Đếm cua trong lỗ
Ngay khi Quý Phước bất ngờ có tấm vé đầu tiên tham dự Olympic 2012, TTK UB Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang đã khẳng định, TTVN hoàn toàn đủ khả năng hoàn thành chỉ tiêu đề ra.
VĐV Quý Phước. Ảnh: Internet
Thế nhưng, đếm đi đếm lại, những suất gần như chắc chắn nhất cũng chỉ khoảng vài gương mặt. Cụ thể, điền kinh (2), cầu lông (1), vật nữ (1), taekwondo (1). Ngoài ra, những môn khác cũng có thể có suất tham dự như: đấu kiếm, bắn súng, cử tạ, judo, bóng bàn, boxing (1). Tuy nhiên, ngoài trừ bơi lội và cầu lông đã chắc chắn thì tất cả những môn trên đều tính trên phương án 50-50. Chẳng hạn như bắn súng có thể có, nhưng sau 2 vòng loại liên tiếp tại Hàn Quốc và Mỹ, thành tích cao nhất cũng chỉ là xếp thứ 5. Hiện tại ĐT bắn súng chỉ còn lại giải duy nhất vào đầu năm sau để giành vé tham dự Thế vận hội. Tương tự là taekwondo, cử tạ... cũng chỉ còn lại 1 giải để có thể giành vé. Có quá ít gương mặt có thể chắc chắn giành suất, nhưng UB Olympic vẫn đặt chỉ tiêu tới 30 suất thì kể cũng thiếu cơ sở thật. Thậm chí, mục tiêu của UB Olympic VN đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi gần đây, “phong trào” bỏ tuyển cùng phong độ thiếu ổn định của các VĐV đang ngày một xuất hiện nhiều. Ngọc Tú (judo) thua sớm tại Nga, Hoài Thu (taekwondo), Hữu Việt (bơi), Kiến Quốc (bóng bàn) cũng đang gặp những vấn đề khác nhau về chấn thương. Trong khi đó, cơ hội của các VĐV trẻ như Kim Tuấn (cử tạ), Vũ Thị Trang, Hoàng Hải (cầu lông), Hà Minh Thành (bắn súng)... là không nhiều. Việc đăng ký tới 30 suất là quá sức và khó hoàn thành được. Tất nhiên sẽ có những trường hợp gây bất ngờ như Hoàng Quý Phước (đoạt chuẩn tại giải Malaysia mở rộng hồi tháng 5) nhưng thử hỏi, TTVN có mấy VĐV có khả năng tạo ra sự đột biến như Phước. Từ kế hoạch đến thực tế
Ông Nguyễn Hồng Minh (nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao) nhận xét: “Đó là bản kế hoạch tốt song lại... khó khả thi. Bản kế hoạch được làm khá tỉ mỉ, nhưng đáng tiếc cơ sở để hoàn thành nó lại không có trên thực tế”. Theo ông Minh, những VĐV có khả năng góp mặt tại Thế vận hội mùa hè năm sau mới chỉ dừng lại ở hy vọng, còn việc thành hiện thực hay không còn phải tùy vào thực lực của mỗi người. Điều đáng nói ở đây là việc chuẩn bị cho các giải đấu quốc tế, lẽ ra cần phải lên kế hoạch kỹ lưỡng, nghiêm túc thì trên thực tế, công tác này lại bị coi nhẹ và qua loa. Nếu như ở các quốc gia khác, quá trình chuẩn bị cho các giải đấu quan trọng như Asian Games hay Olympic tối thiểu kéo dài từ 4-8 năm. Còn với VN vẫn tồn tại thực trạng “nước đến chân mới chịu nhảy”. Cụ thể, Asian Games 2010 đã khép lại gần một năm nhưng thực tế là chưa một ai nghĩ đến việc chuẩn bị cho Đại hội thể thao châu Á 2014, rồi việc mùa hè năm sau Olympic 2012 sẽ diễn ra, nhưng phải đến đầu năm 2011, lãnh đạo Tổng cục TDTT mới rục rịch lên kế hoạch chuẩn bị... Chừng đó đủ khẳng định sự thờ ơ trong công tác chuẩn bị, một khâu đặc biệt quan trọng quyết định đến thành công của mỗi giải đấu. Những gương mặt tiêu biểu của TTVN ở thời điểm hiện tại như Tiến Minh, Hoài Thu, Vũ Thị Hương, Đoàn Kiến Quốc, Nguyễn Hoàng Ngân... đều là “sản phẩm” của quá trình đào tạo của 8-10 năm trước. Đáng nói hơn, trong khi tất cả đều đã qua thời kỳ đỉnh cao nhưng những gương mặt đủ sức nối bước họ vẫn chưa thấy đâu. Chỉ tiêu giành 30 suất tham dự Olympic bằng cửa chính xem ra đang trở nên xa vời.