Làm sao bịt miệng thế gian?
Tháng 4/2011 tờ The Sun công bố thông tin động trời: một danh thủ Premier League lừa vợ, cặp kè với cựu Hoa hậu xứ Wales, Imogen Thomas trong 6 tháng. Ngôi sao ấy là Ryan Giggs, nhưng truyền thông Anh không được phép tiết lộ danh tính của Giggs, bởi lão tướng Man Utd đã được Tòa án Tối cao Anh bảo vệ danh tính bằng luật đời tư, đạo luật được áp dụng chính thức từ tháng 3/2011 trên toàn lãnh thổ nước Anh. Thế nên tình nhân bí mật của Imogen Thomas mới được gọi bằng cái tên rất bí mật là Mr. X.
Luật đời tư có thể bịt miệng Imogen Thomas, ngăn cản báo chí, nhưng làm sao bịt miệng được thế gian? Từ tiết lộ của James Webley, biệt danh James “tóc đỏ” trên mạng xã hội Twitter, cái tên Ryan Giggs bị lộ. Thế là ngày 22/05/2011, tờ Sunday Herald ở Scotland, nơi không chịu sự tác động của luật đời tư đã công khai hình ảnh của Ryan Giggs ngay trên trang nhất. Một ngày sau, hạ nghị sĩ John Hemming dùng đặc quyền nghị viên công bố ngay trong cuộc họp Hạ viện Anh rằng: Mr X chính là Ryan Giggs, đồng thời kêu gọi phá bỏ thứ luật mà Thủ tướng Anh David Cameroon từng lên tiếng khẳng định là vô lý trên chương trình truyền hình This Morning. Từ ấy báo chí Anh mới lách luật, dẫn lời ông nghị của Đảng Dân chủ Tự do để công khai danh tính của ngôi sao Man Utd.
Xin cho tôi kể chuyện!
Từ tiết lộ của James “tóc đỏ” (đã bị bắt) trên trang mạng Twitter, bức ảnh Ryan Giggs trên Sunday Herald, đặc biệt là sau tuyên bố của ông nghị John Hemming tại Hạ viện ngày 23/05, cái mặt nạ trị giá 50.000 (tiền luật) mang tên Mr.X của Ryan Giggs bị tháo gỡ cho người đời xem. Tuy nhiên, luật là… luật, Tòa án Tối cao Anh vẫn bảo vệ danh tính cho Ryan Giggs, dù cái bí mật ấy đã bị… lộ. Tức là, Imogen Thomas hay bất cứ công dân nào nói về bê bối của Ryan Giggs trên các phương tiện truyền thông ở lãnh thổ nước Anh sẽ bị xử tù 7 năm theo luật.
Bản thân Imogen Thomas từng khẳng định, vì không muốn lôi thôi với pháp luật và vì muốn quên Ryan Giggs nên cô sẽ không bán câu chuyện quan hệ của mình với tiền vệ M.U cho truyền thông. Thế nên, khác với cô em dâu Natasha Giggs (vụ này Giggs không dùng luật đời tư), người hâm mộ không thể biết chi tiết lão tướng M.U và cô cựu Hoa hậu xứ Wales đã… làm những gì trong 6 tháng mặn nồng.
Nhưng tại sao cô em dâu Natasha của Giggs được phép lột trần câu chuyện 8 năm của mình với ông anh rể nổi tiếng ở M.U, mà câu chuyện 6 tháng của Imogen lại bị cấm, dù nó đã lồ lộ ra? Cho rằng mình bị đối xử bất công, ngày 11/11/2011 vừa qua, Imogen Thomas cùng luật sư của mình đã đến Tòa án Tối cao ở London, gặp trực tiếp thẩm phán David Eady với lời đề nghị được công khai câu chuyện của mình và Ryan Giggs…
Im ngay! Luật là... luật
Nếu như tòa tối cao cho phép Imogen Thomas công khai câu chuyện trong quá khứ với Ryan Giggs, người đẹp này sẽ kiếm được bộn tiền từ giới truyền thông. Trái lại, Ryan Giggs sẽ lại điêu đứng vì bê bối cũ mà mới. Nhưng luật là… luật, ai cho phép cô Imogen Thomas “ngồi xổm” lên luật để nói xấu về “tượng đài sống” ở Old Trafford mà luật quy định là “không được nói”. Sau 2 giờ tranh luận tại trụ sở tòa án, thẩm phán David Eady kết luận: luật đời tư bảo vệ Ryan Giggs có hiệu lực… vô thời hạn, để “bảo vệ gia đình Giggs khỏi sự tấn công ác ý của truyền thông”.
Imogen Thomas cho rằng luật đời tư là phi lý. Nhưng người đẹp lại không chịu hiểu và thông cảm cho rằng, ngoài Ryan Giggs, thì trong thiên hạ còn nhiều kẻ có máu mặt dùng luật đời tư. Họ là ai? Chỉ theo tiết lộ của Helen Wood - cô nàng đã bán dâm cho Wayne Rooney, thì ngoài chân sút lừng danh của M.U và một số ngôi sao khác của Premier League, khách hàng mua dâm cô ta còn có một ông thẩm phán nổi tiếng của Tòa án Tối cao, một sĩ quan cảnh sát cao cấp của Hoàng gia Anh và một chính trị gia rất có uy tín trên chính trường Anh mà cô không thể tiết lộ danh tính vì luật đời tư.
Đấy, một xã hội mà bất cứ gái bán dâm nào cũng có thể vạch tội các ngôi sao có ảnh hưởng lớn đến giới trẻ như Ryan Giggs hay các ông thẩm phán, ông cảnh sát, ông chính trị có ảnh hưởng lớn đến quốc gia thì cái xã hội ấy còn ra cái thể thống gì. Vậy thì, đẹp đẽ phải phô ra, xấu xa nên đậy lại. Vậy thì, luật cứ là luật, nó phải thực hiện các chức năng điều chỉnh và bảo vệ các mối quan hệ xã hội. Anh nào, chị nào khinh nhờn thì… cứ vào tù.