Nguyên nhân cái chết của Gary Speed hiện tại vẫn chưa được xác định rõ. Nhưng sau khi cựu danh thủ này qua đời đã có một chuyện lạ xảy ra. Đó là có đến 10 cầu thủ gọi điện đến trung tâm Sporting Chance Clinic của cựu danh thủ Tony Adams để xin tư vấn về những ám ảnh thất bại, tuyệt vọng. Chính xác hơn họ cần giúp đỡ để thoát khỏi căn bệnh trầm cảm.
Công khai là dũng cảm
10 người chỉ trong 2 ngày ngắn ngủi. Đó là một con số bất thường. Dù rằng đây chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Vấn đề chung của họ là nỗi sợ hãi, sự tuyệt vọng, ám ảnh thất bại ngay cả khi có một cuộc sống được coi là lý tưởng, không gặp bất cứ vấn đề gì với các đồng đội, người hâm mộ cũng như đối thủ.
Họ thừa nhận căn bệnh của mình, đó là một quyết định dũng cảm. Peter Kay, giám đốc điều hành của Sporting Chance Clinic cho biết: “Hơn 10 cầu thủ đã liên lạc với tôi sau cái chết của Gary Speed. Cái chết của Gary đã nhắc nhở họ yêu cầu được giúp đỡ. Trên thực tế để thừa nhận điều này là một trong những quyết định dũng cảm nhất và chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giúp họ trở lại cuộc sống bình thường…”.
Ông Kay cũng cho biết, người hâm mộ cần phải thay đổi quan niệm về những danh thủ bóng đá: danh tiếng và tiền bạc không phải lúc nào cũng đem lại hạnh phúc. Trường hợp của cựu thần đồng nước Anh, Stan Collymore là điển hình. Từng được coi là cầu thủ rất xuất sắc nhưng những chấn thương dai dẳng, Collymore đã trượt dốc không phanh. Anh nghiện quan hệ tình dục với người lạ qua đường, rơi vào trầm cảm. Anh cũng đã từng tự tử nhưng rất may đã được cứu sống kịp thời. Sau khi thừa nhận căn bệnh của mình và được điều trị, Stan Collymore đã trở lại cuộc sống bình thường. Hiện giờ, anh là chuyên gia bóng đá của kênh Talksport.
Những người có quyết định dũng cảm như Collymore đều có một cuộc sống ổn định. Còn nhớ cựu thần đồng bóng đá nước Đức, Sebastian Deisler được xem là cầu thủ tài năng nhất thế hệ mình nhưng những chấn thương dai dẳng khiến anh không thể bước lên đỉnh cao. Những lần trở lại của anh sau đó cũng đều thất bại. Từ năm 2003, anh đã có dấu hiệu trầm cảm và chủ động xin vào bệnh viện điều trị. Sau khi chữa khỏi, anh định trở lại sân cỏ vào năm 2007 nhưng cũng thất bại. Vì thế, Deisler đã quyết định giải nghệ. Một quyết định sáng suốt.
Hay như đầu tháng 9 vừa qua, thủ môn của đội Hannover 96 là Markus Miller và HLV Ralf Rangnick của Schalke 04 đã chủ động xin 2 CLB chủ quản xin nghỉ với lý do bị “Burnout”- trạng thái bệnh lý liên quan đến kiệt sức, giai đoạn khởi phát sau stress và tiền của trầm cảm.
Ngoài trầm cảm thì những chứng bệnh liên quan đến tâm thần cũng rất nhiều, đa dạng. Victoria Beckham kể rằng chồng cô- David Beckham bị ám ảnh bởi sự đối xứng. Nhà cô có một chiếc tủ lạnh dành riêng để đựng đồ uống, và trong chiếc tủ ấy, mọi thứ phải đối xứng tuyệt đối. “Nếu có 3 lon Coca Diet trong tủ, anh ấy sẽ không ngần ngại ném ngay một lon đi”. Đó là một dấu hiệu của bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), căn bệnh khiến người ta làm một hành vi vô nghĩa liên tục mà không thể kiểm soát. Và việc David Beckham, một trong những ngôi sao có lối sống vô cùng mẫu mực và sự nghiệp lẫy lừng hàng đầu thế giới, cũng có dấu hiệu rối loạn thần kinh, thì đó không thể là chuyện của riêng cá nhân hay nền bóng đá nào. Hay như Neil Lennon, cựu đội trưởng và hiện là HLV trưởng Celtic, từng kể rằng đã có những giai đoạn ông “cứ đi lang thang trong công viên hoặc không muốn thức dậy nữa”…
Dẫu sao những người này vẫn gặp may mắn vì họ vẫn đảm bảo được một cuộc sống bình thường, nhưng số khác đã rơi vào bi kịch do chính mình tạo ra. Họ phải trả giá bẳng chính mạng sống của mình.
Bi kịch chưa có lời giải
Robert Enke là cầu thủ cùng thời với Deisler. Nhưng khác với Deisler, Enke không công khai căn bệnh của mình, dù nặng hơn Deisler, vì ngoài bóng đá, Enke mang theo nỗi đau khôn tả khi cô con gái yêu 2 tuổi Lara mất sớm do dị tật tim bẩm sinh.
Chiều ngày 10/11/2009, trở thành một ngày buồn của bóng đá Đức. Buổi sáng hôm ấy, Enke đi tập bình thường. Đến chiều anh Enke bỏ tập mà không ai có thể liên lạc được bởi điện thoại di động đã tắt. Sau này mới biết: Enke lái xe chạy đến một nơi gọi là Eilvese, cách nơi anh ở (Empede) khoảng 2,5 km. Rồi anh bỏ lại xe, bỏ lại ví trên ghế. Anh đi dọc theo đường tàu. Lúc 18 giờ 17 phút, Enke lao đầu vào gầm con tàu đang chạy với tốc độ 160 km/giờ. Đấy là chuyến tàu số 4427, chạy tuyến Bremen - Hannover. Đây chính là chỗ rất gần mộ cô con gái yêu Lara của anh: Khoảng cách chỉ là hơn 100 mét
Mới đây, trung vệ Breno của Bayer Munich đã tự tay thiêu rụi căn nhà trị giá hơn 1,5 triệu euro của mình khi cũng mắc chứng Burnout. Nguyên nhân: “Ở Brazil, tôi có ít tiền nhưng thoải mái. Còn ở đây, tôi có nhiều tiền, nhưng mất tất cả những thứ còn lại”. Breno sẽ không thể có sự thoải mái với vài chục nghìn euro một tuần, khi trước mắt anh là chấn thương, là chuỗi ngày dài trên băng ghế dự bị. Breno sau đó bị tống vào tù để phục vụ điều tra dù đáng lý anh cần được đối xử như một bệnh nhân. Cuộc đời của một cầu thủ trẻ mới hơn 21 tuổi, có một gia đình hạnh phúc với 3 đứa con chưa biết đi về đâu…
Bóng đá hiện đại quả thật rất khác với những gì mọi người vẫn hình dung khi ngoài chấn thương, tiền bạc, danh tiếng là cả những tổn thương tâm lý. Ứng xử như thế nào cho phù hợp để không dẫn đến bi kịch là chuyện không chỉ riêng của cầu thủ….
Ngay sau cái chết của Gary Speed, hiệp hội cầu thủ nhà nghề bóng đá Anh, PFA đã phát hành cuốn sách dày 36 trang phát cho hơn 4.000 cầu thủ của mình để họ hiểu hơn về căn bệnh trầm cảm. Từ những biểu hiện ban đầu, cho đến những chỉ dẫn cần thiết cũng như địa chỉ liên lạc của những trung tâm chữa trị… Đây được xem là bước đi cần thiết của bóng đá Anh để ngăn chặn những bi kịch như của Robert Enke tái diễn, bởi số cầu thủ thừa nhận mình bị trầm cảm ở Anh là không nhiều |