NAM GIỚI » Sự nghiệp

Bệnh tâm thần trong bóng đá: Chuyện không của riêng ai

Thứ ba, 11/10/2011 16:44

“Có gì bình thường trong việc đá quả bóng 1.000 lần mỗi ngày? Sự xuất chúng, theo nghĩa cơ bản nhất, đã là điều không bình thường rồi” - David James

Victoria Beckham kể rằng chồng cô (tiền vệ ngôi sao David Beckham) bị ám ảnh bởi sự đối xứng. Nhà cô có một chiếc tủ lạnh dành riêng để đựng đồ uống, và trong chiếc tủ ấy, mọi thứ phải đối xứng tuyệt đối. “Nếu có 3 lon Coca Diet trong tủ, anh ấy sẽ không ngần ngại ném ngay một lon đi”. Đó là một dấu hiệu của bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), căn bệnh khiến người ta làm một hành vi vô nghĩa liên tục mà không thể kiểm soát. Và việc David Beckham, một trong những ngôi sao có lối sống vô cùng mẫu mực và sự nghiệp lẫy lừng hàng đầu thế giới, cũng có dấu hiệu rối loạn thần kinh, thì đó không thể là chuyện của riêng cá nhân hay nền bóng đá nào.

Beckham cũng mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Những hành vi rối loạn đã được ghi nhận trong bóng đá từ lâu. Một trong những trường hợp nổi tiếng nhất là tiền đạo John Tudor của Newcastle United ở những năm 1970. Ông sẽ làm tất cả những việc sau đây trước mỗi trận đấu trong trạng thái hoàn toàn vô thức: uống một chai bia Mackeson, ăn một hộp đậu, một cái bánh pudding bột gạo, nhai kẹo cao su, nhấm nháp một ly whiskey, dán băng dính Elastoplast vào tay và uống nước…

Theo các nhà khoa học, những hành vi này xuất phát từ sự bất lực trên sân bóng. Có quá nhiều thứ mà một cầu thủ không thể kiểm soát: chấn thương, sa sút phong độ, đối phương, những đường chuyền của đồng đội và cả vận may. Rất dễ hiểu tại sao họ lại vô thức kiểm soát những thứ đơn giản hơn, như là cái tủ lạnh của Beckham. Việc sợ phải đối mặt với thực tế cũng là một phần nguyên nhân gây ra chứng bệnh trầm cảm. Neil Lennon, cựu đội trưởng và hiện là HLV trưởng Celtic, từng kể rằng đã có những giai đoạn ông “cứ đi lang thang trong công viên hoặc không muốn thức dậy nữa”.

Trong trường hợp của Breno, anh đã từng tâm sự rằng: “Ở Brazil, tôi có ít tiền nhưng thoải mái. Còn ở đây, tôi có nhiều tiền, nhưng mất tất cả những thứ còn lại”. Breno sẽ không thể có sự thoải mái với vài chục nghìn euro một tuần, khi trước mắt anh là chấn thương, là chuỗi ngày dài trên băng ghế dự bị.

Trong một thời đại mà truyền thông lên ngôi, với những kho thống kê khổng lồ của Opta hay Castrol Index, thì mỗi cú sút, mỗi đường chuyền, mỗi cú tắc bóng hay thậm chí là một cái nháy mắt hoặc nhổ nước bọt trên sân, cũng có thể trở thành “bằng chứng chống lại anh”, thì việc bị khủng hoảng tâm lý dẫn đến bệnh lý thần kinh là điều rất dễ gặp. “Thời tôi còn chơi bóng, không có cầu thủ nào bị bệnh tâm lý” - Christian Hochstaetter, giám đốc kinh doanh của Moenchengladbach nói khi nghe tin Sebastian Deisler phải đi điều trị tâm lý hồi năm 2003. Thời ông còn chơi bóng, truyền thông chưa tạo ra sức ép khủng khiếp lên cầu thủ như ngày nay.

Một trong những nguyên nhân khác, không kém phần quan trọng là các cầu thủ thường không được học hành tử tế và bị “ném” vào đời từ rất sớm. Các nghiên cứu ở Anh chỉ ra rằng OCD phổ biến hơn ở những người rời trường trung học ở tuổi 16. Và đó lại là trường hợp phổ biến trong giới cầu thủ. Theo thống kê, có ít nhất 7% số đàn ông ở Anh bị trầm cảm. Chỉ dùng con số trung bình này, thì hiện đã có 28 cầu thủ Premiership đang phải đương đầu với những gì mà Robert Enke hay Breno đã chịu đựng. Và rõ ràng không chỉ có nước Đức mới có nguy cơ phải hứng chịu những “đám cháy lớn”.

Theo Bongdaplus