NAM GIỚI » Môn khác

‘Những cô gái chân dài’ chia tay ĐT sau SEA Games 26

Thứ bảy, 29/10/2011 10:02

Sau SEA Games 2011, không loại trừ một số cựu binh (nổi bật là Bùi Thị Huệ) sẽ chia tay đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam, mở ra thời kỳ chuyển giao khó khăn cho ĐT.

Tham dự SEA Games 26 năm nay, đội nữ sẽ không có sự góp mặt của chủ công “tay chiêu” Đinh Thị Diệu Châu, khi chị đã giải nghệ. Niềm hy vọng của đội vẫn được đặt vào những cựu binh là Kim Huệ, Phạm Thị Yến, Bùi Thị Huệ, Ngọc Hoa…

Chủ công “tay chiêu” Đinh Thị Diệu Châu đã giải nghệ để chăm lo cho gia đình

Nỗi lo lớn nhất của đội tuyển là chấn thương dai dẳng của chủ công Phạm Thị Yến đã được giải tỏa khi chị đã hoàn toàn hồi phục phong độ. Chuẩn bị cho SEA Games 26 đội tuyển nữ đã tập huấn ở Trung Quốc và trở về Việt Nam vào ngày 23/10 vừa qua. Đối thủ chính trong việc tranh chấp tấm HCB SEA Games sắp tới sẽ là Indonesia và Phillippines.

Khác với tuyển nam, đội bóng chuyền nữ Việt Nam cứ đến SEA Games là cầm chắc tấm HCB. Từ vài kỳ SEA Games gần đây, đội nữ gần như chỉ có một mục tiêu là bảo vệ tấm HCB, Thái Lan đã đạt đến đẳng cấp thế giới và đoạt HCV ở 16/17 kỳ SEA Games gần đây. Năm nay, đội tuyển nữ tạo được bước “đột phát” là được dẫn dắt bởi HLV người Trung Quốc, Quiao Yu Chuan người đã có hơn 30 năm kinh nghiệm làm công tác huấn luyện.

Chủ công Bùi Thị Huệ (14) nhiều lần xin rút khỏi ĐTQG

Tuy nhiên, đội nữ hiện nay đang có một nỗi lo hiện hữu là công cuộc chuyển giao thế hệ chưa được diễn ra trọn vẹn. Thế hệ những VĐV trẻ hiện nay như Đinh Thị Hương, Nguyễn Thị Xuân, Trà Giang, Thu Hòa, Đỗ Thị Minh… phải mất một thời gian nữa mới có thể gánh vác trách nhiệm mà các đàn chị để lại.

Đáng chú ý, sau SEA Games 2011, không loại trừ một số cựu binh (đặc biệt là Bùi Thị Huệ) sẽ chia tay đội tuyển. Chưa kể, hợp đồng với HLV Quiao Yu Chuan sẽ hết sau SEA Games và với cách làm “thời vụ” của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam không chắc ông sẽ được ở lại để tạo nền cho một sự phát triển căn cơ của bóng chuyền nữ. Điều đó mở ra tương lai mông lung cho bóng chuyền nữ VN.

Từng vắng mặt ở kỳ SEA Games 24 sau những chấn thương dai dẳng và lập gia đình, bận nuôi con nhỏ, hoa khôi Phạm Kim Huệ đã trở lại với bóng chuyền từ tháng 8/2009, nhưng rất khó để một cựu binh "tuổi băm" phát huy hết khả năng tại SEA Games sắp tới

Bóng chuyền nam đứng dậy tại nơi xuất phát

Đang có dấu hiệu giậm chân tại chỗ, vì thế SEA Games này là cơ hội tốt để bóng chuyền nam Việt Nam tạo nên một sức bật mới

Cách đây 4 năm tại SEA Games 24- 2007, ĐT bóng chuyền nam đã tạo nên cơn địa chấn khi hạ gục Thái Lan ở bán kết với sự xuất sắc của chủ công Ngô Văn Kiều. Nhưng sau cột mốc đáng nhớ đó, bóng chuyền nam đã trở về vạch xuất phát, trắng tay tại kỳ SEA Games 2009. Đối thủ của chúng ta không chỉ có Thái Lan, Indonesia mà còn có cả Myanmar, đội đã thắng Việt Nam tại SEA Games 25, ASIAD 16 và cả giải vô địch Châu Á năm nay.

Năm nay, mục tiêu của bóng chuyền nam chỉ là một tấm huy chương bất kể màu gì. Ngoài Thái Lan và Indonesia nhỉnh hơn, chỉ cần tuyển Việt Nam hạ gục đối trọng Myanmar là mục tiêu gần như sẽ được hoàn thành. Hy vọng của đội sẽ dồn cả vào những gương mặt cũ. Chủ công cao 1m96, Ngô Văn Kiều vẫn là điểm tựa lớn nhất cho toàn đội. Trợ giúp đắc lực cho anh sẽ là chủ công Nguyễn Hữu Hà của Đức Long-Gia Lai vừa trở lại ĐTQG sau hơn 1 năm bị “treo tay”. Hỗ trợ cho họ là hàng loạt tay đập khác như Lê Quang Khánh, Lê Bình Giang, Bùi Văn Hải rồi Nguyễn Hoàng Quốc Huy (Long An), Phạm Phùng Thanh Hải (S.Biên phòng).

Chủ công Ngô Văn Kiều

Trên băng ghế chỉ đạo, ông Nguyễn Mạnh Hùng được tin tưởng giữ chức HLV trưởng sau khi kế hoạch “thuê” thầy ngoại đổ vỡ. Chính ông là người có công lớn nhất khi tạo ra bước ngoặt lịch sử vào năm 2007. Dưới bàn tay của “tướng” Hùng, người hiểu và biết phát huy điểm mạnh cũng như là chỗ dựa tinh thần cho các học trò, sẽ là điểm tựa để bóng chuyền nam Việt Nam có thêm hy vọng.

Khó khăn cho đội hiện tại là Văn Kiều (chấn thương bàn chân) và Hữu Hà (gãy xương ngón tay) đều chỉ mới bình phục và không chắc sẽ đạt phong độ tốt nhất tại SEA Games tới. Bên cạnh đó, phụ tá rất ăn ý với tướng Hùng là Trần Minh Khang (HLV của đội bóng chuyền nữ Xây lắp Dầu khí Thái Bình Dương) từ chối lên tuyển. Chuẩn bị cho SEA Games 26, đội nam đã chọn Trung Quốc làm địa điểm rèn quân.

BĐVN