Với thứ hạng 63 ở cự ly 800m, Trương Thanh Hằng (613) đang xếp sau ba VĐV khu vực châu Á - Ảnh: N.NHẬT
Đầu tiên, ông Thủy cho rằng việc đạt chuẩn đến Olympic London 2012 của hai VĐV điền kinh Vũ Thị Hương và Trương Thanh Hằng không phải là chuyện nhỏ bởi chuẩn dự Olympic đều có sự điều chỉnh sau mỗi kỳ đại hội. Ông Thúy nói:
- Ở Olympic London 2012 tôi nghĩ chuẩn này có thể được nâng cao so với Olympic 2008. Theo thông báo của Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF), từ ngày 1-5-2011 đến 15-7-2012 là thời gian các VĐV tham dự các giải đấu chính thức để có cơ hội đạt được chuẩn Olympic.
Từ đây, việc ông Freimuth nói “...theo tôi biết, khoảng bốn tháng trước khi Olympic diễn ra, người ta mới biết các giải đấu nào sẽ là căn cứ để tính chuẩn đến Olympic...” thể hiện việc ông không nắm rõ các quy định của IAAF. Mặt khác, hiện IAAF đã công bố chuẩn B tham dự Olympic London nội dung 100m nữ là 11 giây 38 và 800m nữ là 2 phút 01 giây 30, còn mười môn phối hợp của Huyện là 7.950 điểm.
Ông Dương Đức Thủy - Ảnh: K.X.
* Ý kiến của ông về kế hoạch tập huấn châu Âu của Hương và Hằng?
- Năm nay chúng tôi đã lập kế hoạch cho đội tuyển trong tập huấn lẫn thi đấu ở nước ngoài. Cái khó hiện nay là sự phối hợp giữa bộ môn với chuyên gia. Do lãnh đạo vụ và tổng cục đã phát biểu: bộ môn phải là người chịu trách nhiệm chính trong việc đội tuyển thi đấu tại SEA Games 26 và đạt chuẩn dự Olympic 2012 nên chúng tôi không khỏi lo lắng khi chuyên gia đưa ra nhiều ý kiến chưa thống nhất với kế hoạch của bộ môn.
Chẳng hạn ngày 18-4, các VĐV sẽ sang tập luyện tại Trường tổng hợp thể thao TP Cologne của Đức. Tuy mọi việc đã được triển khai nhưng vẫn còn khá nhiều việc cần làm rõ như: thời tiết ở Đức hiện thế nào, điều kiện ăn ở có phù hợp với VĐV hay không...
* Ông Freimuth cho rằng các giải Grand Prix điền kinh châu Á không thật sự quan trọng với Hương và Hằng. Còn ông?
- Với tôi, đây là giải đấu rất quan trọng trong việc đạt chuẩn dự Olympic 2012. Cụ thể, việc tham dự Grand Prix châu Á ngoài chuyện giúp VĐV có tiền thưởng (500-1.500 USD cho việc đạt HCĐ đến HCV), còn là cơ hội để Hương, Hằng giành vé đến Olympic London do ba giải đấu trong hệ thống này cũng được xét chuẩn Olympic.
Vì vậy, việc không tham dự Grand Prix là “bỏ phí cơ hội” lấy chuẩn Olympic 2012. Tuy nhiên, do HLV của Hương và Hằng đã lựa chọn không tham dự Grand Prix theo ý của chuyên gia nên bộ môn không thể “ép” được.
* Ông có nắm được thông tin về các giải đấu tại châu Âu mà Hương, Hằng sẽ tham dự vào tháng 6?
- Đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa có lịch thi đấu cụ thể ở Đức và một số quốc gia khác nếu chúng ta tham dự thi đấu.
* Ông phản đối ý định đưa Hằng đi tập huấn tại Bhutan, nơi có độ cao 3.200m của ông Freimuth?
- Tôi không phản đối việc tập trên núi cao nhưng cao bao nhiêu là vừa? Theo lý thuyết huấn luyện của nhiều nước thuộc Liên Xô cũ (Nga, Ukraine, Belarus...) và Bulgaria, độ cao lý tưởng để các VĐV cự ly trung bình, dài tập huấn phù hợp là 1.800-2.500m.
Những năm qua Hằng vẫn tập huấn ở Côn Minh với độ cao 1.950m và thu được kết quả tốt. Vì vậy, không thể lấy độ cao làm cơ sở cho việc đưa VĐV lên núi tập luyện.
* Việc tham dự Giải vô địch châu Á và vô địch thế giới của Hương và Hằng thế nào, thưa ông?
- Đây là những giải đấu điền kinh VN bắt buộc phải tham dự và bộ môn đã trình lãnh đạo Tổng cục TDTT về định hướng. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa biết được danh sách VĐV để có thể tham dự Giải vô địch điền kinh châu Á diễn ra tại Kobe, Nhật Bản vào tháng 7 tới từ ban tổ chức giải. Còn ở Giải vô địch thế giới diễn ra tại Daegu - Hàn Quốc vào tháng 9, hiện chỉ có Trương Thanh Hằng đạt chuẩn tham dự giải. Do chưa đạt chuẩn dự giải nên vẫn chưa biết Vũ Thị Hương có cơ hội tham dự giải này hay không.