NAM GIỚI » Môn khác

Hướng đến Olympic 2012: Vẫn chỉ là hy vọng!

Thứ ba, 26/07/2011 10:00

Sau tấm 2 HCB lịch sử tại Olympic 2000 và 2008 ở môn taekwondo và cử tạ, nguy cơ trắng huy chương đang hiện ra rất rõ với Thể thao Việt Nam tại Thế vận hội năm tới.

Chờ đợi may mắn

11 năm trước, tấm HCB của Hiếu Ngân ở môn taekwondo khiến TTVN mở mày mở mặt. Sau thành công ấy, ngành TDTT đã quyết tâm hơn rất nhiều trong việc đầu tư mạnh tay để chinh phục đấu trường Thế vận hội. Thế nhưng, cũng phải đến 8 năm sau TTVN mới lại có thêm tấm HCB nữa sau khi sản sinh ra 1 “quái kiệt” ở môn cử tạ, lực sĩ Hoàng Anh Tuấn. Ngôi á quân của Hoàng Anh Tuấn ở hạng 56kg đã giúp đoàn TTVN đứng hạng 71 trong tổng số 87 đoàn giành huy chương, tức là còn xếp trên hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ khác tham dự đại hội. Song, nhìn nhận thành tích được xem là ấn tượng này để cho rằng thể thao nước nhà đã có bước tiến mạnh có lẽ là sai lầm. Hành trình của TTVN mang tới sân chơi Olympic vẫn quá nghèo nàn khi đa số các VĐV tham dự đều ở dạng... đặc cách. Những gương mặt được xem là sáng giá nhất như: Kiến Quốc (bóng bàn), Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Tiến Minh (cầu lông), Quý Phước (bơi), Minh Thành (bắn súng), Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng (điền kinh)... nếu có vé tham dự (mới chỉ có Quý Phước và Tiến Minh là chắc chắn) đều chỉ thi đấu với mục đích vượt qua chính mình bởi trình độ và bản lĩnh còn quá chênh lệch với đối thủ. TTVN chưa có mũi nhọn thực sự để có thể yên tâm với ít nhất một vài tấm huy chương, bất kể là màu gì. Nhìn sang các nước trong khu vực, Thái Lan có boxing, chạy tiếp sức; Philippines có quyền Anh, Indonesia, Malaysia có cầu lông, đua thuyền... đều mang về nhiều huy chương tại các kỳ Thế vận hội. Lần nào cũng vậy, chúng ta tham dự Olympic chủ yếu với tâm lý trông chờ may mắn hơn là tự tin vào khả năng của chính mình. Và hy vọng

Sau thành công nhất định ở Asian Games 16 với các nội dung Olympic (lần đầu tiên có 5 nội dung Olympic đoạt huy chương), ngành TDTT mạnh dạn đặt mục tiêu góp mặt khoảng 30 VĐV lọt qua vòng loại Olympic 2012. Thế nhưng, dường như những tính toán của những nhà quản lý có vẻ khá chủ quan mà không lường được hết rủi ro. TTK kiêm Phó CT UB Olympic Hoàng Vĩnh Giang thừa nhận: “Trong bối cảnh chúng ta đã mất Hoàng Anh Tuấn vì án kỷ luật, wushu cũng không được đưa vào chương trình thi đấu, TTVN chỉ dừng lại ở mức hy vọng mà thôi, dù chúng ta đã có những điểm sáng tại Asian Games 16”.

Quả thực, từ Asian Games đến Olympic luôn là một chặng đường dài nhiều gian nan, thử thách, không dễ để biến giấc mơ thành hiện thực. Điền kinh chúng ta khả năng có 2 vé vượt qua vòng loại của Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng. Nhưng những thành tích mà 2 VĐV này dù được đẩy cao hơn nữa, cũng chỉ vẫn ở tầm châu lục nên cơ hội giành huy chương là gần như không thể. Chúng ta vẫn còn đó những gương mặt ở bơi lội, cầu lông, bắn súng, vật nữ... ngoài ra còn 1 vài gương mặt khác ở taekwondo, judo, TDDC, cử tạ... nhưng tất cả vẫn đang trầy trật tìm kiếm tấm vé vượt qua vòng loại chứ nghĩ gì tới việc giành huy chương tại Thế vận hội. 4 năm qua, TTVN vẫn chưa xác định một cách chính xác, đâu là thế mạnh thực sự có thể đủ tranh chấp huy chương ở sân chơi thể thao số 1 hành tinh này để từ đó xây dựng một hệ thống đào tạo, huấn luyện phù hợp, khoa học để duy trì thế mạnh ấy. Vì thế, mục tiêu có huy chương tại Olympic vẫn luôn là 1 bài ca hy vọng với TTVN.

Thể thao TPHCM