Lênh đênh trên sông nước
Từ nhỏ đến lớn, anh chàng kình ngư đặc biệt này đã quen được người ta gọi như thế. Nói là tên cũng được, mà là biệt danh cũng không sai, bởi Tùng chẳng khác nào một “anh chàng đại dương” giữa mênh mông sông nước miền Tây. Với Tùng, khoảnh khắc mạnh mẽ nhất, tự do nhất có lẽ cũng chính là lúc được hòa mình vào con nước, được vẫy vùng trong những động tác bơi giờ đã thành thuần thục, tạm quên đi những bất hạnh mà cuộc đời đã giáng xuống anh từ khi Tùng mới chỉ là một chú nhóc.
Hai tuổi, đôi chân Tùng bắt đầu teo tóp lại sau trận sốt thập tử nhất sinh. Kiên trì trong nước mắt, ba mẹ Tùng đã tập cho cậu đi lại bằng những vật dụng gỗ. Sáu tuổi, khi con người ta tung tăng đi mẫu giáo, hai ông bà già ngắm con chập chững từng bước mà mừng mừng tủi tủi, nghĩ đến ngày Tùng có thể tự đi lại như bao người khác là phúc lắm rồi.
Có ai ngờ cậu bé con ngày ấy bây giờ đã là “chàng trai vàng” của thể thao người khuyết tật cả nước. Những năm tháng gian khó cộng với đôi chân không lành lặn đã không thể đánh gục Tùng, mà ngược lại, anh đã chiến thắng bản thân bằng sức mạnh của nghị lực đáng trân trọng. Ánh mắt xa xăm buồn, anh kể về tuổi thơ lênh đênh trên sông nước cùng gia đình phiêu dạt làm thuê, được ba dạy cho từng động tác bơi đầu tiên, về những trưa ngồi đập sắt bên bễ lò rèn phụ ba, về ông hiệu trưởng già đã giúp anh trở lại trường học sau khi anh nghỉ giữa chừng vào năm lớp tám. Chính cuộc sống khắc nghiệt từ rất sớm ấy đã giúp Tùng vượt qua tất cả, đã dạy cho anh biết rằng, trên cõi đời này, có thể có những con người khuyết tật, nhưng không có những trái tim và trí óc khuyết tật. Và những trái tim, trí óc ấy hoàn toàn có thể trở thành tài năng của xã hội, như chính bản thân Tùng.
Chàng kỹ sư mê bơi lội
Không quá hiếm những người khuyết tật học hành tài giỏi, nhưng với Thanh Tùng, có lẽ người ta phải thực sự ngưỡng mộ cách anh đến với tấm bằng đại học. Tốt nghiệp cấp 3, Tùng không thi đại học ngay mà anh quyết định học trung cấp điện tử tại Cần Thơ, phần vì để được gần gia đình, phần vì gánh nặng kinh tế. Sau khi đã đi làm một thời gian mà vẫn bấp bênh, anh mới quyết định học lên đại học công nghệ thông tin phân hiệu ở Cần Thơ, chuyên ngành Điện tử viễn thông. Những năm tháng sinh viên, đối với Tùng mà nói, sẽ là khoảng thời gian chẳng thể nào quên được trong cuộc đời mình, bởi nó chất chứa nhiều kỷ niệm đắng cay. Gia đình khó khăn, Tùng phải vừa bươn chải kiếm sống vừa học hành cho bằng bè bằng bạn. Ở nhờ nhà chị Hai (đã có chồng), mỗi cuối tuần thay vì về nhà để xin tiền ba mẹ như những sinh viên khác, Tùng lặng lẽ đạp xe đi làm thêm. Tưởng như chẳng có việc gì chưa qua tay chàng trai miền Tây có nụ cười hiền lành ấy, cho đến ngày anh lấy được tấm bằng tốt nghiệp đại học.
Võ Thanh Tùng với tấm HCV quý giá ở Asian Para Games 2010 tổ chức ở Quảng Châu, Trung Quốc
Học thêm nghề sửa điện thoại di động, Tùng nghĩ thấu đáo: “Bản thân mình sức khỏe không tốt, không thể làm tốt những việc nặng nhọc, nên nghề sửa điện thoại có vẻ là lựa chọn hợp lý nhất”. Với cách suy nghĩ rất có trách nhiệm với bản thân và gia đình, Tùng luôn xoay xở khéo léo để có thể tận dụng thời gian tối đa, chăm chỉ kiếm tiền. Hiện tại, nghề sửa điện thoại, cộng thêm việc dạy bơi vào buổi chiều cho các em nhỏ không chỉ giúp chàng kỹ sư đặc biệt này có thể kiếm được khoản tiền đủ trang trải mỗi tháng, mà còn là một niềm vui bình dị không dễ diễn tả. Khoản tiền đó không chỉ đã nuôi sống chính anh, mà với cả gia đình, đó còn là một chỗ dựa thật sự, khi mẹ anh mỗi ngày vẫn đang bị những con đau tim hành hạ, và ba anh cũng không còn khỏe nữa.
Mất việc vì thi đấu
Bắt đầu thi đấu từ năm 2005, Tùng tập quen dần với cảm giác xa nhà, và tệ hơn nữa là mất việc. Mỗi năm, trung bình một giải quốc nội, hai giải quốc tế đã ngốn của anh đến mấy tháng trời nên mất việc là chuyện chẳng có gì lạ. Tùng lại lận đận tìm công việc mới, để rồi lại tiếp tục bị mất việc vào mùa giải kế tiếp. Tuy vậy, với bản tính hiền lành, Tùng không than thân trách phận. Ở nụ cười hiền lành ấy, người ta tìm thấy một bản lĩnh cứng cỏi không dễ gì xô ngã bởi bão tố cuộc đời. Tùng bảo anh chẳng mơ ước gì lớn lao cả, chỉ mong sao mẹ khỏi bệnh. Hiện tại, Tùng đã xây lại nhà cho ba mẹ, nhưng anh vẫn canh cánh bên lòng nỗi lo của đứa con út hay xa nhà. Vì vậy, khi đi thi đấu, việc chăm sóc mẹ, Tùng đành nhờ cả vào chị Hai và anh rể. Lần đi Asian Para Games vừa rồi, giành chiếc HCV đầu tiên cho đoàn Việt Nam, Tùng gọi về thì hay tin mẹ anh nhập viện. May mà anh rể hiểu chuyện, bảo mẹ không sao và động viên Tùng giữ vững tinh thần thi đấu. Ngay ngày hôm sau, Tùng lại về nhì ở cự ly 100m, đem về thêm một HCB cho bảng thành tích của đội nhà.
Tháng 7 này, Tùng lại đi. Chàng trai mang cái tên gắn liền với sông nước miền Tây - Tùng Dương - lại bắt đầu cho những chặng đường mới trong hành trình chinh phục chính bản thân mình bằng giải vô địch thế giới, sau đó là giải vô địch quốc gia và Para Games ở Indonesia. Những chuyến đi giờ đã trở nên quen thuộc với Tùng, và hơn ai hết, Tùng biết rằng anh chắc chắn sẽ không trở về tay không, bởi bên trong con người ấy, sức mạnh của bản lĩnh sẽ đốt cháy tất cả mọi trở ngại trên hành trình.
Và thế, việc gặp lại chàng kình ngư đặc biệt này thêm lần nữa, với những chiếc huy chương mới trong sự nghiệp thể thao của anh hẳn sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.