NAM GIỚI » Môn khác

Nhìn lại giải VĐ Vovinam TG 2011: Hãy bắt đầu ngày mai từ hôm nay

Thứ năm, 04/08/2011 09:28

Tối 30/7, sau 3 ngày tranh tài sôi nổi, giải VĐTG lần thứ 2 đã hạ màn tại NTĐ Phú Thọ (TPHCM) với ngôi vô địch toàn đoàn thuộc về Việt Nam – quốc gia sản sinh môn võ thuật này với 20 HCV, 4 HCB và 2 HCĐ.

Tối 30/7, sau 3 ngày tranh tài sôi nổi, giải VĐTG lần thứ 2 đã hạ màn tại NTĐ Phú Thọ (TPHCM) với ngôi vô địch toàn đoàn thuộc về Việt Nam – quốc gia sản sinh môn võ thuật này với 20 HCV, 4 HCB và 2 HCĐ.

Vị trí á quân thuộc về Iran (6, 2, 3) và hạng ba là Pháp (4, 3, 11). Xếp thứ tự tiếp theo là Lào (3, 4, 5), Campuchia (1, 8, 3), Algeria (1, 6, 0), Indonesia (1, 5, 3), Italia  (1, 4, 8), Romania (1, 3, 1), Nga (1, 1, 5), Ấn Độ (0, 0, 5), Đức (0, 0, 4), Đan mạch, Morocco (0, 0, 2) và Ba Lan, Belarus (0, 0, 1). Việc có đến 16 quốc gia giành được huy chương tại giải (10 quốc gia có HCV) một lần nữa khẳng định sự phát triển ngày càng rộng và sâu trên bản đồ vovinam thế giới.

Đổi mới để hấp dẫn

Theo Tổng thư ký Liên đoàn Vovinam thế giới (WVVF) Võ Danh Hải, chất lượng của giải được nâng lên cao một phần do những cải tiến về luật lệ, cách thức điều hành đã tạo nên một cuộc chơi công bằng. Từ sự thay đổi mang tính chiến lược này đã giúp nâng cao chất lượng chuyên môn lên rất nhiều. Ở nội dung đối kháng, hầu hết các trận đấu đều khách quan nhờ cách chấm điểm công khai bằng bảng điểm điện tử; quy định bắt buộc các võ sĩ phải thực hiện đòn chân tấn công đặc trưng của vovinam đã làm các cuộc so tài trở nên đẹp mắt và mang đậm nét riêng của võ Việt Nam. Việc không có một khiếu kiện nào đã cho thấy sự đổi mới cung cách thi đấu là hoàn toàn hợp lý.

Vovinam 2011 khép lại với nhiều ấn tượng và kỷ niệm đẹp đối với các VĐV . Ảnh: Intenet

Trong khi đó ở nội dung quyền, những tiêu chí chấm điểm được phân loại cụ thể, chi tiết nên đã không bỏ sót một tài năng nào. Các môn đồ vovinam trong và ngoài nước đều hài lòng với công sức luyện tập của mình và khán giả theo dõi trực tiếp tại NTĐ Phú Thọ hay qua các phương tiện truyền thông có dịp mãn nhãn với những màn đọ tài đỉnh cao. Ở một số nội dung từng là thế mạnh của Việt Nam, võ sĩ của một số quốc gia như Italia, Pháp và ngay cả Lào cũng đã tiến bộ vượt bậc để so kè từng điểm số nhỏ cũng cho thấy sự phát triển có chất lượng của phong trào vovinam quốc tế trong thời gian gần đây.

Vững chắc ngày mai

Nhìn từ sự thăng tiến vượt bậc của các đoàn có truyền thống như Pháp, Italia, Nga, Algeria…, sự bùng nổ của các thành viên vovinam châu Á như Iran, Ấn Độ hay sự tỏa sáng hơn mong đợi từ các quốc gia Đông Nam Á là Lào, Indonesia, Campuchia, những ai yêu mến môn vovinam hoàn toàn có thể tin chắc về một tương lai xán lạn.

“Nhưng dù sao, thành công của giải vừa qua cũng như sự hình thành các tổ chức liên đoàn cấp thế giới đến từng châu lục, khu vực trong thời gian qua vẫn chỉ là những bước khởi đầu của một con đường dài” – PCT WVVF Lê Quốc Ân chia sẻ. Thách thức vẫn còn rất lớn nếu muốn vovinam phát triển rộng khắp hơn trên thế giới, nhất là mục tiêu tiệm cận cánh cổng Asian Games và Olympic. Vì thế, theo Chủ tịch WVVF Nguyễn Danh Thái, ngoài nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh giới thiệu và quảng bá với bè bạn quốc tế, thì mục tiêu quan trọng là vận động Ủy ban Olympic Quốc tế công nhận vovinam là môn thể thao chính thức ở các kỳ tranh tài quốc tế. Về chuyên môn, cần chuẩn hóa hơn nữa về luật lệ cũng như kỹ thuật sao cho phù hợp với tiêu chí của một môn thể thao Olympic, nhằm có nhiều thuận lợi hơn trong việc phát triển rộng khắp, rồi từng bước tiếp cận những đấu trường thể thao lớn của thế giới.

TTTP
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới