NAM GIỚI » Sự nghiệp

Tết Nguyên Đán của cầu thủ ngoại

Thứ bảy, 21/01/2012 13:48

Ngoài những giờ tập luyện và thi đấu căng thẳng, các ngoại binh đều tranh thủ tìm hiểu về những nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Đối với họ, Tết Nguyên đán để lại những ấn tượng vô cùng sâu đậm…

Một năm đón tết 2 lần

Phần lớn ngoại binh tâm sự rằng, họ cảm thấy hụt hẫng trong năm đầu tiên đặt chân tới Việt Nam vì thấy người bản xứ… khá hờ hững khi đón Năm mới dương lịch. Trung vệ đội trưởng của Hà Nội T&T - Cristiano kể: “Tôi đến Việt Nam từ năm 2007. Dịp Giáng sinh và Năm mới của người phương Tây không thật sự sôi nổi ở đất nước của các bạn. Người dân được nghỉ có 1 ngày, còn các cửa hiệu, hàng quán vẫn hoạt động bình thường”. Đem thắc mắc này hỏi “người đi trước”, các ngoại binh được giải thích rằng, theo truyền thống Á Đông thì Tết “xịn” chỉ đến vào khoảng cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2 hàng năm vì người Việt quen sử dụng lịch mặt trăng (âm lịch) cho những công việc trọng đại. Thế là, sự hụt hẫng ban đầu được chuyển thành tâm trạng háo hức chờ đợi xem Tết Việt Nam diễn ra như thế nào.

Samson và Cristiano của HN.T&T

“Khi đến Tết, mọi thứ thay đổi hoàn toàn. Tất cả mọi người tạm dừng các công việc thường ngày để ở nhà đón Năm mới cùng gia đình. Tôi thực sự ấn tượng với những con phố không một bóng người ở Hà Nội trong ngày đầu tiên của Năm mới!” - Cristiano chia sẻ. Sau những trải nghiệm thú vị đầu tiên về Tết Việt Nam, các ngoại binh ai nấy đều hí hửng vì từ nay sẽ được… đón năm mới 2 lần. Trải nghiệm thú vị

Bên cạnh bầu không khí khác lạ, Tết Nguyên đán còn đọng lại trong tâm trí giới cầu thủ ngoại thông qua nhiều điều thú vị khác. Tiền vệ gốc Uganda - Phan Lê Issac bằng nét mặt hài hước kể về lần đầu tiên anh làm quen với… tục lệ lì xì: “Tết năm đó, tôi ra đường chơi và vô tình gặp một đồng đội trẻ. Sau vài câu chào hỏi, cậu ấy tự nhiên bắt tôi phải… cho tiền. Tôi nhớ là mình đâu có nợ nần ai nên không đồng ý. Cậu ấy giải thích rằng trong dịp Tết, người Việt Nam thường tặng người ít tuổi hơn một số tiền nhỏ thay cho lời chúc may mắn. Tôi vẫn không tin nên nhất định không cho. Sau vài hôm, khi tìm hiểu tôi mới biết đó là sự thật nên dù đã hết Tết nhưng tôi vẫn lì xì cho cậu ấy”. Các món ăn truyền thống trong dịp Tết Nguyên đán cũng là điều cuốn hút các ngoại binh. Dù không “hợp khẩu vị” cho lắm nhưng các cầu thủ ngoại đều cố gắng thử hết các món ăn Việt trong dịp Tết, đặc biệt là bánh chưng. Nghe đồng đội bản xứ nói về món bánh mà “ở Việt Nam mới có” và chỉ đến Tết mới được ăn, các ngoại binh đều nhiệt tình… ăn thật nhiều.

Nguyễn Rogers của Thanh Hóa

Không chỉ có bánh chưng, nhiều ngoại binh còn thao thao bất tuyệt về những món ăn “lạ” mà họ chẳng nhớ nổi tên nhưng đều… “ngon như ở nhà hàng”. Phan Lê Issac hí hửng: “Thú vị nhất là được mời đến chơi nhà bạn bè người bản xứ trong dịp Tết. Mọi bữa ăn đều là một bữa tiệc thịnh soạn. Năm nay, tôi đã có một số lời mời và đang rất háo hức chờ đến Tết!”. Việc người Việt Nam uống bia rượu khá nhiều trong dịp Tết Nguyên đán cũng để lại ấn tượng đặc biệt cho các cầu thủ ngoại. Cristiano nói: “Đi đến đâu chơi Tết tôi cũng thấy mọi người cụng ly. Các đồng đội người Việt của tôi cũng uống khá nhiều, họ sẵn sàng hết mình trong dịp Tết dù có thể thường ngày chẳng bao giờ đụng tới bia rượu”. “Tôi cũng uống nhưng chỉ là xã giao thôi. Ngoài đêm giao thừa có thể uống hơi nhiều một chút nhưng những ngày còn lại thì không. Bia rượu có hại cho sức khỏe, đặc biệt là với các cầu thủ”. Ý thức được việc gìn giữ thể lực, vóc dáng nên đa số các ngoại binh vẫn duy trì nếp sinh hoạt khoa học trong những ngày nghỉ Tết và cố gắng tập luyện thể lực đều đặn. Một cầu thủ tiết lộ: “Chăm tập một chút sẽ dễ thi đấu hơn ở các vòng đấu sau Tết vì cầu thủ Việt Nam chẳng biết vì sao luôn… yếu hơn sau kì nghỉ!”. Du hí khắp nơi

Sau cái Tết đầu tiên, giới cầu thủ ngoại lập tức bị cuốn hút bởi những nét văn hóa đặc biệt trên mảnh đất hình chữ S. Từ đó, họ cũng háo hức đón Tết theo cách của người Việt và không ít trường hợp bắt đầu coi Tết Nguyên đán là những ngày lễ quan trọng nhất trong năm của mình. Tết Tân Mão, Cristiano và các “cạ cứng” ở Hà Nội T&T là Benicio, Gonzalo, Matias lập hẳn một kế hoạch hoành tráng đón năm mới. Do đã quen với không khí Tết ở miền Bắc nên nhóm ngoại binh này quyết định Nam tiến. Điểm đến của họ là Nha Trang. “Đàn anh” Cristiano đôn đáo đặt phòng ở khu nghỉ dưỡng sang trọng Vinpearl trong khi nhiệm vụ lo vé máy bay, chuẩn bị các vật dụng cần thiết được giao cho các bà vợ quán xuyến. Đêm giao thừa, cả “đại gia đình” mở tiệc ăn mừng và không quên “lì xì”, chúc nhau may mắn cho… giống với người Việt. Họ dành phần lớn kì nghỉ Tết để tận hưởng các dịch vụ 5 sao ở Vinpearl, tắm biển rồi sau đó di chuyển đến TP.HCM để trải nghiệm không khí Tết nơi đây. Benicio kể: “Thời tiết trong những ngày Tết ở Hà Nội khá lạnh còn ở TP.HCM thì khác hẳn. Nắng ấm ngập tràn, còn người dân tấp nập đi tới những địa điểm vui chơi giải trí. Không khí có phần sôi nổi và náo nhiệt hơn so với ở Hà Nội”. TP.HCM cũng là “điểm hẹn” của rất nhiều ngoại binh trong dịp Tết Nguyên đán. Năm ngoái, nhóm cầu thủ ngoại của Hòa Phát Hà Nội gồm Henry, Olushola, Issac, Cassiano kịp có mặt ở khu phố Tây Phạm Ngũ Lão vài giờ trước giao thừa. Tại đây, họ hồ hởi tay bắt, mặt mừng với những đồng nghiệp ngoại đang thi đấu cho các CLB phía Nam như Philani, Amaobi, Tostao… và có một “bữa tiệc tất niên” hết sức hoành tráng. Cấm cung vì… Tết

Tiền vệ gốc Nigeria - Đinh Hoàng Max thì buộc phải có mặt ở TP.HCM để làm tròn trách nhiệm của một người con rể. Hoàng Max lấy vợ người Việt nên khi nhận được “lệnh” của nhạc phụ, nhạc mẫu là phải đưa vợ con về đón Tết bên ngoại. Dù muốn dành thời gian nghỉ Tết để đi du lịch, khám phá thêm về quê hương thứ hai nhưng Hoàng Max không thể không chấp hành. “Khi chưa lấy vợ, tôi cũng buồn khi phải đón năm mới xa nhà nên nếu bắt cô ấy xa gia đình dịp Tết thì… ác quá! Hơn nữa, vì đã trở thành công dân Việt Nam nên tôi cũng muốn ở bên gia đình vợ để tận hưởng không khí Tết “xịn” nhất!” - Hoàng Max tâm sự.

Bongdaplus