NAM GIỚI » Sự nghiệp

25 học trò tệ hại nhất của Sir Alex Ferguson (P 1)

Thứ ba, 08/11/2011 11:39

Sir Alex đã nâng tầm biết bao ngôi sao trong 25 năm tại Man Utd, nhưng cũng không ít người trở thành ăn hại. Dưới đây là 25 cái tên như vậy:

 

1. Diego Forlan Được các tuyển trạch viên ‘nằm vùng’ tại Nam Mỹ ca ngợi hết lời, như một viên ngọc quý, nhưng sau 3 năm tại Old Trafford, viên ngọc ấy chẳng thể sáng nổi với chỉ 10 bàn tại Premier League và sớm bị đẩy đi. Rốt cuộc thì anh cũng sáng được, nhưng là tại Villarreal và Atletico Madrid chứ không phải Man Utd

2. Alan Smith. Đến Old Trafford với giá 7 triệu bảng vào năm 2004. Alan Smith được kỳ vọng nhiều. Nhưng, phần vì chủ quan (trình độ không đủ cạnh tranh với Van Nistelrooy, Rooney, Louis Saha), phần vì khách quan (phải lùi về đá tiền vệ khi Man Utd thiếu người kế cận Roy Keane), Smith đã cùn hẳn bản năng ghi bàn. Để rồi khi chia tay Man Utd và, người ta biết đến Smith với tư cách là 1 tiền vệ nhiều hơn. Anh đã trải qua 4 năm tại Newcastle mà không ghi nổi 1 bàn thắng dù xuất hiện thường xuyên.

3. Luke Chadwick. Lứa với thế hệ vàng Beckham, Giggs, Butt và anh em nhà Neville xuất sắc bao nhiêu thì những sản phẩm thế hệ sau đó gây thất vọng bấy nhiêu. Luke Chadwick và Wes Brown và John O’Shea là 3 minh chứng rõ ràng nhất, trong đó Luke Chadwick tệ hơn cả. Tiền vệ này thường xuyên mất hút tại Old Trafford bởi anh liên tục phải xách hành lý đến các CLB nhỏ theo dạng cho mượn.

4. Michael Clegg. Trưởng thành từ lò Man Utd và được trao rất nhiều cơ hội nhưng Michael Clegg chưa bao giờ chứng tỏ được mình xứng đáng khoác lên mình máu áo đỏ. Trong 7 năm ở đội 1, cựu hậu vệ sinh năm 1977 này chỉ xuất hiện vỏn vẹn 9 lần. Hiện, Michael Clegg đang là người phụ giúp HLV Steve Bruce tại Sunderland trong công tác huấn luyện.

5. David May. David May cần cù nhưng lại không thể bù nổi khả năng có hạn. 9 năm trẻ trung nhất đời cầu thủ là 9 năm anh phải mài đũng quần trên băng ghế dự bị tại Old Trafford. Để rồi khi ra đi vào năm 2003, khi đã 33 tuổi, hậu vệ này chỉ có thể chơi bóng chuyên nghiệp thêm 1 mùa trước khi giải nghệ.

6. Jordi Cruyff. Trưởng thành từ lò La Masia danh tiếng, chơi khá hay trong mùa đầu ở đội 1 Barca khi ghi 9 bàn qua 25 trận, Jordi Cruyff được kỳ vọng có thể không vĩ đại như người cha Johan nhưng vẫn đủ sức kiếm 1 vị trí tại Nou Camp. Song, anh sau đó chững lại và khi được Man Utd mua về năm 1996 thì chỉ còn là 1 cầu thủ tầm thường. 4 năm tại Old Trafford là quãng thời gian anh khiến hy vọng ông bố đặt vào mình tan biến dần. Cựu tiền vệ này sau đó cũng chỉ đủ sức chơi hay tại CLB hạng 2 Alaves trước khi phiêu bạt sang tận giải VĐQG Malta, quốc gia xếp thứ 158 trên bản đồ bóng đá thế giới vào lúc này. Hiện, Jordi Cruyff là HLV của AEK Larnaca, CLB đang chơi tại Europa League.

7. Kleberson. Như Forlan, Kleberson là một trong những tài năng bị phí phạm tại Old Trafford. Anh chơi hay tại World Cup 2002 và đóng vai trò quan trọng giúp Brazil vô địch. Nhưng khi về Man Utd với mức giá 6,5 triệu bảng, tiền vệ nay đã 32 tuổi chỉ như người thừa. Anh xuất hiện 20 lần trước khi biến mất khỏi Man Utd và ĐT Brazil.

8. Mark Bosnich. Mark Bosnich cũng là minh chứng hùng hồn cho nỗi khổ của Sir Alex khi tìm người kế cận Peter Schmeichel. Những năm gắn bó với Old Trafford, Mark Bosnich chỉ khiến ông thầy và các CĐV lo lắng vì anh. Năm 2001, Mark Bosnich bị thanh lý để nhường chỗ cho Fabien Barthez.

9. Karel Poborsky (trái). Chơi hay tại Euro 1996 cùng ĐT Czech bao nhiêu thì Karel Poborsky lại gây thất vọng khi được Man Utd mua về bấy nhiêu. Sau 2 năm ngắn ngủi, anh phải dọn hành lý ra đi.

10. Roy Carroll. Không cần nói nhiều, đây là một trong những ‘chàng hề’ ấn tượng nhất ở khung gỗ Man Utd. Anh bắt thì ít mà phá thì nhiều.

11. Sebastian Veron. Nhiều người bảo các CĐV Man Utd đã quá khắt khe với Veron. Minh chứng là mùa đầu tiên, anh vẫn là người sở hữu tỷ lệ chuyền bóng chính xác cao nhất Premier League. Nhưng nếu nhìn vào phong cách của tiền vệ người Argentina lẫn cái giá Sir Alex đã chi cho anh, quả thật là nỗi thất vọng tràn trề. Veron tốn của Man Utd gần 30 triệu bảng hè 2000, giúp anh trở thành cầu thủ đắt giá nhất nước Anh vào thời điểm đó. Nhưng tất cả những gì anh để lại chỉ là sự rườm rà, ẻo lả vốn không hợp với bóng đá Anh ưa sức mạnh và tốc độ. Cũng may là Man Utd sau đó 2 năm đã bán được ngôi sao này với giá 15 triệu bảng.

12. Quinton Fortune. Như Giggs, Quinton Fortune sở hữu cái chân trái khá dị. Song, tốc độ xử lý của đôi chân lẫn cái đầu Fortune lại quá chậm. Anh chơi 7 năm cho Man Utd chủ yếu trong vai trò dự phòng cho Giggs, ghi một vài bàn trước khi mất hút khỏi bản đồ bóng đá đỉnh cao. 

Giáo dục Việt Nam