Đếm trên đầu ngón tay
Có đi sâu vào tìm hiểu mới thấy cầu thủ Việt kém hấp dẫn đối với các nhà quảng cáo như thế nào. Số lượng các cầu thủ Việt Nam được mời tham gia quảng cáo có lẽ chỉ đếm trên 10 đầu ngón tay. Mới đây, cầu thủ Thành Lương đã được hảng sản xuất dụng cụ thể thao danh tiếng thế giới Adidas mời làm người đại diện cho dòng sản phẩm mới. Thành Lương thừa nhận anh rất bất ngờ trước việc này dù rằng với tài năng và gần như miễn nhiễm với scandal, Lương "dị" là hình mẫu lý tưởng cho các doanh nghiệp tìm đến.
Trước đó, vào tháng 3 vừa qua, 3 cầu thủ Công Vinh, Tài Em, Phước Tứ đã tham gia vào một chiến dịch quảng cáo của hãng điện tử nổi tiếng thế giới Panasonic. Suốt 2 ngày ca hát, bay lượn, quần thảo với đủ các loại động tác 3 “diễn viên quảng cáo” này thừa nhận mệt còn hơn cả tập luyên thi đấu. Cũng trong tháng 3, Tài Em và Quang Hải may mắn được một công ty tìm đến mời tham gia sự kiện giới thiệu Cúp FA đến Việt Nam.
Vào năm 2010, cầu thủ Phan Thanh Bình và Philani được hãng nước giải khát nổi tiếng thế giới Coca Cola mời tham gia vào chiến dịch cổ vũ cho World Cup 2010. Poster quảng cáo của 2 cầu thủ này xuất hiện trên nhiều đường phố của Việt Nam. Lúc đầu phía hãng này định mời Công Vinh tham gia nhưng do những nhập nhằng về thù lao, quyền lợi nên Công Vinh đã từ chối. Giá trị của bản hợp đồng không thật cao nhưng đối với một cầu thủ đã chìm như Thanh Bình được một công ty lớn mời quảng cáo là hạnh phúc lớn.
Cựu đội trưởng ĐTVN, Nguyễn Minh Phương vào năm 2005 đã được hãng thực phẩm Nutifood mời quảng cáo cho một sản phẩm sữa với giá trị 10.000 USD/3 năm (Minh Phương được hưởng 20-50% giá trị hợp đồng), phần còn lại là của Đồng Tâm Long An. Không chỉ các cầu thủ mà cựu HLV ĐTVN Calisto cũng may mắn được hãng bia Zorok mời đóng quảng cáo vào năm 2009. Để thương thảo được bản hợp đồng quảng cáo này, ông Calisto phải được sự chấp thuận của VFF bởi khi đó VFF có đến 4-5 nhà tài trợ cùng lúc. Do đó, nếu sản phẩm mà ông Tô quảng cáo đụng đến các nhà tài trợ khác sẽ rất rắc rối.
Cầu thủ Việt Nam “mắn” quảng cáo nhất từ trước tới giờ phải nói đến Văn Quyến. Sau SEA Games 22 chơi cực hay và đoạt danh hiệu QBV Việt Nam 2003, hàng loạt các đối tác xếp hàng mời “thằng béo” đóng quảng cáo. Quyến ký với LG bản hợp đồng có thời hạn 1 năm trị giá 13.000 USD (trong đó có 3.000 USD bằng hiện vật: TV, điện thoại di động cùng một số vật dụng cá nhân khác trang bị riêng cho Văn Quyến).
Theo nguyên tắc 50 - 50 đã thỏa thuận với CLB Sông Lam Nghệ An, Quyến được nhận một nửa số tiền 10.000 USD. Bên cạnh đó, Quyền còn quảng cáo cho hàng loạt đối tác khác như Pepsi, hãng xe máy Hamun, hãng nước tăng lực Super Horse... Ước tính tất cả những hợp đồng quảng cáo này đã giúp Quyến kiếm được hàng tỷ đồng, còn đội bóng chủ quản Sông Lam Nghệ An cũng được hưởng “sái” với số tiền khoảng 600 triệu đồng. Nhưng từ sau năm 2004, Quyến trượt dốc, dính vào hàng loạt tiêu cực khiến các doanh nghiệp đồng loạt rút chạy…
Xa hơn một chút, thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam những năm 90 của thế kỷ trước có Hồng Sơn tham gia quảng cáo cho dầu gội Rejoy, Pepsi và hãng xe máy Yamaha. Huỳnh Đức sang Lifan của Trung Quốc đá cũng giống như một hợp đồng quảng cáo hay Hoàng Bửu quảng cáo cho thuốc đau đầu Paradon….
Từ những thống kế trên có thể thấy rằng, số lượng ngôi sao bóng đá Việt Nam đóng quảng cáo là quá ít và hầu hết trong số đó là những doanh nghiệp tự tìm đến với các cầu thủ chứ bản thân họ không chủ động “kiếm tiền” từ quảng cáo bằng một kế hoạch rõ ràng, đúng hướng.
Vì đâu nên nỗi?
Nguyên nhân chính khiến giới cầu thủ Việt không “hot” đối với các nhà quảng cáo là do ý thức nghề nghiệp của họ. Tiếng là cầu thủ chuyên nghiệp nhưng chưa chắc cách hành xử của họ đã chuyên nghiệp, biết giữ gìn hình ảnh của bản thân cũng như của đối tác quảng cáo. Về việc này, câu chuyện của Văn Quyến là minh chứng rõ nét nhất. Bên cạnh đó, đại đa số cầu thủ Việt Nam không có được một người “đại diện” đúng nghĩa, người bên cạnh việc hỗ trợ trong việc thương lượng hợp đồng đối với các đội bóng còn phải biết “định hướng” cho họ về việc giữ gìn hình ảnh của một người của công chúng, kiếm tiền bằng nhiều con đường khác chứ không chỉ dựa vào việc đá bóng.
Một lý do khác là hiện tại, các đội bóng ở Việt Nam vẫn chưa chú trọng đến việc khai thác tối đa tiềm năng thương mại của các cầu thủ Việt. Do đó, họ gần như không hỗ trợ được gì cho các cầu thủ trong việc tìm đến với những doanh nghiệp cần quảng cáo. Ở đây chúng ta kém xa Thái Lan, khi họ đã biết dùng Kiatiasak như một “con gà đẻ trứng vàng” từ cách đây cả hơn chục năm.
Ông Trần Văn Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty tiếp thị thể thao TLT, đơn vị đã đưa rất nhiều VĐV danh tiếng cũng như các sự kiện thể thao hấp dẫn đến Việt Nam lý giải: “Khi mọi thứ thật sự chuyên nghiệp cũng như hành lang pháp lý rõ ràng thì các công ty tiếp thị thể thao mới dám mời cầu thủ tham gia quảng cáo. Chứ như hiện giờ, hôm nay mời họ đóng quảng cáo, hôm sau họ đá dở chứng, bán độ thì ai mà dám làm….”
Từ những điều trên có thể khẳng định, việc các cầu thủ Việt Nam nhận được quảng cáo chỉ là chuyện được chăng hay chớ. Đó là điều rất đáng tiếc cho bản thân họ cũng như các CLB.
Nếu như chuyện các cầu thủ ít được quảng cáo do bản ý thức nghề nghiệp và môi trường hành nghề thì việc các VĐV thể thao hàng đầu Việt Nam ít được các doanh nghiệp quan tâm mời quảng cáo là do…truyền thông, khi bóng đá được quan tâm quá nhiều, trong khi những môn khác chỉ thật sự được biết đến nếu có thành tích. Tiến Minh, Phạm Văn Mách… đã thẳng thắn nói rõ điều này. Bản thân họ cũng như những VĐV nổi tiếng khác như Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Lê Quang Liêm, Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Nguyễn Hoàng Thiên… phần lớn chỉ nhận được tiền hỗ trợ để tham gia thi đấu hoặc trang bị dụng cụ chứ không mấy khi kiếm được tiền nhờ quảng cáo. Nhìn trường hợp của VĐV quần vợt Li Na - Trung Quốc kiếm hàng chục triệu USD nhờ thành tích vô địch Roland Garros, hay như Liên đoàn cầu lông Malaysia kiếm được một gói tài trợ lên đến gần 14 triệu USD nhờ biết khai thác thương hiệu của Lee Chong Wei mới thấy tiếc nuối cho các VĐV thể thao Việt Nam. |