Cho đến nay đồng tính vẫn là đề tài rất “nhạy cảm” và có rất ít cầu thủ dũng cảm thừa nhận vì phải đối diện với sự kỳ thị rất lớn. Từ trước đến giờ bóng đá Anh chỉ có một cầu thủ thừa nhận mình bị đồng tính, đó là cầu thủ da màu Justin Fashanu vào năm 1990, nhưng sau khi dũng cảm thừa nhận anh đã rơi vào bi kịch bằng chính mạng sống của mình. Sau khi bị cáo buộc lạm dụng tình dục một bé trai, không chịu nổi áp lực từ dư luận Fashanu đã treo cổ tự tử khi mới 37 tuổi.
Không muốn trường hợp như của Fashanu lặp lại, FA song song với cuộc chiến chống nạn phân biệt chủng tộc đã lên kế hoạch bảo vệ người đồng tính. Với khẩu hiệu “So What?” (Đồng tính thì sao), FA dự định sẽ có những hành động cụ thể để các cầu thủ đồng tính dũng cảm thừa nhận giới tính của mình, qua đó giúp họ trút bỏ được sự mặc cảm và chơi bóng một cách thoải mái nhất. Đồng thời khuyến khích các cầu thủ khác giúp đỡ để các cầu thủ đồng tính hòa nhập tốt hơn
Adrian Bevington, giám đốc của Club England, một tổ chức thuộc FA và đóng vai trò như một cầu nối văn hóa trong bóng đá Anh, cho biết: “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng nếu có bất kỳ cầu thủ nào muốn công khai giới tính của mình, FA sẽ ủng hộ họ một cách tối đa. Chúng tôi muốn tạo nên một môi trường bóng đá bình đẳng cho tất cả mọi người.” Về phần FA họ đã phê chuẩn một kế sáu điểm để tạo ra một môi trường nơi mà “đồng tính nữ, cộng đồng đồng tính, lưỡng tính và chuyển đổi giới tính có thể được tích cực tham gia, mà không sợ sự phân biệt đối xử hoặc thành kiến”.
Giúp đỡ FA trong việc thực hiện chiến dịch này có sự tham gia của các cựu cầu thủ, nổi bật nhất là cựu hậu vệ nổi tiếng của Chelsea và ĐT Anh Graeme Le Saux, cầu thủ đã từng bị đồn là gay và bị Robbie Fowler chế giễu ngay trên sân bóng. Anh cho biết: “Sẽ rất khó khăn khi bạn phải đối mặt với những lời gièm pha và sự mỉa mai về giới tính. Nhưng bóng đá là một lĩnh vực đặc biệt mà ở đó mọi ranh giới và khoảng cách có thể bị xóa nhòa. Tôi không nghĩ là người ta sẽ phải xây những phòng thay đồ riêng cho các cầu thủ đồng tính. Trong bóng đá chúng ta bình đẳng và tất cả mọi hành động phải dựa trên sự tôn trọng.”
Trước nước Anh, bóng đá Đức cũng đã phát động một chiến dịch ủng hộ, bảo vệ các cầu thủ đồng tính với sự tham gia tích cực của các cầu thủ ĐTQG Đức.Trước đó theo thống kê không chính thức thì các hạng đấu chuyên nghiệp của Đức có đến 10% cầu thủ bị đồng tính, nhưng đa phần họ không dám thừa nhận. Thậm chí tại World Cup 2010, đại diện của Michael Ballack đã tiết lộ một thông tin gây sốc khi khẳng định trong đội có một số cầu thủ bị “gay”.
Rõ ràng dù ngay từ năm 1992, đã có những giải bóng đá dành cho người thuộc giới tính thứ 3 được tổ chức trên khắp thế giới nhưng đến nay để mọi người có cái nhìn cởi mở hơn về các cầu thủ đồng tính là chuyện không phải một sớm một chiều mới làm được…