Lực lượng mỏng
Sau khi Hoài Thu xin rút lui vì chấn thương, taekwondo Việt Nam ngay lập tức rơi vào cảnh khó khăn về lực lượng. Vẫn biết Hoài Thu chia tay là lý do bất khả kháng, nhưng một suất tham dự Olympic được giao cho Thu giờ đây không có ai đủ sức gánh vác. Taekwondo là môn thi đấu đòi hỏi sự dày dặn kinh nghiệm của các võ sĩ.
Võ sĩ Lê Huỳnh Châu (phải) dù được kỳ vọng rất nhiều nhưng vẫn thất bại ở giải vòng tuyển chọn khu vực thế giới diễn ra tại Baku (Azecbaijan). Ảnh: Gia Minh
Trong bối cảnh trẻ hóa lực lượng và sự chia tay của nhiều trụ cột hiện nay, rõ ràng ĐTQG đang có nhiều khoảng trống lớn. Thực tế, tấm HCĐ của võ sĩ Lê Huỳnh Châu (TP.HCM) tại giải VĐTG vừa qua cũng khiến BHL ĐT chờ đợi những bất ngờ từ võ sĩ này tại Azerbaijan. Ngoài Huỳnh Châu, các gương mặt trẻ còn lại như: Dương Thanh Tâm (68kg nam), Diệu Linh (67kg nữ), Hương Giang (49kg)... dù khá được kỳ vọng từ khi đôn lên ĐT nhưng đều có những hạn chế nhất định về trình độ và kinh nghiệm thi đấu. Tất cả đã được phơi bày rất rõ tại giải tuyển chọn khu vực thế giới vừa kết thúc. Người đạt vị trí cao nhất là Lê Huỳnh Châu cũng chỉ vào tới vòng 3, còn lại đều rơi rụng sớm.
Giải thích về những trận thua ngay ở vòng đầu của các võ sĩ Việt Nam, trưởng bộ môn taekwondo Tổng cục TDTT Vũ Xuân Thành cho rằng, các võ sĩ trẻ của Việt Nam thường khó tránh khỏi bị khớp tâm lý. Việc không chiến thắng được chính mình ở những giải đấu lớn khiến họ phải sớm rời cuộc chơi. Do ít được thi đấu cọ xát khiến các võ sĩ không có đủ bản lĩnh để vượt qua khó khăn ban đầu ấy.
Trong khi đó về chuyên môn, các võ sĩ Việt Nam vẫn chưa tận dụng được tối đa những ưu thế của luật mới từ những đòn đánh 3 điểm vì hình thể thua kém. Một không khí lo lắng bao trùm lên cả ĐT khi cơ hội giành vé tham dự Olympic ngày càng xa dần.
Rối tung kế hoạch
Việc taekwondo Việt Nam không giành được thành tích nào đáng kể thời gian qua cho thấy rõ sự đi xuống của môn võ này. Nhiều năm trở lại đây, việc thiếu kinh phí tập huấn, thi đấu nước ngoài đã khiến các võ sĩ gặp rất nhiều thiệt thòi trong việc nâng cao trình độ. Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, những trông chờ vào một sự bứt phá từ cách huấn luyện, những kỹ thuật đánh mới đang trở nên rất vô vọng khi đến thời điểm này, bộ môn taekwondo vẫn chưa có kế hoạch thuê HLV ngoại. Được biết, kinh phí không phải là trở ngại lớn mà là do sau nhiều lần thất bại với các HLV ngoại, ĐT taekwondo đang mất dần niềm tin với các HLV ngoại.
Gần nhất, HLV Kim Jea Sik người Hàn Quốc đã bị cho về nước sau thất bại của ĐT taekwondo tại Asian Games 16. Từng là VĐV lên ngôi vô địch thế giới và có nhiều tâm huyết, nhưng rào cản về ngôn ngữ đã khiến HLV Kim Jea Sik gặp rất nhiều khó khăn trong công việc. Lần đầu tiên chuẩn bị cho SEA Games và sân chơi lớn như Olympic London 2012, taekwondo Việt Nam đặt cả niềm tin vào HLV nội. Tuy nhiên, rõ ràng là gặp nhiều rào cản nhưng HLV ngoại vẫn là cần thiết, ít nhất là việc huấn luyện những chiêu thức hiện đại cũng như luật thi đấu mới.
Sau thất bại tại giải tuyển chọn thế giới lần này, taekwondo chỉ còn lại hy vọng cuối cùng tại giải vô địch châu Á vào cuối năm nay. Theo đánh giá của BHL, khả năng giành vé trực tiếp lọt qua vòng loại vẫn được hy vọng vào 1, 2 gương mặt ở hạng cân trung bình và nhẹ. Đó sẽ là 5 hạng cân của cả nam và nữ: 58kg, 68kg nam và 49kg, 57kg, 67kg nữ. Điều đáng nói, vòng loại Olympic London 2012 cũng trùng với thời điểm diễn ra SEA Games 26 và điều đó lại đặt ra bài toán rằng taekwondo Việt Nam sẽ chú trọng sân chơi nào hơn?
Thật nan giải!