Ông là một kẻ độc tài khét tiếng và cũng như các đấng mày râu mặt “lạnh như băng”, miệng “thét ra lửa” khác, ông rất sợ... vợ. Vì ở đời này, chỉ có 3 nhân vật được Don Fabio nể trọng và tôn kính...
Quân tử không thờ 2 chủ
Từ ngày còn khoác áo số thi đấu cho đến khi mặc vest ngồi trên băng ghế HLV, Fabio Capello trải qua bao đời ông chủ. Nhưng ông chủ khiến Don Fabio nể trọng nhất, tôn kính nhất và trung thành nhất là ngài Silvio Berlusconi. Ở Madrid (Real Madrid), Rome (Roma), Torino (Juventus), Soho Square (ĐT Anh) hay bất cứ nơi đâu cũng thấy Don Fabio mâu thuẫn, công khai bật lại giới chủ rồi kết quả là… chia tay. Còn ông chủ Silvio Berlusconi? Trong suốt 2 giai đoạn cầm quân tại San Siro (1991-96; 1997-98), Capello chưa một lần “bật” lại ông chủ dù có bất cứ mâu thuẫn nào. Có thể khẳng định rằng, tuy đã rời Milan, nhưng trong tư tưởng của Don Fabio, ông vẫn chỉ có một ông chủ và tôn thờ một ông chủ: Silvio Berlusconi.
Don Fabio tôn thờ ông chủ Berlusconi, ủng hộ ông chủ quyền lực này không chỉ ở lĩnh vực bóng đá. Còn nhớ hồi tháng 4/2011, khi Silvio Berlusconi trong vai trò Thủ tướng Italia đang đối mặt với sức ép của khủng hoảng nợ công, bê bối tình dục và chính sách thắt chặt tình trạng nhập cư, khiến ông phải cân nhắc đến khả năng không tái tranh cử vì bị chỉ trích dữ dội, thì Fabio Capello đăng đàn bày tỏ cái sự khinh bỉ của mình với những kẻ… khinh bỉ ông chủ Berlusconi. Và khẳng định: “Trước hết, tôi bỏ phiếu cho ngài Berlusconi, sau đó tôi… lại bỏ phiếu cho ngài Berlusconi”.
Để bảo vệ chính sách thắt chặt “nạn nhập cư” của Berlusconi, Don Fabio khơi ra một câu chuyện rất hình tượng: “Buổi sáng bạn đi xe do tài xế Libya điều khiển, bạn nói với cô hầu bàn người Morocco chuẩn bị bộ Armani vào thứ Bảy, bạn yêu cầu tay đầu bếp Tunisia chuẩn bị bữa tối vào 20 giờ? 28.000 người nhập cư từ Bắc Phi là quá nhiều.” Nhưng sợ một số học trò ở ĐT Anh mất lòng, ông thầy người Ý phải “thòng” thêm rằng: “Dĩ nhiên, nếu không ngăn chặn được nạn nhập cư trái phép, bạn cũng nên sử dụng họ nếu họ có khả năng cống hiến. Đó là lý do tại sao tôi luôn trọng dụng những ngôi sao có nguồn gốc nhập cư như Jermain Defoe (gốc Dominica), Wayne Rooney (Ireland), Ashley Cole (Barbados ) hay Rio Ferdinand (St. Lucia) tại ĐT Anh”.
Quân lệnh như sơn
“Trước hết, tôi bỏ phiếu cho ngài Berlusconi, sau đó tôi… lại bỏ phiếu cho ngài Berlusconi”. Cả cuộc đời của mình, ông Capello chỉ tôn thờ ông chủ Silvio Berlusconi. Nhưng chính sách “dụng binh” thì Capello và “ông chủ duy nhất” của ông là khác xa nhau. Phải chăng vì mặt ngài Berlusconi lúc nào cũng tươi như hoa, còn mặt ông Capello thì như “đâm lê”. Phải chăng vì ngài Berluconi có thể bông lơn với phụ nữ, với các bà nghị, thậm chí là bỡn cợt với cả các bà Nguyên thủ Quốc gia, thì ông Capello tuyệt nhiên giữ thái độ lạnh lùng với “thuộc hạ”. Nói chung, tính cách ngài Berlusconi dễ dãi, xởi lởi như bề ngoài hào hoa của ông. Còn ông Capello lúc nào cũng khắc khổ, nghiêm nghị, độc đoán và “quân lệnh như sơn”.
Cái tính cách ấy của ông Capello được cho là ảnh hưởng của nhân vật mà ông sùng bái: Francisco Franco (1939-1973) - cựu Quốc trưởng Tây Ban Nha, Tổng tham mưu trưởng quân đội Tây Ban Nha, nhà phát xít độc tài gây ra cuộc nội chiến Tây Ban Nha (1936-1939), nhân vật phải chịu trách nhiệm vì cái chết của 200.000 người vô tội trong thời gian trị vì của ông - giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử Tây Ban Nha thời hiện đại. Ở bất cứ đội bóng nào, với bất cứ ngôi sao nào, Fabio Capello luôn áp dụng thứ kỷ luật nghiêm khắc chẳng kèm gì thứ kỷ luật mà Francisco Franco áp dụng trong quân đội của mình. Ngoại trừ “ông chủ duy nhất” Silvio Berlusconi ở Milan, không ai, không thế lực nào có thể can thiệp vào công việc nội bộ của Fabio Capello. Thế nên, khi FA qua mặt ông, tước băng thủ quân của John Terry thì với Don Fabio, đó là một sự “lăng mạ” và ông đã ra đi.
Và tình yêu bất diệt
Trên sân cỏ, cả đời ông Capello tôn thờ ông chủ Silvio Berlusconi và áp dụng thứ kỷ luật quân sự của nhà độc tài Francisco Franco để “bình thiên hạ”. Nhưng khi cởi bỏ bộ vest Armani, khoác pijama ở nhà, ông Capello không còn nghiêm nghị hay khắc khổ với khuôn mặt của một nhà độc tài nữa, khi ấy ông Capello là một ông già hiền lành bên cạnh Laura - tình yêu bất diệt của ông, thứ tình yêu không bao giờ làm khuôn mặt ông phải cau có hay trái tim phải quặn thắt như bóng đá. Bởi thế, ông Capello luôn nói: “Gia đình là số 1”.
Năm 14 tuổi, Capello bắt đầu đi tập tại một đội bóng ở Ferrara, cách ngôi nhà của ông 4 giờ đồng hồ đi xe bus. Và trong một lần đến đội bóng trên chiếc xe bus quen thuộc, chàng thiếu niên 14 tuổi Capello đã “ngây vì tình” khi nhìn thấy một cô bé tóc vàng xinh đẹp. Cô bé ấy là Laura Ghisi. Và Capello yêu. Laura Ghisi thuở nào giờ đã trở thành bà Laura Capello. Bà Laura nhớ lại: “Những lần gặp đầu tiên, tôi sợ vì cái mặt ông ấy rất khó gần. Thân hình thì đen lẹm và gầy dỏng. Nhưng chẳng hiểu tại sao, chỉ vài tháng sau trái tim tôi đã bị chinh phục”.
Don Fabio không bao giờ nhắc đến vinh quang sân cỏ trong quá khứ, nhưng ông lại không ngại kể về Laura Ghisi của một thời yêu say đắm và bây giờ cũng vậy. Đã nhiều lần ông nói, ông kể khiến người ta phát chán: “Cuộc đời tôi thật may mắn khi gặp Laura. Cả đời tôi chỉ biết đến Laura. Laura là vợ tôi”.
Đấy là ông Fabio Capello. Ông là “bầy tôi” trung thành trong quan hệ tôi-chủ. Ông là “nhà độc tài” trong quan hệ thầy-trò. Và ông là một người thủy chung trong quan hệ vợ-chồng.
Nếu tuổi thơ ông không nghèo khổ Nếu thời niên thiếu, Fabio Capello không trải qua tuổi thơ nghèo khổ, thì có lẽ thế giới bóng đá đã chẳng có một nhà cầm quân tài ba Fabio Capello của ngày hôm nay. Bởi ông thầy 65 tuổi người Italia từng thú nhận: ông muốn trở thành một nghệ sĩ, chỉ vì nhà nghèo quá mới phải theo nghiệp bóng đá để kiếm sống. Fabio Capello sinh ngày 18/06/1946, tức chỉ 16 ngày sau khi nhà nước C.H Italia được thành lập. Cha ông, Guerrino (mất năm 1992) là một ông giáo nghèo còn mẹ ông là bà Evelina (hiện 90 tuổi) từng làm y tá trong doanh trại của quân đội Anh, bởi sau thế chiến II, ngôi làng nhỏ bé Pieris nơi gia đình Capello sống thuộc quyền kiểm soát của quân đội đồng minh Anh. Thời Thế chiến II, ông Guerrino từng gia nhập quân đội Italia trong vai trò một anh lính pháo binh, và bị quân Đức giam cầm sau khi Italia đầu hàng Đồng minh năm 1943. 60.000 tù nhân như Guerrino đã chết và cha Capello may mắn sống sót nhờ… ăn được rễ cây.
Capello sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, một thời điểm loạn lạc. Và người ta cũng chẳng rõ ông sinh ra ở đâu? Báo giới Ý cho rằng Capello sinh ra ở Tây Bắc nước Ý, trong khi nhà báo Gabriele Marcotti thì tin rằng ông thầy vừa từ chức HLV trưởng ĐT Anh sinh ra ở vùng Đông Bắc nước Anh. Nói về quá khứ của mình, ông Capello chỉ tiết lộ, ông có một tuổi thơ khá dữ dội vì nghèo đói, ông phải từ bỏ ước mơ theo đuổi con đường nghệ thuật vào năm 14 tuổi để… đá bóng kiếm sống.
Nhờ bóng đá, Capello trở nên giàu có và nổi tiếng, nhưng nhà cầm quân này vẫn không quên giấc mơ nghệ thuật từ thời thơ ấu, nên số tiền kiếm được trong bóng đá, Don Fabio dùng một phần lớn vào việc mua các tác phẩm hội họa của các họa sĩ lừng danh mà ông thích như Wassily Kandinsky. Tính đến nay, bộ sưu tập nghệ thuật của Don Fabio đã lên tới 10 triệu bảng.