Với tổng điểm 5,5 và thành tích bất bại xuyên suốt giải đấu, kỳ thủ Việt Nam đã bảo vệ thành công ngôi Á quân giải cờ vua Sparkassen Chess-Meeting 2011 tại Dortmund, Đức. Anh đã có những chia sẻ sau thành tích quốc tế đáng tự hào này.
Hòa nhưng vẫn tiến
Theo Liêm, có gì khác nhau giữa vị trí Á quân giải Siêu đại kiện tướng năm 2010 và năm nay?
Năm ngoái, tôi tham dự giải đấu này với tư cách là một kỳ thủ trẻ, các đối thủ khác chưa biết đến nhiều. Do đó, việc tôi giành vị trí Á quân có nhiều yếu tố bất ngờ. Nhưng năm nay lại khác, tôi tham dự trên danh nghĩa là một siêu đại kiện tướng quốc tế, đã nổi tiếng hơn. Do đó, để bảo vệ được ngôi Á quân giải này tôi phải nghiên cứu kỹ càng từng đối thủ để có những đối sách phù hợp. Và dù vẫn chỉ về ngôi Á quân, nhưng tôi thấy mình có tiến bộ hơn hẳn.
Kỳ thủ Lê Quang Liêm.
Nhìn lại giải đấu vừa qua, Liêm có thấy tiếc điều gì không?
Trình độ của các kỳ thủ giải này rất cao, nên việc tôi bất bại cả 10 ván là kết quả ngoài mong đợi. Có một chút đáng tiếc khi tôi cầm quân trắng (đi trước) gặp Wladimir Kramnik ở ván thứ 7. Bởi có thời điểm tôi đã có cơ hội lớn để giành chiến thắng, thế nhưng do còn thiếu kinh nghiệm và bản thân Kramnik chơi thủ quá xuất sắc nên cuối cùng chỉ có một trận hòa. Nếu thắng trận đó, tôi sẽ tiến rất sát đến vị trí dẫn đầu của Kramnik.
Còn ván đấu khiến Liêm thấy “sướng” nhất?
Đó là trận thắng Ponomariov ở ván thứ 5. Trận đấu kéo dài đến hơn 6 giờ đồng hồ và phải hơn 70 nước đi tôi mới hạ được anh ta. Bạn biết đấy, đánh bại nhà đương kim vô địch bao giờ cũng đem lại một cảm giác rất đặc biệt.
Lấy đâu ra 3 tỷ đồng?
Trong làng thể thao Việt Nam Lê Quang Liêm được xem là vua săn giải thưởng. Năm ngoái, anh kiếm được hơn 1 tỷ đồng thông qua các giải đấu, cụ thể: vô địch Giải Aeroflot 2010, Liêm nhận được 21.000 euro tiền thưởng, cộng với 8.000 USD cho HĐC tại giải Matxcơva mở rộng; 7.000 euro tại Giải các siêu đại kiện tướng quốc tế ở Dortmund (Đức); 9500 USD cho chức vô địch Giải cờ vua tưởng niệm cố chủ tịch Fide - Florencio Campomanes tại Philippines cũng như 4.000 USD tiền thưởng từ nhà tài trợ Công ty Phương Trang tại giải vô địch quốc gia 2010.
Năm nay với việc vô địch giải Aeroflot, hạng 4 giải Tata Steel, Á quân giải Dortmund và giải tưởng niệm cố chủ tịch FIDE (Liên đoàn cờ vua thế giới), Capbablanca và thi đấu cho các CLB của Pháp và Trung Quốc, thu nhập của Liêm chắc chắn sẽ không ít hơn năm ngoái. Tuy vậy, Liêm vẫn cho rằng có một số nguồn tin quá đề cao thu nhập thực tế của anh.
Thời gian gần đây, có thông tin Liêm kiếm được không dưới 3 tỷ đồng/năm thông qua các giải đấu. Liêm nghĩ sao về điều này?
(Cười) Nếu được vậy, tôi đã mừng. Các giải đấu mà tôi tham dự trong năm nay phần lớn là những giải đấu mời, không có tiền thưởng mà Ban tổ chức chỉ trả một khoản phí tham dự thi đấu mà thôi. Như tại giải Dortmund vừa rồi, BTC thương lượng với mỗi kỳ thủ về số tiền được nhận để tham dự giải. Chỉ có chức vô địch giải Aeroflot vừa qua tôi nhận được khoảng 20.000 USD cho chức vô địch, cộng với 4.000 USD cho hạng 4 giải Tata Steel tại Hà Lan.
Liêm là một trong số ít VĐV sống khỏe bằng thể thao chuyên nghiệp với khoản thu nhập ổn định, vậy số tiền dành được anh chi tiêu như thế nào?
Hiện tại, tôi chưa có việc gì để dùng đến tiền bạc quá nhiều , cho nên toàn bộ số tiền tôi dành được thông qua các giải đấu trong vài năm qua tôi đều đưa cho bố mẹ giữ hết. Đó như một khoảng tích lũy để tôi làm vốn cho tương lai sau này.
Liêm chụp ảnh cùng các kỳ thủ tại giải Dortmund
“Tôi muốn là một doanh nhân thành đạt”
Mục tiêu của Liêm từ nay đến cuối năm là gì?
Tôi muốn giữ vị trí vững vàng trong tốp 30 của FIDE, sau đó mới nghĩ đến chuyện tiến lên cao hơn. Trước mắt, tôi cố gắng thi đấu thật tốt tại giải vô địch thế giới được tổ chức tại Nga. Hai lần tham dự trước tôi đều bị loại từ vòng 1. Bên cạnh đó, tháng 10 tôi sẽ tham dự SPICE Cup tại bang Texas từ 15 đến 25/10, cũng là một giải mới danh tiếng. Cuối năm, tôi quyết tâm cùng đội tuyển cờ vua Việt Nam đoạt HCV tại SEA Games 26.
Đối với Liêm, có đam mê nào lớn hơn cờ vua hay không?
Tôi đã theo cờ vua được 13 năm và bước đầu thi đấu với tư cách một kỳ thủ chuyên nghiệp nên chẳng có điều gì khiến tôi đam mê, thích thú hơn các quân cờ. Tôi sẽ sống cùng nó cho đến khi nào hết đam mê và cảm thấy không còn phù hợp nữa. Mơ ước lớn nhất của tôi là trở thành một doanh nhân thành đạt trong tương lai gần. Hiện tại, tôi đang là sinh viên năm nhất của khoa Tài chính Ngân hàng trường Đại học Sài Gòn nên hiện tại, ngoài cờ vua tôi vẫn chuyên tâm nghiên cứu về ngành này….
“Bật mí” bí mật của Liêm
Hành trang không thể thiếu: Khi tham dự một giải đấu, Liêm phải mang theo một chiếc laptop, bởi tư liệu của các đối thủ anh đều lưu trong máy. Bên cạnh đó là vài cuốn sách về cờ của những kỳ thủ nổi tiếng.
Thiếu chút nữa bỏ nghiệp cờ: Ít ai lại biết Lê Quang Liêm đã có lần suýt “lỡ hẹn” với nghiệp cờ. Lúc còn nhỏ, một lần vì quá say sưa đọc truyện tranh, Liêm đã để lỡ mất buổi tập cờ ở trung tâm cờ của quận. Ba Liêm nói với cậu con trai khi ấy: “Nếu con không thể bỏ bớt một vài thú vui khác để tập trung vào một thứ mà con đam mê thì con đừng bao giờ chơi cờ nữa”. Vốn nghiêm khác, cha của Liêm đã không chở Liêm đến tập cờ liền mấy ngày sau đó. Chuyện chỉ chấm dứt khi Liêm nhận ra lỗi lầm và hứa sẽ thay đổi. Từ đó, cờ vua đã trở thành lẽ sống của Liêm.
Suýt không bảo vệ được chức vô địch giải Aeroflot: Lê Quang Liêm trở thành kỳ thủ đầu tiên vô địch giải Aeroflot trong 2 năm liền (2010 và 2011), nhưng ít ai biết rằng Liêm suýt chút nữa đã không làm được điều đó chỉ vì…visa. Theo quy định, khi đi thi đấu tại các giải nước ngoài, Lê Quang Liêm phải được nước sở tại cấp visa nhập cảnh. Trước khi tham dự giải Aeroflot tại Nga, Liêm đã tham dự giải Tata Schess ở Hà Lan đến tận ngày 29 Tết mới về. Sau đó, đến mùng 5 Tết, Liêm đã phải lên đường tham dự giải đấu mới. Trong thời gian đó, Đại sứ quán Nga tại TP.HCM- cơ quan có thẩm quyền cấp visa cho Liêm vào Nga, lại tạm nghỉ. Không có visa đồng nghĩa với việc Liêm sẽ không được tham dự giải Aeroflot.
Lúc đó, Liêm và thầy của mình là HLV Lâm Minh Châu đã tận dụng ngày nghỉ tại giải đấu ở Hà Lan, lặn lội hơn 70 km đến Đại sứ quán Nga tại Hà Lan nhờ cấp visa vào Nga. Trước đó, Liêm đã liên lạc với ban tổ chức giải Aeroflot nhờ liên lạc với Bộ Ngoại giao Nga nhờ giúp đỡ. Kết quả, Liêm đã được cấp visa tại Hà Lan và đủ điều kiện thi đấu tại giải Aeroflot.