Suy nghĩ tích cực rằng “Ai cũng có lúc xấu hổ như vậy” hay “Rồi đâu sẽ có đó” có thể giúp bạn quên đi cảm giác “mất mặt”. Nhưng đó chỉ là trên lý thuyết. Điều bạn cần làm là hành động thích ứng một cách thông minh để lấy lại danh tiếng nghề nghiệp đã mất và chứng tỏ tình huống đáng xấu hổ kia chỉ là một “tai nạn” nhỏ.
Dưới đây là 5 tình huống xấu hổ bất cứ ai cũng có thể phải trải qua trong sự nghiệp và điều nên làm để vượt qua “chướng ngại vật” đó:
Bạn bị sa thải
Bị sa thải, đặc biệt từ công việc yêu thích là một trong những điều đau khổ nhất có thể xảy ra với bạn. Đó không phải vì bạn mất một khoản tiền lương hàng tháng mà là sự tủi hổ và nghi ngờ của mọi người về giá trị của bạn.
Muốn chuyển sự sa thải này thành một cơ hội, hãy cân nhắc những lựa chọn sau:
Đi tình nguyện hoặc làm việc không lương: Sau khi bị sa thải, có thể bạn không có tâm trí để bắt tay ngay vào tìm việc mới. Lúc này, các hoạt động tình nguyện, giúp đỡ cộng đồng sẽ giúp bạn giải tỏa căng thẳng cũng như lấy lại sự tự tin. Ngoài ra, bạn có thể tính tới khả năng làm việc không lương để gây dựng lại danh tiếng nghề nghiệp và trau dồi thêm kỹ năng.
Tìm kiếm cơ hội ở công ty đối thủ: Nếu bạn bị sa thải vì mâu thuẫn với công ty cũ, bạn có thể tìm tới công ty đối thủ cạnh tranh. Một số công ty sẵn sàng chào đón bạn với điều kiện bạn phải có năng lực thực sự xuất sắc.
Bạn bị giáng chức
Bạn không có thời gian để làm thêm hay tình nguyện và cũng không thể thay đổi công việc vì lý do nào đó. Bạn nên làm gì?
Hãy nhìn nhận theo cách này: Bạn làm việc tốt nhưng sếp buộc phải giáng chức bạn vì công ty đang gặp khủng hoảng chẳng hạn. Như vậy bạn sẽ có cơ hội đề nghị những cơ hội khác, chẳng hạn thương lượng lịch trình làm việc linh hoạt về thời gian, địa điểm.
Bạn làm việc trì trệ
Sự trì trệ trong công việc xảy ra khi bạn đã học được tất cả mọi thứ ở một vị trí nhưng chưa biết cách tiếp tục chinh phục những thử thách mới.
Để thay đổi tình trạng này, bạn có thể áp dụng các bước sau:
Nói chuyện với sếp về mong muốn có những cơ hội giúp bạn mở rộng kỹ năng, phát triển chuyên môn ở hiện tại và trong dài hạn.
Tuyển thực tập sinh, thuê trợ lý tạm thời hay áp dụng các công cụ hiện đại để hỗ trợ bạn thực hiện các việc vặt. Bạn sẽ không có thời gian giải quyết những việc này một khi đảm nhận trách nhiệm mở rộng.
Sau đó, tận dụng thời gian để tham gia các dự án bạn chưa từng thực hiện khi được sự ủng hộ của cấp trên. Bạn sẽ không chỉ học những kỹ năng liên quan trực tiếp tới công việc mà cả những kỹ năng giúp bạn tiếp tục tiến lên phía trước. Đó có thể là điều bạn thực sự thiếu sót khi trì trệ.
Bạn phạm sai lầm lớn
Có thể bạn không bị sa thải hay giáng chức nhưng sai lầm đó không chỉ khiến bạn “nổi tiếng” trong văn phòng của mình mà cả công ty hay lĩnh vực. Trong trường hợp này, hãy nói chuyện thẳng thắn với cấp trên. Giải thích lý do tại sao bạn lại đưa ra quyết định như vậy và điều bạn rút ra sau thất bại. Có nhiều sếp vẫn yêu quý và đánh giá cao nhân viên mắc sai lầm nhưng biết cách khắc phục một cách thông minh, biết biến sai lầm thành cơ hội.
Chú ý rằng không nên thể hiện sự hài hước một cách vô duyên trong trường hợp này, chẳng hạn, đừng nói rằng "Ít nhất chúng ta đã thu hút sự chú ý của dư luận từ sự việc lần này". Điều này chỉ chứng tỏ rằng bạn không rút ra được bài học cho mình.
Bạn chán việc
Chán việc sẽ trở thành điều đáng xấu hổ khi bạn không tập trung làm việc, năng suất giảm sút, hay phạm sai lầm. Để tình huống không trở nên tồi tệ hơn, bạn nên nhanh chóng lấy lại tinh thần và phong độ làm việc. Tìm ra nguyên nhân của sự buồn chán và có biện pháp “chữa trị” kịp thời. Nếu vì công việc nhàm chán, lặp đi lặp lại hàng ngày, bạn nên nói chuyện với sếp để được đáp ứng những thử thách mới.