NAM GIỚI » Môn khác

Thể thao Việt Nam 2011: 10 điểm nhấn không quên

Thứ ba, 24/01/2012 09:54

Thể thao Việt Nam (TTVN) đã có một năm thi đấu đáng nhớ với những tấm huy chương thấm đẫm nghị lực, sự cố gắng không ngừng nghỉ của các VĐV. Đặc biệt, SEA Games 26 trên đất Indonesia trở thành nơi ghi dấu nhiều hình ảnh ấn tượng về niềm vui chiến thắng.

1. "Rái cá sông Hàn" dậy sóng đường đua xanh

Cung thể thao dưới nước Jakabaring ở Palembang (Indonesia) trở thành nơi ghi dấu cột mốc vàng của bơi lội Việt Nam khi Hoàng Quý Phước đem về 2 tấm HCV với thành tích 50”79 ở nội dung 100m tự do nam, kình ngư trẻ người Đà Nẵng đã gây choáng váng với những ứng viên hàng đầu của bơi lội ĐNÁ như Yeo Kai Quan (Singapore) hay Triady Fauzi (Indonesia).

Trước đó, tại đường đua 100m bơi bướm, Quý Phước đã để lại dấu ấn mạnh mẽ bằng màn trình diễn tuyệt vời của mình. Xuất phát, tăng tốc tốt, không cho các đối thủ có cơ hội bứt phá, Quý Phước đã về nhất với thành tích 53”07, qua đó phá vỡ kỷ lục SEA Games 53”82 của Daniel Bego (Malaysia) lập tại SEA Games 25. Như vậy, Quý Phước lần đầu tiên đưa bơi lội Việt Nam giành 2 tấm HCV tại một kỳ SEA Games. Hình ảnh Quý Phước bẽn lẽn với nụ cười duyên trên bục huy chương không những khiến các đối thủ trong khu vực nể phục mà đấy chính là sự khởi đầu cho tương lai đầy hứa hẹn với chàng trai vừa bước sang tuổi 18 này. 2. Đôi bạn thân rực sáng

Thể dục dụng cụ đã tạo nên cơn mưa vàng cho Đoàn TTVN tại SEA Games 26 khi giành tới 11  tấm HCV. Trong thành công này, cặp Phan Thị Hà Thanh - Đỗ Thị Ngân Thương đã gây “choáng váng” với giới chuyên môn và NHM nước nhà.

Trước khi đến sân chơi SEA Games, Phan Thị Hà Thanh trở thành VĐV Việt Nam đoạt vé tham dự Olympic London 2012, thế nên VĐV quê gốc Hải Phòng này được “quy hoạch” là mỏ vàng lớn. Không phụ lòng những ai đã kỳ vọng, Hà Thanh đã xuất sắc giành tới 3 HCV cá nhân. Nụ cười tươi rói của cô gái Hải Phòng được tô thắm với 3 lần được hát quốc ca, nhận huy chương vàng như một sự khẳng định ưu tế tuyệt đối của thể dục dụng cụ Việt Nam tại đấu trường khu vực. So với cô bạn Hà Thanh, Ngân Thương vừa trải qua hành trình “chiến đấu” với quãng ngày bị cấm thi đấu vì liên quan đến doping hồi Olympic 2008. Tuy nhiên, tại SEA Games 26, “búp bê” đã đánh dấu sự trở lại ngọt ngào với 2 tấm HCV cá nhân. 3. Huy chương kim cương của cô bé mồ côi

Sau khi giành HCĐ cự ly 3.000m vượt rào nữ tại giải vô địch điền kinh châu Á 2011, Nguyễn Thị Phương trở thành niềm hy vọng vàng của điền kinh Việt Nam tại đấu trường SEA Games 26. Trên thực tế, VĐV người xứ Thanh này không có đối thủ tại khu vực ĐNÁ.

Ở giải đấu trên đất Indonesia, Nguyễn Thị Phương đã làm nức lòng những người có mặt trực tiếp trên đường chạy 3.000m rào nữ. Tuy nhiên, sự cố đáng tiếc đã xảy ra khi chỉ cách vạch đích gần 2m, Nguyễn Thị Phương bất ngờ vấp ngã. Dù vậy, bằng ý chí “thép”, VĐV này đã cố nhoài người để chạm vào vạch đích trong tiếng cổ vũ lẫn thán phục của khán giả. Hình ảnh đó như tô đậm tinh thần vượt khó vươn của VĐV mồ côi cha mẹ ngay từ lúc 6 tuổi đã mồ côi mẹ, đã làm nghẹn lòng biết bao trái tim. Sau này, Nguyễn Thị Phương bộc bạch rằng: “Có chết tôi cũng phải về đích”. Chỉ giành được HCB, nhưng tại buổi lễ khen thưởng các VĐV đoạt thành tích tốt của Đoàn TTVN, Nguyễn Thị Phương được trao tặng giải thưởng: “Tinh thần Việt Nam”.

4. Nữ hoàng rớt đài

Là đương kim vô địch tại 2 cự ly 100, 200m nữ, Vũ Thị Hương bước vào SEA Games 26 với rất nhiều niềm kỳ vọng sẽ giữ vững được vị trí số 1 của mình trong khu vực ĐNÁ. Vậy nhưng bất ngờ lớn đã xảy ra khi VĐV người Thái Nguyên thất bại.

Vẫn là lỗi xuất phát chậm, không bung sức như sở trường ở những mét cuối, Vũ Thị Hương bị các đối thủ bỏ xa, từ vị thế số 1 đành phải tụt xuống xếp thứ 3. Thất bại của Vũ Thị Hương được lý giải vì cô vừa bình phục chấn thương được 2 tháng nên phong độ không được đảm bảo. Tuy nhiên, với đẳng cấp của Vũ Thị Hương, giới chuyên môn nhận định rằng chỉ cần cô có được thành tích như trong tập luyện, thì không khó để giành được HCV SEA Games. Với nét mặt thất thần khi vừa chạy qua vạch đích, Vũ Thị Hương gửi lời xin lỗi đến NHM vì đã thi đấu không tốt càng khiến cho nỗi buồn mà nữ hoàng một thời này dâng tràn trong buổi tối u uất tại đường chạy Palembang. 5. 17 tuổi thẳng tiến đến Olympic 2012

Giành được tấm vé tham dự Olympic luôn là niềm khát khao với bất cứ VĐV nào. TTVN vừa có thêm một tấm vé tới London vào mùa Hè 2012 khi VĐV Taekwondo Chu Hoàng Diệu Linh (hạng dưới 67kg nữ) trở thành 1 trong 2 người đại diện cho Taekwondo nước nhà tranh tài ở kỳ đại hội lớn nhất thế giới này.

 Mới bước sang tuổi 17, chưa một lần giành HCV tại SEA Games nhưng Diệu Linh đã làm ngỡ ngàng tất cả bằng thành tích ấn tượng tại vòng loại Olympic London 2012. Điều thú vị, dù sinh ra trong gia đình có bố làm nghề xe ôm, mẹ bán nước vỉa hè nhưng Diệu Linh đã rèn giũa ý chí tuyệt vời, theo đuổi nghiệp Taekwondo đến cùng. Giành liên tiếp 2 chiến thắng trước các võ sĩ Suhal (Sri Lanka), Manita Sahi (Nepal), Diệu Linh vỡ òa trong niềm vui, vòng tay BHL và những đồng đội khi giành được tấm vé thông hành tới London. 6. Cái đầu quấn băng trắng của Lương "dị"

ĐT U23 Việt Nam thi đấu không thành công tại SEA Games 26, nhưng trong tâm trí NHM, hình ảnh đội trưởng Phạm Thành Lương quấn băng trắng trên đầu ra sân trong trận đấu tranh HCĐ với U23 Myanmar đã làm biết bao nhiêu người cảm động.

Là một trong những cầu thủ lớn tuổi nhất tại ĐT U23 Việt Nam, Thành Lương là thủ lĩnh, linh hồn trong các đợt lên bóng. Lối chơi bóng kỹ thuật, lắt léo của Lương “dị” trở thành vũ khí lợi hại của ĐT U23 Việt Nam. Nhìn những pha xử lý, cầm bóng đột phá của Thành Lương mang lại cảm giác thú vị với người xem. Tại SEA Games 26, trong trận bán kết gặp U23 Indonesia, Thành Lương gặp phải chấn thương nặng và phải khâu 9 mũi trên đầu. Và thật ngạc nhiên, 2 ngày sau đó khi HLV Falko Goetz hỏi liệu có thi đấu được không, Thành Lương vẫn xung phong đá chính với cái đầu băng trắng toát. Lương “dị” vẫn tả xung hữu đột nhưng khi lực bất tòng tâm, anh và các đồng đội đành ngậm ngùi rời cuộc chơi với sự nuối tiếc vô bờ bến. 7. Tiến Minh lại mắc bệnh tâm lý

Với việc tay vợt số 1 thế giới Lee Chong Wei, cùng hàng loạt đối thủ mạnh có mặt trong Top 10 thế giới vì nhiều lý do khác nhau không tham dự SEA Games 26, tưởng như sẽ là cơ hội để tay vợt Nguyễn Tiến Minh vẽ lại “bản đồ” tại sân chơi cầu lông.

Giới chuyên môn đánh giá Tiến Minh với đẳng cấp và kinh nghiệm từng chinh chiến nhiều giải đấu lớn, hàng đầu trên thế giới sẽ tự tin gặt hái thành công tại SEA Games 26. Tại vòng tứ kết, chỉ gặp tay vợt thua xa đẳng cấp và vị trí trên bảng xếp hạng các tay vợt hàng đầu thế giới, Tiến Minh (hạng 7) đã thua tay vợt Wong Zi Liang Derek (Singapore, hạng 42 thế giới) chỉ sau đúng 28 phút với các tỷ số 14-21 và 15-21. Ở thất bại này, Tiến Minh tiếp tục tái diễn điểm yếu tâm lý và đặc biệt thụ động trong lối chơi. 8. Lê Quan Liêm - rạng danh trí tuệ Việt

Năm 2011 ghi nhận quãng thời gian thi đấu vô cùng thành công của kỳ thủ số 1 Việt Nam Lê Quang Liêm. “Mở hàng” năm Mèo bằng việc bảo vệ thành công ngôi vô địch giải cờ vua Aeroflot 2011, Lê Quang Liêm bước chân vào “ngôi đền huyền thoại” của làng cờ thế giới khi 2 lần liên tiếp vô địch một giải đấu uy tín như Aeroflot.

Không dừng lại ở đó, tại giải cờ vua Dortmund (Đức) vốn chỉ những kỳ thủ xuất sắc nhất thế giới mới được tham dự, Lê Quang Liêm làm ngỡ ngàng khi hòa 9 ván, thắng 1 ván trước nhà vô địch thế giới Ponomarinov, qua đó giành vị trí á quân. Tiếp đó, tại Spice Cup 2011 tổ chức tại Texas (Mỹ), Lê Quang Liêm đã khiến các kỳ thủ kinh ngạc khi ẵm cúp vô địch trong sự “ngơ ngác” của kiện tướng quốc tế Leinier Dominguez (Cuba). Hình ảnh Quang Liêm nâng cao chiếc cúp vô địch tại giải đấu danh giá này đã góp phần làm rạng danh trí tuệ Việt. Chưa hết, “chuỗi ngày vàng” với Quang Liêm tiếp tục được nối dài ở sân chơi SEA Games, kỳ thủ sinh năm 1991 giành 2 HCV ở nội dung cờ tưởng và cờ nhanh. 9. Giọt nước mắt Lương Thị Quyên

Khi bước lên bục nhận huy chương, những giọt nước mắt của Lương Thị Quyên vẫn không ngừng rơi. Mắt cô sưng húp, vạt áo cổ đầm mồ hôi lẫn nước mắt. Đó là hình ảnh vẫn còn đọng lại trong trí nhớ của nhiều người về SEA Games 26 vừa qua.

Đô vật Lương Thị Quyên, người đã bị tổ trọng tài xử ép trắng trợn trong 1 trận đấu ở hạng cân 63kg nữ, có sự tham dự của 1 VĐV nước chủ nhà Indonesia, đã khóc nức nở, uất ức về những phán quyết thiếu công tâm của các “vua”. Bị vuột mất tấm HCV, Lương Thị Quyên đã không thể nâng kỷ lục giành 4 HCV tại 4 kỳ SEA Games liên tiếp, nhưng trong lòng NHM, chị đã gây ấn tượng mạnh và danh hiệu “Tinh thần Việt Nam” mà Đoàn TTVN trao tặng thật sự rất xứng đáng cho những nỗ lực của Lương Thị Quyên. 10. Sự cố tay đua Bùi Minh Thụy bỏ cuộc

Từng giành HCV nội dung đường trường tại SEA Games 25, cua-rơ Bùi Minh Thụy chính là “điểm tựa” tin cậy của làng xe đạp Việt Nam ở đấu trường khu vực. Đẳng cấp và phong độ có thừa, thế nhưng ở giải đấu trên đất Indonesia vừa qua, Bùi Minh Thụy đã khiến BHL, đồng đội và NHM thất vọng.

Tại nội dung đồng đội tính giờ, khi mới đua được hơn 20km, Minh Thụy bất ngờ bỏ ngang, và vô tình đẩy 3 người đồng đội khác phải “gánh” hết chặng đường còn lại. Do bị kiệt sức bởi phải “vá đường” cho đồng đội Minh Thụy, thế nên khi cách vạch đích 2km, cua-rơ Hồ Văn Phúc ngã khuỵu xuống đường đua. Thi đấu dưới sức một cách đầy bất ngờ, Minh Thụy trở thành nỗi thất vọng lớn của xe đạp Việt Nam. Sau sự cố này, Minh Thụy đã bị loại vô thời hạn khỏi ĐT đua xe đạp Việt Nam.

Bongdaplus