không kém khi vô địch liên tiếp tại các giải đấu, đại hội thể thao khu vực. Bước ra sân chơi châu Á, thế giới, hạng cân 65kg sở trường cũng nhiều lần giúp Mách mang vinh quang cho Tổ quốc. Nhưng điều nghiệt ngã là đến trước khi được chọn lựa tham gia chương trình hỗ trợ mang tên "Tiếp sức vô địch - nhà ở" của một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, cả Mách và Hương vẫn phải vật lộn với bài toán "an cư".
Vũ Thị Hương là một trong hai VĐV được mua nhà theo chương trình ưu đãi. Ảnh: Minh Hoàng
Nhiều năm cống hiến cho TPHCM rồi về đầu quân cho An Giang, Phạm Văn Mách hiện vẫn phải đi thuê nhà cho vợ con, gia đình. Trong khi đó, Vũ Thị Hương đầu năm 2011 từng tiết lộ cô phải dành toàn bộ số tiền lương, thưởng tích cóp được từ ngày lên đội tuyển để mua một mảnh đất nhỏ xíu tại Long Biên (Hà Nội). Tuy nhiên, diện tích chật hẹp của mảnh đất này cũng chẳng đủ cho vợ chồng Hương sinh hoạt một cách thoải mái. Mua được nhà vẫn là khát khao cháy bỏng của "nữ hoàng điền kinh".
Giờ, Hương và Mách sẽ được mua một căn hộ chung cư cao cấp với giá gốc. Thêm vào đó, nhờ sự hảo tâm của doanh nghiệp, họ còn được hỗ trợ tối đa 16% tổng giá trị. Toàn bộ số tiền được trả góp dựa trên lương và thu nhập từ thưởng thi đấu của VĐV. Giấc mơ có một căn nhà và cuộc sống sinh hoạt đầy đủ tiện nghi, vậy là sắp thành hiện thực với hai nhà vô địch của thể thao Việt. Trách nhiệm ngành thể thao Mừng cho Mách, cho Hương và cũng thấy hy vọng nhiều hơn cho đời thể thao cay cực của các VĐV nước nhà. Đơn vị tổ chức công bố: Họ đã kéo dài chương trình trong 6 ngày cuối tháng 3 vừa qua và còn tổ chức tư vấn công khai tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia II (Thủ Đức - TPHCM). Thông qua thời gian tư vấn và nhận hồ sơ trực tiếp ấy, thêm nhiều VĐV khác cũng đã được hưởng niềm vui được mua căn hộ cao cấp với giá ưu đãi giống như trường hợp của Hương và Mách. Vui thì đương nhiên nhưng vẫn thấy chạnh lòng bởi những chương trình như trên còn quá ít ỏi. Xem ra vai trò của lãnh đạo ngành thể thao trong việc này vẫn hết sức mờ nhạt. Nghề VĐV, bấy lâu nay vẫn bị coi là bạc và cay cực. Ngay cả những nhà vô địch như Duy Bằng (nhảy cao) đến lúc giải nghệ còn phải đôn đáo với nỗi lo "chốn chui ra, chui vào".
Theo tìm hiểu: Chương trình ưu đãi nói trên hoàn toàn xuất phát từ ý tưởng của doanh nghiệp. Nó chỉ gói gọn trong khuôn khổ một chương trình riêng lẻ, ngắn hạn và rõ ràng, không đủ giải quyết "bài toán" nhà ở vốn lâu nay nhức nhối của làng thể thao Việt Nam. Những mô hình xã hội hóa như trên rất cần nhân rộng và chắc chắn, còn không ít doanh nghiệp khác sẵn lòng chung tay với ngành thể thao. Sự kiện Mách, Hương được mua nhà cùng chương trình hỗ trợ ưu đãi, rõ ràng là tín hiệu mừng cho các VĐV thể thao nước nhà nói chung. Vấn đề nếu tiếp tục với sự bị động, hay nói thẳng ra là "há miệng chờ sung" như hiện tại, ngành thể thao sẽ bỏ phí một nguồn quan trọng giúp đỡ các VĐV của mình