NAM GIỚI » Môn khác

Vovinam: Bài học về lịch sử

Thứ hai, 08/08/2011 15:12

Vovinam là cách viết tắt của cụm từ "Võ Việt Nam" để dễ đọc. Bên cạnh việc tập luyện võ thuật, binh khí, các võ sinh còn tập luyện nhuyễn công, khí công và coi trọng việc trau dồi nhân tính.

Vovinam – Việt Võ Đạo là môn võ được võ sư Nguyễn Lộc sáng lập vào năm 1936 nhưng lúc này hoạt động âm thầm, đến 1938 mới đem ra công khai đồng thời ông đề ra chủ thuyết “cách mạng tâm thân” để thúc đẩy môn sinh luôn luôn canh tân bản thân, và hướng thiện về thể chất lẫn tinh thần.

Trong Vovinam Việt Võ Đạo gọi là lối nghiêm lễ, được biểu tượng bằng Bàn tay thép đặt lên trái tim từ ái được dùng để mở đầu cho mọi sinh hoạt giao tiếp của Môn phái trong các dịp gặp mặt, các buổi lễ, trước và sau buổi tập luyện, biểu diễn, giao đấu.

Bàn tay thép do công phu luyện tập mà thành. Trái tim từ ái do thấm nhuần tinh thần võ đạo mà có. Khi đặt tay lên tim nghiêm lễ người môn sinh Vovinam chỉ dùng võ để cảnh cáo, để cảm hóa người chứ không dùng võ để trừng phạt hay trả thù người. Dùng võ với tinh thần võ đạo luôn bao dung tha thứ cho người, chứ không với tính cách thuần võ thuật, tàn bạo áp bức người phải tuân hành ý mình.

Ngoài ra, khi đặt tay lên tim người môn sinh còn phải nghỉ rằng : chúng ta cùng chung sống trong cộng đồng nhân loại, cùng có trái tim và giòng máu đỏ như nhau, cần phải yêu thương che chở, giúp đở, đùm bọc lẫn nhau, cần luôn khích lệ nhau làm việc vì lợi ích cho gia đình, xã hội, tổ quốc và nhân loại.

Trong các môn võ của Việt Nam, Vovinam Việt Võ Đạo được phát triển qui mô và rộng lớn nhất với nhiều môn sinh ở nhiều nơi trên thế giới như Ba Lan, Bỉ, Campuchia, Đan Mạch, Đức, Hoa Kỳ, Maroc, Na Uy, Nga, Pháp, Romania, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Singapore, Uzbekistan, Thái Lan, Ý, Úc,…

Lịch sử

Người sáng lập Vovinam là võ sư Nguyễn Lộc.

Năm 1938, võ sư Nguyễn Lộc giới thiệu Vovinam ra công chúng.

Năm 1960, võ sư Nguyễn Lộc mất.

Từ 1960, võ sư Lê Sáng tiếp nhận chức Chưởng Môn môn phái và chịu trách nhiệm phát triển và quảng bá rộng rãi Vovinam ra toàn thế giới. Ở Pháp giáo sư Phan Hoàng có công gầy dựng nền móng phát triển Vovinam ở Âu châu kể từ thập niên 1970. Trong khi đó ở miền Nam Việt Nam kể từ năm 1966 trở đi, môn Vovinam được đưa vào giảng dạy ở một số trường công lập thuộc nền Giáo dục Việt Nam Cộng hòa.

Tháng 10 năm 2007, Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF) diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 9 năm 2008, Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam Quốc tế (IVF) diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau đổi tên thành Liên đoàn Vovinam thế giới (WVVF)

Tháng 2 năm 2009, Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam Châu Á (AVF) diễn ra tại Tehran.

Ngày 31 tháng 3 năm 2010, Chưởng Môn Lê Sáng ký quyết định thành lập Hội Đồng Võ Sư Chưởng Quản Môn Phái. Người đứng đầu hội đồng này được gọi dưới danh hiệu là Chánh Chưởng Quản và là người đứng đầu môn phái. Như vậy, danh xưng Chưởng Môn trong môn phái sẽ không còn dùng trong tương lai nữa. Kể từ đây, khi gọi Sáng Tổ Nguyễn Lộc, Chưởng Môn Lê Sáng thì đó là những danh hiệu riêng biệt, liên quan đến những thời kỳ đặc biệt của môn phái. Cũng kèm theo đó, võ sư Nguyễn Văn Chiếu được bổ nhiệm làm Chánh Chưởng Quản môn phái.

Ngày 27 tháng 9 năm 2010, võ sư Chưởng Môn Lê Sáng qua đời.

Ngày 16 tháng 10 năm 2010, Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam châu Âu (EVVF) diễn ra tại Paris.

M.T (Tổng hợp)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới