Từ “thuốc thử liều cao”...
Quy tụ đến 7 đội bóng nước ngoài, đây được xem là lần tổ chức có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của VTV Cup. Các nhà tổ chức đã mạnh dạn nâng chất cho giải bằng cách mời những đối thủ khá mạnh của khu vực. Đây chính là loại “thuốc thử” có liều lượng cao cho tuyển nữ VN - ĐKVĐ VTV Ferroli Cup 2010, trước khi xuất chinh tham dự Giải vô địch châu Á 2011 vào tháng 9 và SEA Games 26 cuối năm nay. Trước giải, các học trò của chuyên gia người Trung Quốc Qiao Yu Chuan đang trong thời kỳ khó khăn về mặt lực lượng so với các mùa giải trước.
Điều đáng quý là từ nỗi lo ấy, các nhà quản lý bóng chuyền VN có được cái nhìn khác trong cuộc cách tân để tiến nhanh hơn. Rõ ràng, tuy không thể giữ được Cúp ở lại VN nhưng tuyển nữ VN đã phát huy tối đa khả năng hiện tại ở giải đấu này. Quan trọng hơn, những đại diện đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên đã cho giới chuyên môn của BCVN có góc nhìn cận cảnh về các nền bóng chuyền tiên tiến của châu lục.
... Đánh giá thực lực hiện tại
Nếu sánh về sức mạnh tấn công, tuyển VN với những Ngọc Hoa, Kim Huệ, Đỗ Thị Minh, Phạm Thị Yến, Bùi Thị Huệ... có thể không kém cạnh so với người Thái. Thế nhưng, kể cả quá khứ 5 - 7 năm nay và trong thời gian trước mắt, bóng chuyền nữ VN vẫn bị “cái bóng” sừng sững của tuyển Thái Lan án ngữ trước mặt. Điều dễ thấy nhất ở những tên tuổi lớn như CLB Chang (Thái Lan), Thiên Tân - Trung Quốc, Sinh viên Nhật Bản hay Bắc Kinh - Trung Quốc là hầu hết cầu thủ có kỹ thuật cá nhân khá hoàn hảo và đặc biệt, chiến thuật phòng thủ (một trong những điểm yếu nhất của bóng chuyền VN) được tổ chức rất chặt chẽ, bài bản. Điều lớn nhất có thể cảm nhận một cách đầy đủ là, nếu như điểm yếu cố hữu của các đội bóng VN tập trung ở khâu chắn bóng, đỡ chuyền 1, chiến thuật phòng thủ chưa thật hợp lý và kỹ năng của các tay chuyền hai còn hạn chế, thì các đội bóng “lớn” từng có mặt ở những giải Cúp các CLB nữ châu Á hay VTV Sun Group Cup đều thể hiện nó một cách tuyệt vời. Bởi thế, nhìn libero Iwanaga (3, SV Nhật Bản) với những pha cứu bóng đẹp mắt và hiệu quả trên sân, hoặc những tay chuyền hai cự phách như Yamaguchi (7, SV Nhật Bản), Min OK Ju (CHDCND Triều Tiên)... với đường chuyền tốc độ cao ở hai biên cùng động tác nhảy chuyền nhằm giảm thiểu tối đa tay chắn đối phương, giúp cho đồng đội dứt điểm ở khu vực giữa lưới theo xu thế của bóng chuyền hiện đại, nhiều người phải xuýt xoa “giá như tuyển VN có thêm những điều còn thiếu ấy!”
So với bóng chuyền nữ Thái Lan đang bước vào giai đoạn khủng hoảng VĐV kế thừa sau thế hệ của những Pleumjit, Wilawan, Onuma, Omporn... thì VN vẫn còn những gương mặt trẻ có thể hình tốt, đầy tiềm năng như Trà Giang (Vietsov Petro), Thu Hòa, Đào Thị Ly (NHCTVN), Đinh Thị Hương, Minh Nhâm (PKKQ), Ngọc Diễm (THVL), Linh Chi, Ly Linh (Thông tin Liên Việt Bank)... Khi đã đánh giá đúng thực lực, có lẽ việc đặt niềm tin mạnh mẽ vào lứa kế cận sẽ giúp cho các nhà quản lý có thêm nhiều giải pháp để tiếp cận tới thành công sớm hơn.