Sau vòng 4 Cup Quốc gia diễn ra chiều 29/1, trên mặt các trang báo đều đưa tin đậm về diễn biến của các trận đấu. Tuy nhiên, thay vì tín hiệu tích cực về những trận cầu đẹp mắt trong ngày đầu xuân là những trang viết phản ánh về tình trạng bạo lực sân cỏ tái diễn.
Thực trạng nhức nhối này của bóng đá Việt Nam vẫn tái diễn cho thấy vẫn chưa có sự đổi mới trong cách điều hành của VPF - đơn vị được VFF ủy quyền điều hành giải.
Vấn nạn này cho thấy các giải đấu của Việt Nam chưa thực sự chuyên nghiệp và văn hóa thể thao của các cầu thủ còn rất hạn chế. Các cầu thủ chơi bóng chưa thực sự chơi bằng đầu, bằng kĩ thuật và trên hết là tinh thần thể thao mà chơi với sự cay cú, bằng những sự triệt hạ đối thủ để cố đạt được mục đích.
Điển hình về tình trạng bạo lực ở vòng 4 Cup Quốc gia diễn ra chiều ngày 29/1 vừa qua ở hai trận đấu giữa Sông Lam Nghệ An (SLNA) và The Vissai Ninh Bình và trận giữa Sài Gòn FC và Thanh Hóa.
Ở trận đấu giữa SLNA và Vissai Ninh Bình, những pha bóng bạo lực đã xuất hiện từ sớm. Phút 30, Hoàng Thịnh (SLNA) vào bóng ác ý, có tính chất triệt hạ với Mạnh Dũng phía The Vissai Ninh Bình.
Với pha vào bóng ác ý này, Hoàng Thịnh đã phải nhận thẻ đỏ trực tiếp. Sau chiếc thẻ đỏ này, cầu thủ hai đội liên tục sử dụng những pha vào bóng thô bạo khiến trọng tài chính Hoàng Anh Tuấn phải tạm dừng trận đấu để giải quyết.
Phút 35, tiền đạo Moussa (mang áo số 22 đội The Vissai Ninh Bình) nhận thẻ đỏ vì lỗi đạp vào đầu trung vệ Ngọc Luận của đội chủ nhà SLNA.
Đến phút 89, Đức Huy của Vissai Ninh Bình tiếp tục mang đến trận đấu đầy bạo lực này bằng một pha bóng hết sức phi thể thao khi đạp vào mặt Trọng Hoàng (SLNA) và nhận thẻ đỏ thứ ba của trận đấu.
Bên cạnh 3 chiếc thẻ đỏ này, cầu thủ hai đội còn nhiều pha vào bóng ác ý khiến trọng tài phải rút 6 thẻ vàng (4 thẻ vàng cho phía Sông Lam Nghệ An, 2 thẻ vàng cho The Vissai Ninh Bình).
Ở trận đấu giữa Sài Gòn FC và Thanh Hóa, những pha bóng bạo lực và diễn biến trong và sau trận đấu còn nóng hơn. Phút 83, Da Silva (Thanh Hóa) phản ứng trọng tài Đức Vũ bằng những lời lẽ tục tĩu và bị truất quyền thi đấu.
Phút 88, Ngô Anh Tuấn (Thanh Hóa) giật cùi chỏ vào mặt Nsi (Sài Gòn FC) khiến cầu thủ hai đội cự cãi, xô xát. Cầu thủ Sunday (Thanh Hóa) lao vào tấn công Kesley, đánh cầu thủ này chạy lòng vòng trên sân. Tình huống này khiến cầu thủ hai đội không kiềm chế được và lao vào nhau.
Sau khi nguy cơ hỗn loạn có vẻ như đã tắt thì Bật Hiếu (Thanh Hóa) lại thêm dầu vào lửa, thay vì ngăn cản đồng đội, cầu thủ này lại lao vào sân như chuẩn bị đánh nhau.
Sau đó anh cùng vài cầu thủ khác của Thanh Hóa khiêu khích các cổ động viên, khiến cho các khán giả sân Thống Nhất tức giận, chặn xe của đội khách khi trận đấu kết thúc, ném đá vỡ kính xe đội Thanh Hóa lúc ra về khiến cho trung vệ Xuân Hợp (Thanh Hóa) bị thương ở tay.
Xe chở đội Thanh Hóa phải 20 phút sau khi trận đấu kết thúc mới dám ra về nhưng trước tình hình phức tạp, họ không dám ra khỏi sân Thống Nhất mà chạy lòng vòng quanh sân, tránh đá gạch ném từ ngoài sân vào qua hàng rào.
Các cầu thủ và ban huấn luyện đội Thanh Hóa chỉ rời được sân Thống Nhất khi lên xe của cảnh sát để được hộ tống lúc 21h20.
Nói về tình trạng bạo lực sân cỏ chưa có dấu hiệu giảm trên các sân bóng Việt Nam, chiều qua (30/1), ông Phạm Ngọc Viễn - Tổng Giám đốc VPF vẫn cho rằng đó không phải là bạo lực mà cố gắng né tránh hai từ nhạy cảm này, theo ông đó là những căng thẳng trên sân đấu.
Ông Viễn cho biết: “VPF đã có các biện pháp hành chính, với những khung hình phạt tác động lên CLB. Chúng tôi cũng đã khuyến cáo, đưa ra những hình thức kỷ luật mang tính chất răn đe và giáo dục cầu thủ. Nhưng mọi thay đổi phải có quá trình, tương tự quá trình nhận thức”.
Chắc chắn, những diễn biến phi thể thao, đầy bạo lực tại vòng 4 Cup Quốc gia vừa qua sẽ nhận những hình thức kỉ luật từ ban kỷ luật VFF. Nhưng đến bao giờ sân cỏ Việt Nam mới hết bạo lực?