NAM GIỚI » Sự nghiệp

Ông chủ Chelsea giải cứu con tin

Thứ hai, 07/11/2011 11:29

Một sự thật được phơi bày trên tòa thương mại London: không phải Boris Berezovsky, mà ông chủ Chelsea, Roman Abramovich mới là người hùng thầm lặng trong vụ giải cứu con tin nổi tiếng ở Chechnya năm 1998.

Vụ con tin Camilla Carr

Năm 1997, 2 công dân người Anh làm công tác tình nguyện ở Chechnya là Camilla Carr và Jon James bị phiến quân bắt cóc. Đây là vụ bắt cóc con tin gây xôn xao dư luận bậc nhất tại đảo quốc Sương mù.

Năm 1997, trong vai trò tình nguyện viên của tổ chức từ thiện “British Quaker”, nhà tâm lý học Camilla Carr và bạn trai của bà, Jon James đến Thủ đô Grozny, Chechnya giúp đỡ trẻ em, những nạn nhận của chiến tranh Chechnya lần thứ nhất. Ngày 4/7/1997, Camilla Carr và Jon James bị những kẻ bịt mặt có vũ trang bắt cóc. Đến ngày 15/09/1998, Camilla Carr và Jon James mới thoát khỏi “địa ngục” ở Grozny.

Camilla Carr và Jon James bị bắt cóc 14 tháng tại Chechnya

Cho đến ngày nay, bà Camilla Carr vẫn thường xuyên được mời đến các trường học trên khắp nước Anh để kể cho học sinh nghe về 443 ngày khổ nhục của bà và bạn trai Jon James. Camilla cho biết, bà liên tục bị bọn bắt cóc đeo mặt nạ cưỡng hiếp ngay bên cạnh phòng giam của bạn trai Jon James. Nhưng trong cái nhà tù khốn nạn ấy, lại xảy ra một chuyện cảm động đến phi lý: sau vài tháng bị cưỡng hiếp, nhà tâm lý học Camilla đã “thuần phục” được “bọn súc vật”, biến chúng thành bạn và một kẻ thường xuyên cưỡng hiếp Camilla đã nói lời xin lỗi tới bà như một người bạn thân. Bà Camilla Carr nói: tôi đã tha thứ cho những kẻ bắt cóc và làm nhục tôi.

“Công lao vĩ đại” của bố già

Nhưng cái ngày 15/09/1998, Boris Berezovsky còn làm cho bà Camilla cùng người dân Anh cảm động hơn cả “bọn bắt cóc có lương tâm” ở Chechnya. Năm ấy, tức 2 năm sau khi có công lớn trong chiến dịch tái đắc cử Tổng thống của ông Boris Yeltsin, uy tín và quyền lực chính trị của Boris Berezovsky bao trùm cả nước Nga mà cố nhà báo Paul Klebnikov đã phải gọi là “Bố già ở Điện Kremlin” (Godfather of the Kremlin) trong cuốn sách cùng tên.

Vụ Camilla Carr và Jon James gây xôn xao nước Anh, khiến quan hệ giữa Số 10 Downing và Điện Kremlin thêm căng thẳng. Đúng vào cái thời điểm “nước sôi lửa bỏng” ấy, bố già vỗ ngực tuyên bố sẽ giải cứu bằng được 2 con tin người Anh mà không cần 1 đồng xu của Nhà nước, không tốn 1 viên đạn của quân đội.

Quả nhiên, ngày 15/09/1998, Camilla Carr và Jon James bước xuống sân bay Moscow từ chuyên cơ riêng của Boris Berezovsky. Quá vĩ đại! Bố già cho đàn em nói… nhỏ với đám phóng viên Moscow về chiến công lớn lao ấy. Ngay lập tức, trên tất cả các mặt báo, đài, truyền hình từ Nga tới Anh đều đưa tin về người hùng Boris Berezovsky.

Cũng trong ngày hôm ấy, Sir Andrew Wood - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Anh tại Moscow xác nhận: “Ngài Boris Berezovsky đã giải cứu 2 con tin từ Chechnya về Moscow an toàn và không mất tiền chuộc”.

Người hùng thầm lặng

13 năm qua, cứ mỗi lần nhắc đến vụ con tin kinh hoàng ở Grozny, người Anh lại nhớ tới ngài Boris Berezovsky. Nhưng trong phiên xử Boris Berezovsky kiện Roman Abramovich tại tòa thương mại London, nữ thẩm phán Elizabeth Gloster cùng bồi thẩm đoàn lại được nghe một sự thật… ghê tởm và ly kỳ như kịch bản của một phim bom tấn ở Hollywood, mà trong bộ phim mang tên “giải cứu con tin” ấy, bố già là một diễn viên đại tài.

Abramovich - người hùng trong vụ cứu con tin

Ông chủ Chelsea khẳng định, nhân vật trực tiếp bay sang Chechnya đưa Camilla Carr và Jon James về Moscow là doanh nhân Badri Patarkatsishvili, “đàn em” của bố già Berezovsky. Abramovich nói trên tòa: “Patarkatsishvili đã bay sang Chechnya dùng tiền chuộc 2 con tin chứ không phải Berezovsky. Số tiền chuộc con tin do chính tay tôi đưa cho Patarkatsishvili”. Nhưng số tiền chuộc con tin được đưa cho ai? Ông chủ Chelsea khẳng định: tất cả chui lọt thỏm vào cái túi không đáy của Berezovsky.

Lời khai của ông chủ Chelsea khiến người ta nhớ lại “đội quân đánh thuê” ở Chechnya của Berezovsky trong tác phẩm “Bố già ở Điện Kremlin”. Nghĩa là, trong vụ con tin Chechnya, bố già đã lén lút đẩy người ta xuống bùn đen và khi người ta hấp hối, thì không ai khác, chính bàn tay của bố già lại túm tóc kéo người ta lên, để nhận những lời ca tụng đẹp đẽ và những đồng tiền bẩn thỉu. Một kịch bản cổ điển trên màn ảnh rộng của Hollywood và hiện thực trần trụi ngoài xã hội, nhưng do diễn xuất tài, kín kẽ nên rất có công hiệu. Và dĩ nhiên, bố già được cả Số 10 Downing và Điện Kremlin “trao giải Oscar” cho bộ phim “giải cứu con tin” mà bố già là tất cả: biên kịch, đạo diễn và diễn viên.

Khi ông chủ Chelsea không còn là người hùng thầm lặng nữa, thì cái mặt nạ anh hùng vĩ đại của bố già bị lột ra cho cả người sống lẫn… người chết xem. Quả thực, Paul Klebnikov - nhà báo bị ám sát tại Moscow năm 2004 có thể mỉm cười ở thế giới bên kia, vì sự thật trong vụ giải cứu con tin năm 1998 một lần nữa chứng minh ông không phải là gã “nhà văn nói láo, nhà báo nói phét” trong tác phẩm “Bố già ở Điện Kremlin”.

Cuối cùng, bà Helen, mẹ của Camilla Carr thốt lên trên Telegraph: “Chúng tôi chưa bao giờ nghe thấy như vậy. Chúa ơi! Ông Berezovsky nói ông ấy đã cứu con tôi từ Chechnya. Tất cả chỉ có thế…”.

Thethao24h