Cuộc trò chuyện thú vị với tiền đạo số 1 Việt Nam về cách “chia ngăn” trái tim, dù vẫn biết, “có những thứ không so sánh với nhau được”…
Tiền không quyết định được cuộc đời tôi
- Cuối cùng thì CLB Hà Nội đã có anh. Một “cuộc chiến” giữa bầu Kiên và… Thủy Tiên đấy nhỉ - người trước đó đã gần như tin chắc anh sẽ chọn con đường Nam tiến?
- Có 4 lý do để tôi gật đầu bầu Kiên. Thứ nhất: Vì 1 lời hứa từ 3 năm trước. Hai, là ân nghĩa với HLV Nguyễn Thành Vinh - người thầy thân thiết từng đưa tôi lên đội 1 Sông Lam Nghệ An và thậm chí còn cho cầu thủ ngoại xuống để tôi được đá chính. Ba, là sức hấp dẫn của thử thách. Rằng, nếu như tôi vẫn tiếp tục ở lại và cùng Hà Nội T&T (HN T&T) thêm lần nữa giành ngôi vô địch thì chuyện đó quá bình thường. Nhưng nếu tôi sang CLB Hà Nội thì điều đó sẽ làm tôi cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều. Bốn, và cũng là điều quan trọng nhất, đó là ở Hà Nội, tôi sẽ thực hiện được ước mơ của mình là đá ở vị trí sở trường: tiền đạo mũi nhọn. Đối với tôi bây giờ, danh hiệu nào cũng có rồi, chỉ còn thiếu mỗi danh hiệu “Vua phá lưới” thôi.
- Năm, là… mức độ “chịu chi” của bầu Hiển không lại được với bầu Kiên?
- Thực ra HN T&T trả cho tôi không ít tiền. Nhưng tiền không quyết định được cuộc đời tôi. Không ai quyết định được cuộc đời mình bằng chính mình. Thành thực mà nói, ở HN T&T, tôi cảm thấy mình không được tôn trọng. Hãy thử lấy ví dụ, chị là phóng viên, nghề của chị là viết bài, nhưng tổng biên tập lại phân công chị làm một việc khác. Chị có thể làm được, đương nhiên, nhưng trong sâu thẳm, chị sẽ cảm thấy không hạnh phúc.
Tôi tự hỏi nếu trong 3 năm tới, tôi vẫn đá cho HN T&T, có khi nào tôi sẽ lên được đến bục vinh quang mà tôi mơ ước hay không? Khi mà với sơ đồ của HLV Phan Thanh Hùng, chỉ có 1 tiền đạo và vị trí đó nhất thiết phải dành cho ngoại binh, tôi thường phải lùi về đá cánh, mỗi mùa giải do đó giỏi lắm chỉ ghi được 10 bàn là hết. Trong khi ở mùa giải 2009, khi anh Hữu Thắng về làm HLV trưởng HN T&T, chỉ 10 trận ở giai đoạn 2, tôi đã ghi được 10 bàn, nhờ được đá ở vị trí sở trường. Mùa bóng mới ở một đội bóng mới bao giờ cũng khó khăn. Nhưng đi lên từ khó khăn thì bao giờ cũng tốt hơn là mọi thứ đều quá thuận lợi. Mục tiêu trước mắt của tôi là cố gắng đảm bảo thể lực, đáp ứng chuyên môn, đóng góp vào thành công của CLB. Mỗi trận đấu cố gắng ghi ít nhất 1 bàn.
7 tỷ mới nghe thì tưởng là to - “Vua phá lưới” thì chưa nhưng “danh hiệu” cầu thủ giàu nhất Việt Nam chắc chắn thuộc về anh rồi còn gì! - Tôi bây giờ nhà: không, ô tô: không, xe máy: không, thậm chí xe đạp cũng không nốt, sao giàu nhất được. May ra giàu… tình cảm! - Chẳng phải trước kia anh từng sắm một quả “Mẹc” rất xịn sao? - Tôi nghĩ xe cộ chỉ là phương tiện mà thôi. Mình không phải là đại gia và chiếc xe cũng không đưa mình lên làm đại gia. Đồng tiền kiếm được bằng đá bóng là đồng tiền phải đổ mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu. Thật sự là sau khi bị chấn thương và phải nghỉ thi đấu gần một năm trời, tôi mới biết sống thế nào cho đúng, mới biết rằng cuộc sống không chỉ màu hồng… - Lại còn nằm dưỡng thương ở xứ người, không một ai thân thích bên cạnh…! Bài toán được - mất lúc đó với anh là gì? - 5 tháng trời sống ở Bồ Đào Nha để chữa trị chấn thương, ăn một mình, chống nạng một mình, có chuyện gì chỉ biết nhờ đến vợ của ông Calisto. Mỗi chiều thứ bảy, chủ nhật, bà ấy lại đến chở tôi về nhà ăn cơm, gặp bạn bè của bà ấy. Còn nữa thì chỉ biết nằm xem ti vi, mà xem cũng có hiểu gì mấy đâu. Chiều chiều thì ra cho bồ câu ăn. Lúc ấy tôi mới nghiệm ra, người ta bảo đời cầu thủ bạc quả không sai. Tôi nghĩ rằng mình không thể sống như trước kia nữa. Chấn thương lấy đi của tôi một năm nhưng cũng cho tôi nhiều thứ. Không phải là tiền bạc mà là một cuộc sống khác hơn, có bản lĩnh và ý chí hơn… - Nghề nào nói cho cùng mà chả bạc, nếu như không còn sức khỏe để theo. Khác chăng là với những nghề không hái ra tiền thì mức độ “bạc” khó cảm nhận hơn chăng! - Nhưng về độ rủi ro cao thì đích thị là bóng đá! Đời cầu thủ rõ ràng chỉ biết hôm nay, không biết ngày mai vì chỉ cần chấn thương là hết. Nhiều tiền - đấy chỉ là bề nổi, mà cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay và cũng chưa là gì so với nhiều người. Còn biết bao cầu thủ sống khó khăn. Mà đa số ai chọn nghề này cũng đều xuất thân từ hoàn cảnh khó khăn. Có thế mới phải chấp nhận xa gia đình từ tấm bé để hy vọng đổi đời nhờ bóng đá. giấc mơ đẹp nhất với chúng tôi lúc đó là được một lần ngồi lên cái xe chở đội bóng đá Sông Lam Nghệ An (SLNA), được mặc cái áo có in 4 chữ SLNA, thậm chí một lần được vào sân nhặt bóng. Biểu tượng SLNA ngày đó ăn sâu vào tiềm thức của mỗi đứa trẻ chăn trâu chúng tôi. Bản thân tôi để được như hôm nay cũng đã phải sống xa gia đình và đổ mồ hôi trên sân cỏ từ năm 10 tuổi. Đến 18 tuổi mới lên được chuyên nghiệp. Trong suốt 5 năm từ 14 tuổi đến 19 tuổi đã không ít bận nghĩ mình là thứ vứt đi, thấp thỏm đợi ngày bị loại. 25 tuổi mới được gọi vào đội tuyển, mà cũng chỉ được 1, 2 người là có được may mắn đó, còn lại là về hết. Rồi chỉ cần ra ngoài 30, là cái đầu nghe chừng đã không bảo được cái chân... - Anh có nghĩ mình là người may mắn? - Không phủ nhận nghề này có yếu tố thiên thời địa lợi, nhưng may mắn sẽ không thể đi liền cùng mình một hành trình dài nếu không có tài năng và ý chí khổ luyện. Thực ra tôi không có nhiều tiền như mọi người tưởng. Hay đúng hơn, tôi hầu như không giữ lại cho mình. Khi có được 7 tỷ đồng từ HN T & T, tôi chỉ nghĩ đến việc giúp gia đình. Tôi mua xe cho mẹ, mua nhà cho bố. Tôi giúp bà chị đầu có được cái nhà mặt đường để tiện làm ăn, giúp chị thứ hai xây nhà và mở spa. Rồi anh chị em, ông bà nội ngoại, mỗi người một ít… 7 tỷ mới đầu cứ tưởng là to, nhưng loáng cái là hết. Rồi thì một năm chấn thương không có đồng tiền thưởng nào, chỉ sống bằng lương, mà bao nhiêu chi phí chữa trị… Tôi kiếm được ít tiền hơn Thủy Tiên - Vậy với số tiền vừa được “lót tay”, anh tính sẽ làm gì cho… hết? - Tôi tính sẽ làm cho bố mẹ mỗi người một cái sổ tiết kiệm… - “Công thức hành động” luôn luôn là chữ hiếu? - Đúng vậy! Làm con thì phải phụng dưỡng bố mẹ, phải luôn luôn nghĩ đến bố mẹ đầu tiên. Vì bố mẹ thì chỉ có một, không có người thứ hai, trong khi bạn bè, người yêu thì có thể có nhiều. Và làm gì thì phải tranh thủ làm lúc bố mẹ còn sống, còn hưởng được. Còn nhớ, năm 2008, trong một lần đối diện với thất bại, khi nghe nói rằng sẽ không được đá ở tuyển nữa, vào giây phút ấy, hai mắt tôi tự dưng tối hẳn đi. Lúc đó tôi nghĩ bóng đá với tôi là tất cả, gia đình không là gì cả. Không là gì hết, mọi lời an ủi. Thế nhưng sau đó, chỉ cần một câu của mẹ tôi: “Không đá bóng nữa thì về với mẹ!”, tôi bỗng nhiên không còn thấy sợ gì hết. Gia đình ý nghĩa với tôi là thế! - Anh hẳn biết: Một đứa con có hiếu thì luôn đẹp trong mắt bố mẹ nhưng với người phụ nữ của anh ta, chưa chắc điều đó đã là một điểm cộng? - Muốn hay không thì ngay lúc yêu, tôi cũng phải nói thẳng là chừng nào chưa lập gia đình thì với tôi, bố mẹ vẫn phải là trên hết. Còn khi đã lấy vợ, lẽ đương nhiên tôi phải có trách nhiệm lo cho gia đình mình để xứng đáng là người trụ cột. Không có lý gì khi một người đàn ông thường nghĩ về gia đình mình mà đến khi có gia đình riêng của mình, anh ta lại bỏ bê hết. Nếu mình là đứa con có hiếu, thì con cái mình về sau cũng nhìn vào đấy mà đối xử với mình. Còn nếu như mình bất hiếu, thì rất dễ gieo nhân nào sẽ gặp quả ấy. - Nhưng hơn ai hết anh biết rõ tuổi nghề của cầu thủ rất ngắn, và cùng đó, là cơ hội kiếm tiền. Nếu cứ luôn phải ưu tiên cho chữ hiếu, thì đến khi lập gia đình, biết đâu anh không còn nhiều cơ hội để lo cho vợ con? - Đương nhiên bóng đá có tuổi nghề ngắn, nhưng không đá bóng nữa thì tôi làm huấn luyện viên chứ tôi đâu thất nghiệp? - May cho anh là cô người yêu của anh cũng thuộc dạng kiếm được tiền chứ không thì chữ hiếu của anh xem ra cũng khó xử lắm nhé! - Ai ít ai nhiều thì hiện tại, tiền của Tiên là của Tiên, tiền của tôi là của tôi. Tôi thậm chí còn kiếm được ít tiền hơn Tiên là khác! Nhưng dù là trong mối quan hệ nào thì tiền cũng chỉ là phương tiện mà thôi. Không ai chết mà mang được tiền đi cả! - Đã đành tiền chỉ là phương tiện, là chết không thể mang đi, nhưng nếu không có tiền thì làm sao làm tròn chữ hiếu và mua vé máy bay vào gặp người yêu! - Tất nhiên. Nhưng tiền thì biết thế nào là nhiều – ít, thiếu – đủ? Nếu chỉ là cho cá nhân tôi, thì tôi chỉ cần có đủ tiền để đi du lịch và có thể mua được những gì mình thích. - Chữ “chỉ cần” của anh xem ra người nghèo không mơ nổi! Chẳng hạn, khi thứ anh thích là một món hàng hiệu? - À, hàng hiệu thì là thứ tôi chỉ cần biết chứ không nhất thiết phải sở hữu! Không có nghĩa là tôi có tiền thì tôi phải “đầu hàng vô điều kiện” trước các món hàng hiệu. Giả dụ một cái đồng hồ, nếu nó là 10 ngàn USD mà treo được cả đời thì tôi còn suy nghĩ, và nếu có mua thì cũng chỉ cần một cái là đủ. Còn nếu như nó lên tới 20 ngàn USD thì chắc chắn là tôi không mua. Tiền kiếm được phải đổ mồ hôi nước mắt, chứ có phải cướp được đâu mà... Nếu chỉ vì “xa mặt cách lòng” thì “chúc may mắn!” - Không nhà, không xe, không cả đồng hồ “siêu khủng”… - tất cả chỉ vì chữ hiếu? Bao giờ thì đủ được đây? - Chữ hiếu thì không bao giờ là đủ cả. Nhưng chắc là lần này tôi cũng sẽ phải tìm mua một cái nhà ở Hà Nội thôi… - Hà Nội? Mà không là ở nơi đang có người mong anh sao? - San bằng khoảng cách hiện tại là nhiệm vụ của… chiếc điện thoại và cái máy bay chứ chưa phải là nhiệm vụ của cái nhà. Thôi thì cho nhau niềm tin vậy! - Không sợ “xa mặt cách lòng” sao? - Nếu vậy thì chúc may mắn hết! Tôi được cái dễ tính! - Dễ tính có đủ để không bao giờ biết ghen không? - Nói không ghen là nói xạo, và thậm chí còn là rất cục tính nữa! Mà một khi đã bất cần thì cũng “nguy hiểm” lắm nhé! - Ngược lại, có bị ghen? - Tất nhiên có chứ! Mà không có cô em nào khác mới đau! - Ai cầm chân được anh chứ, HLV hay là “cô gái vác trăn”? - Kể cả là không ai cầm thì thử hỏi, ra đường tôi trốn đi đâu được, không lẽ bịt mặt à? - Trước khi anh đặt chữ ký vào bản hợp đồng với CLB Hà Nội, người yêu anh đã lên báo nói rằng anh sẽ vào Nam và hai người sẽ tính chuyện lâu dài. Anh có nghĩ chữ ký của anh “lạnh lùng” quá không, trong khi anh hoàn toàn có cơ hội làm khác? - Đối với một người đàn ông, sự nghiệp luôn phải đặt lên hàng đầu. Sau đó mới đến gia đình. Chỉ khi người đàn ông gây dựng được cho mình một sự nghiệp tốt, có được thu nhập tốt thì họ mới có thể lo được cho gia đình của họ. Còn nếu như nghĩ đến gia đình đầu tiên nhưng lại không lo được cho nó thì làm sao có thể làm tròn bổn phận của một người đàn ông trong gia đình? Làm thằng đàn ông vì vậy phải quyết định được tương lai của chính mình và gia đình mình, còn thì ý kiến của vợ hay người yêu chỉ là tham khảo. Đời bóng đá hôm nay có thể là đỉnh cao nhưng mai có thể là vực sâu. Nếu như không cháy đến cùng với hoài bão của mình thì chắc chắn sau đó sẽ phải sống trong ân hận và tiếc nuối. - Hành xử của anh có vẻ không mấy giống một người đang yêu nhỉ: bố mẹ là số 1, sự nghiệp cũng là số 1, còn người yêu thì… “hãy đợi đấy”? - Tôi nghĩ không thể so sánh người yêu và bố mẹ được. Vì người yêu thì có thể là số 1, trên một khía cạnh nào đấy nhưng ở một góc độ khác, bố mẹ lại phải là trên hết. Cũng như sự nghiệp hiện giờ là quan trọng nhưng đến khi nghỉ đá bóng rồi thì gia đình là quan trọng. Sự nổi tiếng chỉ là phù du. Khi sự nổi tiếng qua đi thì cái còn lại là cuộc sống, gia đình của mình. Có điều, lúc này hai đứa đều đang trẻ, thì cần biết tận dụng sức trẻ và cơ hội. - Nếu người yêu anh không chấp nhận phải là số 2? - Thế thì chúc cô ấy lên đường may mắn thôi! - Còn nếu như chấp nhận, thì cô ấy được gì? - Trước hết là có được tôi. Mà được tôi thì có nghĩa là sẽ được rất nhiều. Trong đó ưu điểm chắc chắn lấn át được nhược điểm. - Ví dụ? - Chẳng hạn: tài ăn nói, tài làm lành với người yêu… - Ôi hay ho gì đi sở hữu một “người của thiên hạ”! - Yên tâm đi, tôi chỉ nói ngọt với người mình yêu thôi!
Không đá bóng nữa biết đâu tôi còn nổi tiếng hơn - Gần như có thể đoán chắc anh mà làm chồng thì là chúa gia trưởng! - Nếu như gia trưởng là biết làm chủ gia đình thì cũng là tốt chứ sao? Còn nếu là bảo thủ thì quả là không nên.Vợ chồng, tôi nghĩ đã không lấy nhau thì thôi, lấy rồi thì phải cố mà tôn trọng nhau. - Nhưng thực sự, có bao giờ anh tự thấy mình ích kỷ, vì những “số 1” nói trên: gia đình mình, sự nghiệp của mình… - Chị biết là cuộc đời cầu thủ, nếu gọi là đỉnh cao, chỉ được có bấy nhiêu năm. Mấy năm đó, nếu không tranh thủ, thì là hết. Trừ khi là sau 30 tuổi, nếu tôi đá dở đi, thì tôi sẽ nghỉ, và gia đình sẽ lại có tôi. Còn nếu như lập gia đình, thì những “số 1” có thể sẽ khác, vì lúc đó bố mẹ chồng hay bố mẹ vợ cũng đều là một. - Sau 30 tuổi… - Mấy chữ đó có vẻ ám ảnh anh nhỉ? Hãy thử lường trước sự khổ sở khi không còn được là tâm điểm! - Chuyện đó là lẽ thường, làm sao mà phải khổ sở! Đời người như sông, tránh sao có lúc gặp phải vật cản, đâu thể suốt đời đi trên một đường thẳng. Ăn thua là đích đến của mình. Nhưng lấy gì đảm bảo khi tôi không đá bóng nữa thì tôi sẽ không nổi tiếng nữa? Không khéo còn nổi tiếng hơn! - Khoảng thời gian nào là dễ chịu nhất đối với anh? - Là những lúc được tập luyện. - Ô, chứ không phải là những lúc được nghỉ ngơi sau chiến thắng, chia tiền thưởng và đi du lịch với người yêu sao? - Những gì chị nói tất nhiên là cũng dễ chịu nhưng không biết sao, dễ chịu nhất với tôi vẫn phải là những lúc được tập luyện, được nhìn thấy rõ ràng nhất ngọn lửa nghề đang cháy trong mình. - Một ngày của anh ở Mỹ Đình thế nào? - 7h dậy, 7h30 ăn sáng, 9h tập, 11h30 ăn cơm, 3h30 lại tập, 6h ăn cơm, 9h30 lại tập trung… - Vậy cầu thủ… hư lúc nào được nhỉ? - Đấy, ai cũng nghĩ cầu thủ nhiều tiền nên sinh hư. Nhưng nghề nào mà chả có người này người kia. Cũng như không phải ai tìm đến vũ trường cũng đều là để ăn chơi đập phá. Đây tôi cũng đi vũ trường. Nhưng với tôi, đó đơn giản chỉ là một nơi có nhạc mạnh hơn, rượu nhiều hơn và là nơi ta có thể đến thư giãn vào những lúc được HLV cho nghỉ ngơi. Không làm gì vi phạm pháp luật, kỷ luật và ảnh hưởng sức khỏe thì làm sao mà hư được! - Vẫn đầy người hư đấy thôi? - Cái đấy thì chị phải đi mà hỏi mấy người đó chứ! - Mấy người đấy anh quá biết còn gì! Anh có nghĩ cũng vì tuổi nghề này ngắn mà đôi khi người ta dễ nảy sinh tâm lý sống gấp? - Đúng là đời cầu thủ có rất nhiều cạm bẫy, khi mà như đã nói, hầu hết cầu thủ ở ta đều xuất thân khó khăn, sống xa gia đình từ nhỏ, từ quê lên thành phố, sống giữa môi trường tập thể toàn đàn ông con trai,… ai chẳng muốn thỏa thích tiêu xài, được ăn ngon mặc đẹp… Những cạm bẫy ấy, nếu như không vượt qua được thì sẽ không thành người được, nhưng nếu vượt qua được thì sẽ trở nên bản lĩnh. Các cầu thủ trẻ, nếu như họ cần ở tôi một lời khuyên, thì tôi chỉ muốn nói với họ rằng: giả dụ chuyên môn của bạn là 8 điểm, người khác 9, nhưng nếu như bạn có ý thức kỷ luật tốt, thì chắc chắn HLV người ta sẽ chọn bạn, chứ không phải người kia. Vì bóng đá, nó là cuộc chơi của tập thể. Phụ nữ bất cần thì nguy hiểm lắm! - Trước cuộc phỏng vấn này anh có giao kèo là không được hỏi chuyện tình cảm. Đó có phải là “bài học từ truyền thông” mà anh có được, sau mấy lần “dính bẫy”? - Đơn giản là tôi thấy chuyện tình cảm chỉ nên giữ cho riêng mình. - Nhưng thực tế là anh, cũng như Thủy Tiên, đều đã từng rộn ràng chia sẻ! - Thì cái gì cần chia sẻ, tôi đã chia sẻ hết rồi! - Có bao giờ, sau những ồn ào rắc rối, anh đã ước: giá như mình yêu một cô đứng ngoài showbiz… - Không. Vì một khi đã yêu, là phải biết chấp nhận. Nhưng nếu được chọn lựa lại, tôi “thề” là sẽ không cho mọi người biết người mình chọn là ai. - Phụ nữ thế nào thì được anh chọn? - Cái này rất khó… - Hiền? - Thứ này hiệp hội “gia trưởng” thường rất thích! “Hiền” theo tôi là một khái niệm rất tương đối và nhất thời ở phụ nữ. Vì phụ nữ hiền, đến một thời điểm nào đó mà chẳng may lên cơn bất cần thì cũng có thể nguy hiểm hơn bất kỳ ai! - Người phụ nữ vác một con trăn thì có nguy hiểm không? - Cái đấy cũng chỉ là bề ngoài! - Nhưng suy từ lựa chọn kia thì có thể đoán “công thức quyến rũ tiền đạo số 1”: Một cá tính mạnh, đằng sau vẻ yếu đuối? - Có thể! - Anh nghĩ anh có thể vác một con trăn không? - Chịu thôi! Rắn mà tôi còn sợ! Nhưng nếu Tiên làm được thì chắc tôi cũng phải cố thử vậy! - Nghe nói “Cặp đôi hoàn hảo” dụ anh và Thủy Tiên tham gia nhưng anh không chịu? Sao thế? - Thôi, mấy món đó tôi không chơi. Vì đã thi là phải thắng, đã chơi thì phải là số 1. Thua thì chết tôi! Đấy, con người tôi lạ thế chứ! Ô, thế thì có gì là lạ!