Với những cầu thủ có chút tiếng tăm, nhờ bóng đá mà họ có thể mua nhà, mua xe hơi và có dư dả tiền trang trải cuộc sống. Nếu quay về cách đây 10 năm khi bóng đá Việt Nam mới đang chập chững bước vào giai đoạn chuyển giao từ chế độ bao cấp sang chuyên nghiệp thì nghề quần đùi áo số không đảm bảo mức sống cho đa phần cầu thủ. Nền kinh tế thời đó còn khó khăn, doanh nghiệp thì chưa mạnh dạn đầu tư do cơ chế. Bởi thế những hợp đồng tiền tỷ hầu như là không có.
Còn nhớ năm 2011, mức tiền lót tay kỷ lục được ghi nhận là trường hợp tiền vệ Trung Kiên khi anh chuyển từ CLB Nam Định về CLB TP HCM với phí lót tay 250 triệu đồng. Hai năm sau đó, là trường hợp của Minh Phương khi chuyển từ Cảng Sài Gòn sang Đồng Tâm cũng chỉ nằm ở mức vài trăm triệu.
Nếu so sánh với giai đoạn hiện nay thì số tiền đó chỉ ngang bằng với phí lót tay của một cầu thủ hạng trung tại giải hạng Nhất chứ chưa thể nói đến số cầu thủ đang thi đấu tại V-League.
Qua chuyện này mới thấy, mức trượt giá cầu thủ thời điểm này so với cách đây ngót thập kỷ có độ vênh lớn như thế nào. Ở đây chúng ta không đi phân tích khía cạnh, tại sao giá cầu thủ lại tăng một cách chóng mặt như vậy, bởi ở đằng sau nó là một loạt các zích zắc hậu trường và mục đích làm bóng đá của các nhà đầu tư.
Tại thời điểm hiện nay, độ nóng của giá trị cầu thủ có phần nào giảm xuống so với đỉnh điểm của nó là cách đây một năm khi giá trị một cầu thủ quốc gia như Công Vinh lên đến con số kỷ lục một triệu USD.
Tiếp theo Công Vinh là hàng loạt ngôi sao với những bảng hợp đồng “bom tấn” như Quang Hải từ Khánh Hòa chuyển về Navibank SG với giá 10 tỷ đồng, Phước Tứ từ Thanh Hóa cập bến Sài Gòn FC với con số 13 tỷ, Minh Đức từ Hải Phòng về Sài Gòn FC cũng gần 8 tỷ đồng.
Cùng hàng loạt cái tên khác cũng ngấp nghé 6-8 tỷ như Đình Tùng, Việt Thắng, Tăng Tuấn, Tấn Trường… Số cầu thủ chuyển nhượng khoảng 2-3 tỷ đồng thì nhiều vô kể.
Với số tiền lót tay cao như vậy cộng với mức tiền lương dao động từ mức 15-40 triệu đồng mỗi tháng chưa kể tiền thưởng sau mỗi trận đấu thì so với mặt bằng chung thu nhập của toàn xã hội ta thấy có một sự khập khiễng lớn như thế nào. Bởi thế, cầu thủ luôn là nghề có một sức hút to lớn với nhiều người. Đặc biệt là môi trường bóng đá Việt Nam trong thời buổi kim tiền này.
Với những cầu thủ thuộc hàng sao số, mức lương khoảng 30-40 triệu đồng cộng với tiền lót tay mỗi lần chuyện nhượng xấp xỉ chục tỷ đồng thì không khó để họ có tiền lo cho gia đình và trang trải cuộc sống.
Hầu hết cầu thủ nổi tiếng thuộc biên chế đội tuyển quốc gia như Công Vinh, Quang Hải, Minh Phương, Dương Hồng Sơn, Nguyễn Mạnh Dũng, Quang Thanh, Phước Tứ đều có nhà đẹp, đi xe hơi xịn và có nhà ở phố, chưa kể số đất đai được địa phương cấp.
Tiền đạo Quang Hải khi chuyển từ Khánh Hòa về Navibank Sài Gòn với số tiền lót tay 10 tỷ đồng. Hải "Gà" đã có thể trả nợ cho mẹ và lo lắng cho anh chị em trong gia đình. Đồng thời Hải có tiền cưới vợ và xây căn nhà 3 tấm ngay tại TP Nha Trang.
Thủ môn Dương Hồng Sơn sau nhiều năm thi đấu cho Hà Nội T&T cũng dư dả xây căn nhà 5 tầng ngay tại Nhổn, chưa kể anh chàng thủ môn này còn sở hữu trong tay vài ba chiếc xế hộp đắt tiền.
Một vài cầu thủ khoác áo Bình Dương ngoài chế độ lương thưởng cao còn được lãnh đạo công ty Becamex cấp đất ở những khu quy hoạch. Tiêu biểu như thủ môn Thế Anh trước đây thi đấu cho đội bóng đất Thủ có rất nhiều đất tại Bình Dương nhờ biết tính toán cộng với việc kinh doanh hàng loạt cụm sân cỏ nhân tạo khiến bạn bè cầu thủ nể phục. Theo ước tính, số tài sản của thủ môn hiện đang thuộc biên chế Navibank Sài Gòn này cũng xấp xỉ 50 tỷ đồng.
Với những chế độ đãi ngộ cao của các CLB đang thi đấu tại các giải bóng đá Việt Nam như hiện nay thì đây không chỉ là “miếng bánh” cho cầu thủ nội mà ngay cả các cầu thủ tận phương trời xa cũng về đây “kiếm cơm” và mong đổi đời.
Nhưng cái gì cũng có cái giá của nó, để có được thành công như thế này, rất nhiều cầu thủ ngoài tài năng vốn có ra, họ đã phải đánh đổi rất nhiều thứ.